Điểm báo ngày 11.11.2017: Khi chưa có bộ gõ tiếng các dân tộc thiểu số

VietTimes -- Việt Nam và Liên bang Nga ra Tuyên bố chung về hợp tác bảo đảm an ninh thông tin. Định hướng sinh viên sử dụng Internet, mạng xã hội vào học tập, nghiên cứu khoa học. Công nghệ sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn. Hướng đi nào cho ngân hàng và Fintech? Khó khăn với bảo hiểm xã hội khi chưa có bộ gõ tiếng Ê Đê. 
Khi chưa có các bộ gõ tiếng dân tộc thiểu số sẽ là khó khăn nhập liệu tên riêng với các cơ sở dữ liệu tiếng dân tộc
Khi chưa có các bộ gõ tiếng dân tộc thiểu số sẽ là khó khăn nhập liệu tên riêng với các cơ sở dữ liệu tiếng dân tộc

Việt Nam và Liên bang Nga ra Tuyên bố chung về hợp tác bảo đảm an ninh thông tin

Điểm báo ngày 11.11.2017: Khi chưa có bộ gõ tiếng các dân tộc thiểu số ảnh 1Tại cuộc gặp giữa Chủ tịch Nước Trần Đại Quang và Tổng thống Vladimir Putin, hai bên đã ra Tuyên bố chung về hợp tác trên lĩnh vực bảo đảm an ninh thông tin quốc tế. Ảnh: VGP

Tại cuộc gặp song phương chiều 10.11 nhân Hội nghị cấp cao APEC 2017, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang và Tổng thống Vladimir Putin đã ra Tuyên bố chung về hợp tác trên lĩnh vực bảo đảm an ninh thông tin quốc tế.

Người đứng đầu hai nước quan ngại rằng, công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại có thể bị sử dụng cho các mục đích không phù hợp với nhiệm vụ duy trì an ninh, ổn định và hòa bình quốc tế; trở thành mối đe dọa trực tiếp tới công dân, xã hội và nhà nước. 

Hai bên kêu gọi cộng đồng quốc tế thông qua các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông với mục đích xâm hại độc lập chủ quyền, can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, cũng như vào mục đích khủng bố và thực hiện các hành vi phạm tội khác, bao gồm truy cập trái phép thông tin máy tính, tạo, sử dụng và phát tán mã độc. 

Người đứng đầu hai nước nhất trí đẩy mạnh hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực bảo đảm an ninh thông tin quốc tế theo các hướng chính sau: Xây dựng và củng cố lòng tin chung, bảo đảm an ninh thông tin cho các công trình trọng yếu về an ninh quốc gia, phòng chống sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào mục đích khủng bố và các loại tội phạm khác, cung cấp, chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo chuyên gia, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong phòng chống, tội phạm mạng, phối hợp bảo đảm hoạt động an toàn, tương tác ổn định và quốc tế hóa quản lý mạng thông tin viễn thông Internet, thể hiện vị thế gắn bó của Việt Nam và Nga trong các cơ chế và diễn đàn quốc tế. (Lao Động Online 11/11/2017)

Định hướng sinh viên sử dụng Internet, mạng xã hội vào học tập, nghiên cứu khoa học

Điểm báo ngày 11.11.2017: Khi chưa có bộ gõ tiếng các dân tộc thiểu số ảnh 2Sử dụng Internet, mạng xã hội trong nghiên cứu khoa học là định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Internet

Trong hai ngày 10-11/11/2017, hội thảo “Tập huấn công tác giáo dục lý tưởng Cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên” của Bộ GD&ĐT đã được tổ chức thành công theo  hình thức cầu truyền hình trực tuyến đồng thời tại 3 khu vực Bắc – Trung – Nam.

Tại hội thảo, Bộ yêu cầu các trường đại học, học viện, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho sinh viên thông qua việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, định hướng giáo dục, hướng dẫn sinh viên qua việc khai thác, sử dụng Internet, mạng xã hội vào mục đích học tập, nghiên cứu khoa học, giải trí lành mạnh. Đối với các Sở GD&ĐT, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục kỹ năng sống; việc xây dựng môi trường văn hóa trong trường học là việc cần tập trung thực hiện.

