Điện thoại Xiaomi xách tay sắp hết đất sống tại Việt Nam

Xiaomi vừa tuyên bố ngừng hỗ trợ điện thoại xách tay từ Trung Quốc cài đặt phần mềm của thị trường quốc tế nhằm ngăn chặn vấn nạn hàng nhập khẩu trái phép.

Theo một thông báo trên diễn đàn hỗ trợ người dùng của Xiaomi, công ty cho biết điện thoại Xiaomi bán ra tại thị trường Trung Quốc sẽ không thể cài đặt các phiên bản phần mềm quốc tế như trước đây. Và ngược lại, những mẫu máy bán ra trên thị trường quốc tế cũng sẽ không thể cài đặt phần mềm dành riêng của thị trường Trung Quốc.

Đây được xem là động thái mạnh tay nhất mà công ty từng thực hiện trong việc ngăn chặn vấn nạn nhập khẩu trái phép điện thoại Xiaomi ở nhiều quốc gia, điển hình như tại Việt Nam.

Xiaomi chặn điện thoại xách tay từ Trung Quốc cập nhật phần mềm quốc tế. Ảnh: Thành Duy.

Trao đổi với Zing.vn, ông Huy Anh, đại diện của Xiaomi Việt Nam cho biết "Việc điện thoại Xiaomi xách tay tràn làn trên thị trường như hiện nay gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của hãng. Xiaomi không thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi cũng như bảo hành cho những thiết bị đó".

"Việc làm này nhằm ngăn chặn những lợi ích làm tổn hại đến việc kinh doanh của chúng tôi. Người dùng cũng nên lựa chọn sản phẩm được bán thông qua các kênh phân phối chính thức để có thể nhận được những dịch vụ tốt nhất từ công ty", vị này chia sẻ.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để chống lại hành vi gian lận này. Sản phẩm phát hành tại thị trường nội địa Trung Quốc và quốc tế sẽ có mã máy và mã phiên bản phần mềm khác nhau", ông cho biết thêm.

Doanh số bán máy Xiaomi xách tay tại nhiều cửa hàng giảm mạnh từ tháng trước, khi Xiaomi nâng thời gian unlock bootloader lên 2 tháng. Ảnh: Thành Duy.

Đây không phải lần đầu Xiaomi có biện pháp mạnh đối phó với hàng xách tay ở Việt Nam. Tháng trước, công ty đã nâng thời gian unlock bootloader của điện thoại Xiaomi từ 360 giờ (15 ngày) lên thành 1.440 giờ (2 tháng). Điều này đã khiến không ít cửa hàng xách tay gặp khó khăn.

Anh Nguyễn Tú, đại diện một cửa hàng bán lẻ điện thoại xách tay tại Hà Nội, chia sẻ "doanh số bán máy Xiaomi giảm khoảng 30% so với tháng trước. Việc kinh doanh ngày càng khó khăn, lợi nhuận từ việc bán điện thoại Xiaomi không cao, số lượng bán ra cũng không được nhiều như trước".

Anh chia sẻ thêm các đại lý cũng đang phải tìm hướng đi mới, nhập thêm nhiều loại hàng khác từ những thương hiệu như Meizu, Nokia để thay thế các máy của Xiaomi.

Tháng trước, Xiaomi đã nâng thời gian unlock bootloader lên 2 tháng khiến nhiều cửa hàng lao đao.

"Hiện tại, những máy đã unlock bootloader, người dùng vẫn có thể cài đặt phần mềm và sử dụng bình thường như máy quốc tế, tuy nhiên thời gian chờ để mở khóa sẽ khoảng 2 tháng. Nếu Xiaomi chặn hoàn toàn việc unlock bootloader, sẽ không còn cách nào có thể can thiệp vào hệ thống", anh Minh Đức, một kỹ thuật viên phần mềm tại Hà Nội cho biết.

Hồi đầu năm nay, hãng cũng cho thấy quyết tâm ngăn chặn hàng xách tay khi bán Mi A1 ở Việt Nam với giá thấp hơn ở Trung Quốc, khiến các cửa hàng kinh doanh điện thoại điêu đứng. Trước Việt Nam, Xiaomi từng thành công trong việc "tiêu diệt" hàng không chính ngạch ở Indonesia.

Unlock bootloader là một thuật ngữ nói việc can thiệp vào hệ thống để có thể cài đặt những phiên bản phần mềm hệ thống khác vào máy. Smartphone xách tay của Xiaomi từ Trung Quốc thường không có sẵn tiếng Việt, không có kho ứng dụng CH Play và dịch vụ của Google (do bị cấm ở Trung Quốc) nên sẽ rất khó bán tại Việt Nam.

Đây là lý do chính khiến các cửa hàng khi xách tay điện thoại Xiaomi từ Trung Quốc về Việt Nam phải tiến hành unlock bootloader để có thể cài đặt lại hệ điều hành phiên bản quốc tế giúp máy có thể hoạt động tương đương hàng chính hãng ở Việt Nam

Theo Zing

http://news.zing.vn/dien-thoai-xiaomi-xach-tay-sap-het-dat-song-tai-viet-nam-post881485.html