Điểm báo công nghệ thông tin ngày 9.11.2017: Doanh nghiệp bảo hiểm Việt vẫn “thờ ơ” với bảo hiểm an ninh mạng

Viettimes -- Có được tố cáo qua e-mail, điện thoại, fax? Bộ trưởng Trương Minh Tuấn kiểm tra Trung tâm báo chí quốc tế APEC 2017. Diễn đàn lãnh đạo các đại học APEC: Việc làm trong kỷ nguyên kinh tế số và trí tuệ nhân tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp nội tạo ra các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin. Sửa đổi Luật Quản lý Thuế để thu thuế kinh doanh qua Facebook.
Doanh nghiệp bảo hiểm vẫn thờ ơ với bảo hiểm an ninh mạng
Doanh nghiệp bảo hiểm vẫn thờ ơ với bảo hiểm an ninh mạng

Có được tố cáo qua e-mail, điện thoại, fax?

Sáng 8/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Một nội dung thu hút nhiều sự quan tâm là hình thức tố cáo. Hiện có 2 nhóm ý kiến xoay quanh nội dung này. Thứ nhất, đề nghị bổ sung thêm các hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax,điện thoại...; ý kiến thứ hai đồng ý quy định 2 hình thức tố cáo như trong dự thảo.

Theo ông Lê Minh Khái, Chính phủ tiếp thu nhóm ý kiến thứ hai. Theo phân tích của Chính phủ, giữ nguyên quy định 2 hình thức tố cáo như trong dự thảo Luật là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, không mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử, quy định như vậy nhằm tránh tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ.

Mặc dù không giải quyết đối với tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại... theo quy trình giải quyết tố cáo, Chính phủ cho rằng những hành vi vi phạm pháp luật được phản ánh qua thư điện tử, fax, điện thoại cần phải được các cơ quan nhà nước tiếp nhận, xử lý phục vụ yêu cầu công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra.

Ủng hộ bổ sung hình thức tố cáo qua email, điện thoại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: Ta đang ở thời đại công nghệ 4.0, sao Luật lại đặt cái đó ra bên ngoài. Nhiều khi người dân nhắn tin có tên tuổi, địa chỉ cụ thể, nói việc này việc kia chuyển các cơ quan chức năng nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. (Hải Quan, Lao Động Online 8/11/2017)

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn kiểm tra Trung tâm báo chí quốc tế APEC 2017

Sáng 8/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã có cuộc kiểm tra và thăm Trung tâm báo chí quốc tế APEC 2017 (TP. Đà Nẵng), nơi đang có hàng ngàn nhà báo tác nghiệp phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Tại Trung tâm báo chí, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã gặp gỡ các phóng viên trong nước và quốc tế đang tác nghiệp, Bộ trưởng hỏi thăm tình hình và động viên báo chí tác nghiệp tốt tại sự kiện. Bộ trưởng cũng kiểm tra công tác hậu cần kỹ thuật, đường truyền mạng và an ninh phục vụ cho các phóng viên trong nước và quốc tế tác nghiệp.

Đồng thời, Bộ trưởng thao tác thử kiểm tra vấn đề về kết nối, truyền dữ liệu thông tin hình ảnh từ các trung tâm tổ chức hội nghị liên quan đến APEC 2017 về Trung tâm báo chí quốc tế.  

Theo một số phóng viên, vào đến thời điểm đông người, wifi tại trung tâm báo chí chạy chậm. Bộ trưởng Thông tin Truyền thông cho rằng, anh em báo chí đưa tin, có lúc cần wifi, do vậy, cần phải khắc phục sớm, đồng thời yêu cầu VNPT hỗ trợ để đảm bảo đường truyền tốt cho phóng viên tác nghiệp. (Tài nguyên & Môi trường 8/11/2017)

Diễn đàn lãnh đạo các đại học APEC: Việc làm trong kỷ nguyên kinh tế số và trí tuệ nhân tạo

Ngày 8/11, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội các đại học vành đai Thái Bình Dương và Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp tổ chức Diễn đàn lãnh đạo các đại học APEC 2017. Đây là một hoạt động có ý nghĩa bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và là một sự kiện quan trọng đối với cộng đồng giáo dục đại học trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.  
Tại phiên thảo luận về "Vấn đề việc làm trong kỷ nguyên kinh tế số và trí tuệ nhân tạo", lãnh đạo các đại học và doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm trong các vấn đề: Cách tiếp cận với sự phát triển của lực lượng lao động có khả năng phân tích khoa học dữ liệu trong khu vực APEC nhằm hỗ trợ sự phát triển kinh tế bền vững và thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Các thách thức mà giáo dục đại học phải đối mặt trong quá trình trang bị các kỹ năng cần thiết cho sinh viên để trở thành nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Cách tiếp cận của khu vực tư nhân đối với sự thiếu hụt nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Mối quan hệ hợp tác giữa đại học - doanh nghiệp có thể giải quyết nhu cầu về nguồn nhân lực như thế nào; Cần có những giải pháp, chiến lược gì để rút ngắn khoảng cách giữa đại học và doanh nghiệp... (Tin Tức 8/11/2017)