Hội thảo được tổ chức nhằm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”. (VietTimes 10/11/2017)

Công nghệ sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn

Thủ tướng Úc và COO Facebook  (ảnh: Vn Express)

Trong phiên thảo luận về “Kết nối và Cộng đồng trong thế giới ứng dụng công nghệ”, Thủ tướng Australia - Malcolm Turnbull và Giám đốc Tác nghiệp (COO) Facebook - Sheryl Sandberg đều cho rằng công nghệ đã giúp cải thiện cuộc sống của con người.

Bà Sandberg cho rằng công nghệ sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn. Với mỗi công việc bị mất đi bởi công nghệ, 4 công việc khác sẽ được tạo ra. Khi mọi người được kết nối, được trang bị kỹ năng số, họ sẽ có việc làm.

Ông Turnbull cũng đồng tình với quan điểm này. Ông nhận định một thập kỷ gần đây, thế giới đã có nhiều thay đổi, nhờ công nghệ, cụ thể là các thiết bị di động hiện đại. Nhiều người được sử dụng internet và smartphone. Việc này đã thúc đẩy thương mại, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Vì vậy, ông cho rằng các nước cần đảm bảo ai cũng được tiếp cận và sử dụng công nghệ. Và một trong những thành tựu lớn nhất của Facebook là sự dễ sử dụng, giúp xóa bỏ các rào cản. Đây chính là chìa khóa cho sự kết nối.

Bà Sheryl Sandberg cũng khẳng định "công nghệ đã giúp mọi người thay đổi suy nghĩ và có cuộc sống tốt hơn". Tuy nhiên, thách thức đặt ra là mọi người cần được kết nối và cải thiện kỹ năng số.

Thủ tướng Australia nhận xét các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phát triển nhanh hơn, sáng tạo hơn. Các nền tảng như Internet, Facebook đã giúp giảm rào cản, kết nối doanh nghiệp nhỏ của Australia với các thị trường lớn, tạo ra nhiều cơ hội xuất khẩu. Nhờ đó, họ có chuỗi tăng trưởng việc làm tháng dài nhất 23 năm. (Vn Express 10/11/2017)

Hướng đi nào cho ngân hàng và Fintech?

Ngân hàng và công nghệ tài chính cần có mối liên kết (ảnh: Thời báo Ngân hàng)

Công nghệ tài chính (Fintech) được nhận định là xu hướng phát triển tất yếu nhưng cũng là thách thức của ngành ngân hàng. Vì thế, tại hội thảo quốc tế thường niên bàn về cơ hội, thách thức giữa ngân hàng và Fintech diễn ra sáng 10.11, các chuyên gia cho rằng cần có định hướng, phương pháp để sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech thuận lợi, đem lại hiệu quả cao.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, lĩnh vực Fintech còn mới mẻ nhưng đã phát triển trong thời gian gần đây với hơn 70 công ty hoạt động đa dạng trên các mảng dịch vụ tài chính, ngân hàng. Những công nghệ mới với nhiều công năng và ứng dụng đã đem đến trải nghiệm mới hấp dẫn người sử dụng với chi phí hợp lý. Về phía ngân hàng, sự hợp tác với các công ty Fintech đã mang tới những đổi mới, sáng tạo, giúp cải tiến và thay đổi căn bản nhiệm vụ ngân hàng truyền thống, giúp các ngân hàng có những đầu tư nhất định nhằm thay đổi cách thức phục vụ truyền thống.

