Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2015 diễn ra sáng ngày 01/12 tại Hà Nội.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những cải cách của ngành hải quan năm 2015 như triển khai hệ thống thông quan tự động, chữ ký điện tử, thanh toán điện tử… đã phần nào giúp DN giảm chi phí và rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Tuy nhiên, tình trạng ban hành văn bản, thông tư mới dồn dập đã khiến DN gặp khó khăn trong việc cập nhật và thực hiện. Nhiều văn bản quá dài, nhiều quy định, nhiều từ ngữ không rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu, cách giải thích, cách áp dụng khác nhau, không thống nhất giữa Hải quan và DN. Do đó, việc áp dụng thủ tục Hải quan thiếu sự thống nhất.
Văn bản một đằng, thực hiện một nẻo
Đơn cử như Quyết định số 11039 của Bộ Công thương quy định mặt hàng rơ-le nhập khẩu phải kiểm tra, dán tem năng lượng, song lại không chỉ định cơ quan, tổ chức kiểm tra nên DN không biết làm thủ tục kiểm tra ở đâu... Nội dung các quy định, danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành khó tìm, không rõ ràng như quy định về trọng tải xe container, đầu kéo, số trục…
Việc quản lý, kiểm tra chuyên ngành quy định chồng chéo nhau: Một mặt hàng vừa phải chứng nhận hợp quy, vừa phải kiểm tra từng lô hàng mỗi khi nhập khẩu. Cùng một mặt hàng nhưng lần nhập khẩu nào cũng phải xin giấy phép, kiểm tra chất lượng.Có quá nhiều loại giấy phép, giấy phép được cấp lặp đi lặp lại nhiều lần.
Thời gian kiểm tra chuyên ngành cũng quá dài, ví dụ như kiểm tra chất lượng mặt hàng thép phải mất từ 7 đến 10 ngày; thời gian kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của cơ quan y tế dài hơn thời hạn nộp cho hải quan là 30 ngày; thiết bị điện tử viễn thông xin phép Cục Viễn Thông, Cục Tần số mất khoảng 15 ngày.
Hoặc việc thực hiện kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu như hiện nay đang gây khó khăn cho DN. Đối với hàng xuất khẩu từ 1/1/2015, cơ quan kiểm dịch thực vật yêu cầu hàng xuất khẩu, bao gồm cả hàng nông, lâm sản như hạt điều, tinh bột sắn, dăm gỗ, cà phê, v.v, phải kiểm dịch thực vật mới được xuất khẩu, kể cả trường hợp nước ngoài không yêu cầu phải kiểm dịch, đã làm tăng thời gian thông quan hàng hoá, tăng chi phí cho DN khi thời gian kiểm dịch quá dài, với nhiều chi phí bất hợp lý…
Cán bộ yếu kém, nhũng nhiễu?
Đặc biệt, quy trình thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hóa và giám sát hải quan tại nhiều đơn vị hải quan địa phương còn chưa rõ ràng. Đơn cử như việc kiểm tra sau thông quan, cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan cả những tờ khai đã được kiểm tra thực tế. Việc xử lý chênh lệch về số liệu tồn kho giữa số liệu của hải quan và DN đối với loại hình gia công và sản xuất xuất khẩu là không hợp lý, dẫn đến việc truy thu thuế trên số chênh lệch không phù hợp với thực tế.
Nhiều DN thì phản ánh một số quy định pháp luật thuế hiện nay chưa rõ ràng, việc áp dụng khó khăn, thiếu không thống nhất. Đơn cử, một số quy định liên quan tới việc xác định chi phí hợp lý để khấu trừ khi tính thuế thu nhập DN còn thiếu rõ ràng, chưa phù hợp với yêu cầu tồn tại và cạnh tranh củaDN; quy định liên quan tới thời điểm xuất hóa đơn; viết tắt tên, địa chỉ trên hóa đơn; quy định thuế thu nhập cá nhân…
Ngoài ra là tình trạng chậm hoàn thuế cho DN, việc thực hiện liên thông thủ tục giữa cơ quan Thuế và các cơ quan nhà nước có liên quan còn bất cập, các biểu mẫu kê khai thuế còn phức tạp và rườm rà, một số thông tin trùng lặp và một số chỉ tiêu không cần thiết. Đặc biệt là tình trạng thanh, kiểm tra thuế còn kéo dài gây phiền hà và tốn kém cho DN…
Ngoài những bất cập trong quy định và việc thực thi thuế và hải quan, đại diện VCCI cũng cho biết vẫn còn những cán bộ hải quan, thuế gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp; có những cán bộ hải quan “yếu về nghiệp vụ, về kiến thức pháp luật”, thực hiện “thiếu tính thống nhất”, “trình độ chuyên môn thấp”, “không hiểu hết quy định và nội dung văn bản”. Dẫn đến, mỗi công chức giải thích một kiểu”, thường chỉ “hướng dẫn miệng”, “từ chối ký vào phiếu nghiệp vụ” để tránh trách nhiệm…
Theo Trí thức trẻ