Diễn đàn Tổng Biên tập 'Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu'

Diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề “Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu” đã được tổ chức sáng 11/6, tại Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong chương trình Gala Báo chí lần thứ 2 - 2020 do Báo Nhà báo và Công luận - Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Đoàn Chủ tịch điều hành Diễn đàn. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Đoàn Chủ tịch điều hành Diễn đàn. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Diễn đàn có 3 phiên làm việc: Thực trạng khó khăn của kinh tế báo chí hiện nay. Những nỗ lực gỡ khó cho báo chí và hiệu quả của những giải pháp phát triển nguồn thu cho báo chí thời gian qua; Báo chí phát triển nguồn thu: Bệ đỡ nào từ chính sách, nhà nước: kiến nghị, đề xuất về chính sách hỗ trợ báo chí tháo gỡ khó khăn, phát triển thêm nguồn thu, bảo đảm kinh tế báo chí trong thời gian tới.

Đây là tọa đàm mở cho các nhà quản lý báo chí, các cơ quan báo chí thảo luận về những khó khăn của kinh tế báo chí hiện nay, những giải pháp gỡ khó để báo chí hoạt động hiệu quả và các bệ đỡ từ chính sách Nhà nước trong bài toán phát triển nguồn thu của báo chí.

Nguồn thu báo chí giảm mạnh sau đại dịch COVID-19

 

Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lưu Đình Phúc cho rằng, nguồn lực báo chí, những giá trị do báo chí đem lại cho xã hội vô cùng lớn nhưng báo chí đang đứng trước một thực tế, đó là nguồn thu suy giảm mạnh.

Với 900 cơ quan báo chí ở cả ba loại hình nhưng trong năm 2019, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình chỉ đạt gần 16.000 tỷ đồng, tương đương với doanh thu quảng cáo trực tuyến của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google ở thị trường Việt Nam.

Chỉ trong 10 năm, khoảng 50% thị phần quảng cáo rơi vào tay nền tảng số xuyên biên giới. Mất nguồn thu đồng nghĩa với sa sút nội dung và giảm sự ảnh hưởng của truyền thông chính thống.

Theo Tổng Biên tập báo Nhà báo và Công luận Lê Trần Nguyên Huy, việc phát triển kinh tế báo chí, bảo đảm nguồn thu từ lâu đã trở thành bài toán nan giải của các tòa soạn, đặc biệt là các cơ quan báo chí tự chủ về tài chính.

Đại dịch COVID-19 như siêu bão khủng khiếp quét qua, để lại những dư chấn nặng nề lên nền kinh tế nói chung, ngành công nghiệp truyền thông nói riêng càng khiến bài toán phát triển nguồn thu trở nên nóng bỏng và cấp bách với các cơ quan báo chí.

Phần lớn các tòa soạn bị giảm tới 50% doanh thu và có thể còn tiếp tục nhiều hơn thế nữa. Để có thể cầm cự, duy trì sự tồn tại, hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin của mình, hầu hết các tòa soạn vừa phải cắt giảm triệt để chi phí, vừa phải nỗ lực tìm kiếm nguồn thu mới.

Ông Lê Trần Nguyên Huy, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công luận phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Ông Lê Trần Nguyên Huy, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công luận phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

"Làm thế nào để tìm kiếm nguồn thu mà vẫn làm tròn sứ mệnh thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, giúp báo chí ổn định và phát triển thực sự là bài toán cần có lời giải kịp thời" - Nhà báo Lê Trần Nguyên Huy nhấn mạnh.

Đề ra các giải pháp để đa dạng hóa nguồn thu


Tại diễn đàn, các đại biểu bàn luận đến những giải pháp đa dạng hóa nguồn thu cho các cơ quan báo chí, nhất là với những đơn vị tự chủ về tài chính. Phần lớn giải pháp tập trung vào vấn đề đầu tư công nghệ để đổi mới nội dung, sản phẩm truyền thông, tăng tính hấp dẫn, thu hút độc giả; hợp tác chia sẻ thông tin trên nền tảng số hóa; siết chặt vấn đề bản quyền sản phẩm truyền thông, báo chí. 

Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay Lưu Quang Định đề nghị Nhà nước nên làm rõ các chính sách về kinh tế báo chí, liên quan đến hoạt động kinh doanh trong mặt báo và ngoài mặt báo; đồng thời duy trì việc đặt hàng các báo trong việc tuyên truyền chính sách và trả phí cho việc tuyên truyền đó. Đây là việc cần thiết để đảm bảo sự công bằng và khẳng định vai trò của báo chí.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng doanh thu chủ yếu của nhiều tờ báo, nhất là báo điện tử hiện nay là từ quảng cáo hay các hợp đồng truyền thông. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nhà quảng cáo đã quyết định trì hoãn các chiến dịch maketing, khiến một số tờ báo sụt giảm doanh thu đến 80%.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều tờ báo điện tử cần đa dạng hóa nguồn thu, giảm sự phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo. Một trong những cách đó là hướng đến việc thu phí khi đọc báo online.

Là tờ báo điện tử đối ngoại quốc gia trực thuộc TTXVN, VietnamPlus là tờ báo đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam thực hiện việc thu phí đọc nội dung trên nền tảng digital từ ngày 20/6/2018. Mỗi ngày, VietnamPlus mới chỉ phát hành 5 - 10 bài thu phí, gồm những bài phân tích chuyên sâu, phỏng vấn độc quyền do tòa soạn tự sản xuất hoặc nhượng quyền của các đơn vị báo chí lớn trên thế giới.

Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) trình bày tham luận tại Diễn đàn. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) trình bày tham luận tại Diễn đàn. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Theo Tổng Biên tập VietnamPlus Trần Tiến Duẩn, việc thu tiền từ bạn đọc trực tuyến ở Việt Nam hiện nay rất khó nhưng nếu muốn thay đổi cơ cấu doanh thu, các cơ quan báo chí phải bắt tay vào làm.

Quan trọng nhất là phải bảo vệ được bản quyền, không để xảy ra tình trạng một bài báo hay bị hàng chục trang mạng khác cắt về, dán lên trang của mình một cách thoải mái. Việc khóa bài, mời mua báo trực tuyến cần phải được tiến hành đồng thời ở nhiều báo mới tạo được hiệu ứng tích cực.

Nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí thống nhất kiến nghị cần có chính sách bắt buộc các nhà mạng chia sẻ các nguồn thu cho các cơ quan báo chí. Đồng thời, cần có quy định bảo vệ bản quyền cho báo chí. Bởi, trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, bản quyền đang là vấn đề sống còn.

Các bộ, ngành chức năng cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn về chính sách quảng cáo cho các cơ quan báo chí; có cơ chế đặt hàng sản phẩm truyền thông; tiếp tục giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cho cơ quan báo chí...

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong việc chú trọng tiết kiệm nguồn chi; tăng cường đào tạo lại để tiết kiệm nguồn nhân lực; triển khai báo chí đa phương tiện; hoạt động đúng tôn chỉ mục đích của báo chí để không bị thương mại hóa...

Theo Báo Tin tức