Không thể phủ nhận rằng, Fintech đã và đang định hình lại hành vi và kỳ vọng về dịch vụ của khách hàng. Các chuyên gia tại hội thảo dự báo Fintech mang lại nhiều cơ hội hợp tác phát triển, nhưng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, Fintech có nhiều lợi ích về công nghệ, mô hình kinh doanh sáng tạo nhưng lại chưa có nhiều kinh nghiệm, hạn chế trong việc tiếp cận khách hàng, trong khi đó, ngân hàng truyền thống lại có thế mạnh về mạng lưới khách hàng, nguồn nhân lực, bộ máy kiểm soát tuân thủ pháp lý chắc chắn. Chưa kể, hành lang pháp lý hiện hành dành cho hoạt động của Fintech còn hạn chế.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng đây là thời điểm để các ngân hàng nhìn nhận lại chiến lược kinh doanh, đẩy mạnh đổi mới mô hình, cải tiến quy trình nghiệp vụ, gia tăng tiện ích và cải thiện khách hàng. Ông cũng khuyến khích Fintech chủ động khai thác thị trường, tác động tới các đối tượng vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện và cần nhìn nhận rõ những thách thức để chủ động, tăng cường giải pháp trước những rủi ro. (Đại biểu Nhân dân 11/11/2017)

Nhật Bản đầu tư dự án sản xuất thiết bị tự động hóa trong ngành may mặc vào Đà Nẵng

Chiều 10-11, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Lễ trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Sản xuất thiết bị tự động hóa trong ngành may mặc của Công ty Yamota Sewing Machine MFG (Nhật Bản).

Tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, dự án sẽ sản xuất các máy may công nghiệp điều khiển tự động và các linh kiện kèm theo, với tổng vốn đầu tư là 28,527 triệu USD, diện tích thuê đất 2,8527 ha. Dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài tại khu công nghệ cao này dự kiến sẽ triển khai xây dựng trong tháng 11-2017 và đi vào hoạt động tháng vào 7-2018.

Trước đó, trong Diễn đầu đầu tư Đà Nẵng ngày 15-10-2017, dự án này được Ban quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng trao thông báo về việc cho phép nghiên cứu đầu tư dự án tại đây. Cũng tại Diễn đàn này, Ban quản lý Khu công nghệ cao đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Khu nhà xưởng xây sẵn công nghệ cao do Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Hi-tech làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 15 triệu USD.  (QĐND Online 10/11/2017)

Napas ký kết thỏa thuận hợp tác với Alipay

Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) và Công ty Quản lý dịch vụ thanh toán của Trung Quốc (Alipay) chính thức thiết lập quan hệ hợp tác thông qua việc ký kết thỏa thuận chiến lược giữa hai bên. 

Bà Nguyễn Tú Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Napas cho biết: “Ngoài phương tiện thanh toán bằng thẻ UnionPay, các khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam có thể sử dụng thêm phương tiện thanh toán thông qua ứng dụng Alipay – đang rất được phổ biến tại Trung Quốc. Việc tổ chức kết nối và cung cấp các dịch vụ thanh toán thông qua cổng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử của Napas giúp đưa luồng tiền thanh toán của các giao dịch xuyên biên giới đi qua hệ thống các ngân hàng và tổ chức thanh toán tại Việt Nam”.

Ra mắt bởi Alibaba Group vào năm 2004, Alipay hiện có hơn 520 triệu người dùng đang hoạt động, chủ yếu ở Trung Quốc. Alipay đã được phát triển từ một chiếc ví kỹ thuật số cho đến một phong cách sống. Người dùng có thể gọi taxi, đặt phòng khách sạn, hẹn gặp bác sĩ, mua vé xem phim, thanh toán hóa đơn tiện ích hoặc mua các sản phẩm quản lý tài sản trực tiếp trong ứng dụng. Ngoài các khoản thanh toán trực tuyến, Alipay đang mở rộng để thanh toán ngoại tuyến tại cửa hàng cả trong và ngoài Trung Quốc. Alipay đã triển khai dịch vụ tới hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ bao gồm các thị trường lớn như Singapore, Anh, Bỉ, Pháp, Mỹ, Úc, Indonesia…. và hỗ trợ thanh quyết toán 18 loại tiền tệ phổ biến trên thế giới. (Công Thương 10/11/2017)

EFY Việt Nam kỷ niệm 10 năm thành lập

TS Trần Chiến Thắng - Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, Phó Chủ tịch Hội Kỷ lục gia Việt Nam trao kỷ lục cho ông Hoàng Văn Thuấn - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc EFY Việt Nam. Ảnh: Kinh tế & Đô thị.

Tối 10/11, Công ty CP Công nghệ tin học EFY Việt Nam (EFY Việt Nam) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập. Ông Hoàng Văn Thuấn - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc EFY Việt Nam cho biết, trải qua 10 xăm xây dựng và phát triển, từ ngày đầu thành lập EFY xác định theo lĩnh vực trọng tâm là phát triển CNTT, khách hàng chính là cơ quan nhà nước và DN, khối trường học.
Đến nay, thương hiệu EFY Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc trên  thị trường và có một số sản phẩm dịch vụ được xếp ngang hàng với cácTập đoàn hàng đầu Việt Nam, như sản phẩm BHXH Điện tử. “Để có sự thành công đó chắc chắn không thể thiếu được sự tin tưởng và đồng hành của các khách hàng, đối tác, bạn bè trong suốt thời gian qua”, ông Hoàng Văn Thuấn nói.

Đặc biệt, tại buổi lễ, năm 2017 EFY Việt Nam tiếp tục cho ra mắt phần mềm Quản lý hóa đơn điện tử - iHOADON. Việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ là xu thế tất yếu của DN trong thời gian tới, iHOADON cung cấp cho khách hàng các tính năng, tiện ích cao nhất như: Thông báo phát hành hóa đơn, xuất hóa đơn điện tử, hóa đơn tự in... (Kinh tế & Đô thị 10/11/2017)

Khó khăn với bảo hiểm xã hội khi chưa có bộ gõ tiếng Ê Đê

Theo bà Nguyễn Thị Xuân – giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đăk Lăk, khó khăn lớn nhất của BHXH tỉnh đó là đối tượng người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 30%, hiện nay chưa có bộ gõ tiếng Ê Đê trên máy tính nên việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng này thường xảy ra tình trạng sai tên. Quá trình thực hiện đồng bộ mã thẻ cho đối tượng này còn khó khăn hơn gấp bội. Việc đổi thẻ BHYT lần này tạo khối lượng công việc lớn, đòi hỏi cán bộ, viên chức ngành BHXH tỉnh nỗ lực hết sức mình. Để bảo đảm được tiến độ BHXH Việt Nam giao, thời gian làm việc của công chức, viên chức ngành BHXH từ tỉnh đến huyện phải thực sự có trách nhiệm, kể cả làm ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ. (Đại biểu Nhân dân 11/11/2017)

Chính phủ Việt Nam cần khuyến khích đổi mới cho cách mạng công nghiệp 4.0

Điểm báo ngày 11.11.2017: Khi chưa có bộ gõ tiếng các dân tộc thiểu số ảnh 5Ông Anthony Tan - CEO khu vực ASEAN tập đoàn Underwriters Laboratories

Theo ông Anthony Tan, Phó Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Khu vực ASEAN Tập đoàn Underwriters Laboratories (UL), với Việt Nam vai trò của Chính phủ là cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chính sách, và khuyến khích đổi mới cho cuộc CMCN lần thứ 4. Đồng thời, thật sự tạo ra một môi trường mà ở đó việc thử nghiệm, hỗ trợ đổi mới cho các doanh nghiệp đến với Việt Nam có thể trải nghiệm một cách dễ dàng. Điều này cũng nên được làm tương tự đối với các thành viên APEC. Mặt khác, Chính phủ không chỉ giao phó cho một bộ phận mà cần phải có sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương. Tất cả đều cần tham gia và cùng đi theo đường lối đó.

Sự hợp tác công tư (PPP) sẽ cho phép Chính phủ chia sẻ trách nhiệm với khu vực tư nhân. Sự hợp tác này cho phép Chính Phủ tận dụng được nhiều năng lực. Ví dụ cho phép các phòng thử nghiệm độc lập để thử nghiệm và tiến hành đảm bảo an toàn, an ninh của các sản phẩm, hệ thống và các giải pháp. Ngoài ra, PPP có thể tham gia vào đổi mới. Chính Phủ chưa chắc đã có tất cả các giải pháp hay câu trả lời nhưng khu vực tư nhân có thể xem xét và đưa ra đề xuất rất nhanh chóng. (SGGP Online 10/11/2017)

Đừng đếm từng đơn hàng trên Facebook để thu thuế

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi. Dự thảo này có nhiều điểm mới liên quan đến bán hàng qua mạng. Đáng chú ý, để quản lý các cá nhân bán hàng qua mạng, Bộ Tài chính đề xuất một sản phẩm hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên sẽ thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo tỉ lệ % và không thu thuế đối với một sản phẩm hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng/lần. Trường hợp một sản phẩm hàng hóa dưới 1 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ hai lần/ngày thì thực hiện thu thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân theo quy định.

Phản ứng trước việc này, anh Minh An, chuyên kinh doanh hàng từ Nhật trên mạng, cho rằng cách thu này không hợp lý, mang tính tận thu, làm khó cá nhân kinh doanh. “Nếu đề xuất trên được áp dụng vào thực tế thì gần như 100% giao dịch qua mạng của các cá nhân, hộ kinh doanh đều bị tính thuế. Vì theo quy định, trường hợp một sản phẩm hàng hóa dưới 1 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ hai lần/ngày phải nộp thuế, trong khi việc giao dịch vài lần, thậm chí vài chục lần trong ngày là bình thường nên kiểu gì chúng tôi cũng phải chịu thuế. Hệ quả là các cá nhân kinh doanh trên mạng sẽ tìm cách lách để khỏi nộp thuế” - anh An phân tích.

Chị Ngọc Ánh vừa kinh doanh bán hàng quần áo trên mạng vừa có tiệm bán trực tiếp, phân tích: Tính thuế theo ngày, theo giá trị sản phẩm hàng hóa là thiếu công bằng. Cách tính thuế này vô tình tạo ra sự bất bình đẳng giữa kinh doanh bán hàng truyền thống với bán hàng trên mạng.

“Lý do là hiện nay những cá nhân, hộ kinh doanh truyền thống có doanh thu bán hàng trên 100 triệu đồng/năm phải đóng thuế. Trong khi với đề xuất mới của Bộ Tài chính, các cá nhân kinh doanh trên mạng nếu mỗi ngày bán hàng có trị giá khoảng 990.000 đồng, tính ra cả năm doanh thu bán hàng trên 350 triệu đồng vẫn không phải đóng thuế”.

Tán đồng với quan điểm này, luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, cho rằng: “Đề xuất tính thuế như trên khiến cơ quan thuế tự làm khó mình. Ngành thuế sẽ khó có đủ nhân lực, thiết bị công nghệ kiểm soát, theo dõi giao dịch các cá nhân kinh doanh bán hàng trên mạng theo từng ngày”.

Ông Trương Ngọc Hiệp, Chi cục phó Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, nhận xét đề xuất tính thuế theo giá trị sản phẩm theo ngày có thể sẽ không hiệu quả. Bởi với phương thức quản lý thuế theo kiểu truyền thống như hiện nay rất khó để kiểm soát vì vừa cần nhiều nhân lực, vừa mất thời gian mà chưa biết có đạt được kết quả hay không.

“Đề nghị Bộ Tài chính có thay đổi trong phương pháp quản lý thuế. Theo đó, nên đầu tư công nghệ vào quản lý thuế, làm sao tính toán, kiểm soát tự động được thông tin, giao dịch ngay từ đầu vào” - ông Hiệp nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, một cán bộ cao cấp ngành thuế (không muốn nêu tên) cho rằng đề xuất trên của Bộ Tài chính khó áp dụng trong thực tế bởi việc xác định giá trị giao dịch 1 triệu đồng rất khó. Đặc biệt trong các quy định thuế hiện nay không có ngưỡng 1 triệu đồng mà chỉ có quy định cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm mới phải đóng các loại thuế. (Pháp luật TPHCM 11/11/2017)