APEC là cơ hội để FPT tiếp cận với các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới

Thông tin từ FPT cho hay, trong khuôn khổ hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng đã diễn ra phiên làm việc về cơ hội xúc tiến đầu tư giữa Việt Nam và các nền kinh tế APEC ngày 8/11/2017, người điều phối chương trình chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã nói về cơ hội và mục tiêu của FPT tại hội nghị này.

Ông Trương Gia Bình cho biết, FPT là tập đoàn hàng đầu trong con mắt của chính phủ Việt Nam, nên trong các sự kiện quan trọng của nhà nước luôn có sự hiện diện của FPT. Có mặt tại APEC là cơ hội để FPT tiếp cận với các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới. Chiến lược cụ thể của tập đoàn là hướng đến các khách hàng đứng đầu thế giới như Mỹ, Nhật, Pháp, Đức. Những quốc gia có kế hoạch chuyển đổi số rõ ràng và quan tâm đến Việt Nam. Họ nằm trong các ngành mà FPT quan tâm như ô tô, bán lẻ, y tế.

Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, khẳng định: Chính phủ cam kết hỗ trợ doanh nghiệp, quan tâm đến thành phần kinh tế tư nhân. Chính phủ vừa thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân do ông Trương Gia Bình đứng đầu. Bộ Công Thương cũng cam kết đồng hành, cắt giảm các điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp không chỉ Việt Nam mà cả nước ngoài. (ICT News 9/11/2017)

Hỗ trợ doanh nghiệp nội tạo ra các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin

Ngày 8/11/2017, Ban Điều hành triển khai Quyết định 898 của Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng giai đoạn 2016 - 2020 (Ban Điều hành 898) đã tổ chức Hội nghị về sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng nội địa và đánh giá tình hình lây nhiễm phần mềm độc hại tại Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chỉ rõ, tình hình lây nhiễm mã độc tại Việt Nam vẫn ở mức cao. Qua thống kê của Cục ATTT trong 3 năm từ 2014 - 2016, tỷ lệ lây nhiễm mã độc trên máy tính cá nhân tại Việt Nam đều trên 63%. Thứ trưởng cho biết, quan điểm của Bộ TT&TT là làm thế nào tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp trong nước có cơ hội để tham gia, hỗ trợ xây dựng các phương án tạo ra các sản phẩm dịch vụ bảo đảm ATTT.

Trao đổi tại hội nghị, đại diện Cục ATTT - cơ quan thường trực Ban điều hành 898 cho biết, Quyết định 898 ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính đã đưa ra 4 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, một nhiệm vụ quan trọng là phát triển tối thiểu 5 sản phẩm ATTT thương hiệu Việt Nam được sử dụng phổ biến tại thị trường trong nước; doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò chủ đạo tại thị trường dịch vụ ATTT trong nước.

Triển khai nhiệm vụ này, Bộ TT&TT đã giao Bộ TT&TT xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ ATTT nội địa. Đề án này cùng với “Đề án nâng cao năng lực phòng chống phần mềm độc hại, cải thiện mức độ tin cậy của quốc gia tỏng hoạt động giao dịch điện tử theo hướng xã hội hóa” hiện đã được Bộ TT&TT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. (ICT News 8/11/2017)

Sửa đổi Luật Quản lý Thuế để thu thuế kinh doanh qua Facebook

Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiện dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi. Đáng lưu ý, tại dự thảo, đại diện Bộ Tài chính còn chỉ ra thực tế, hoạt động của mạng internet là giao dịch xuyên biên giới, các công ty vận hành mạng nước ngoài hầu hết không đăng ký kinh doanh và không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam.

Theo thống kê từ phía cơ quan chức năng, hiện Google và Facebook cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua hai phương thức: Một là qua các đại lý tại Việt Nam, với trường hợp này, các DN trên sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ thuế khi phát sinh doanh thu; phương thức hai là mua bán trực tuyến và thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử.

Đối cá nhân bán hàng qua mạng, Bộ Tài chính đề xuất trường hợp một sản phẩm hàng hóa dưới 1 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ 2 lần/ngày thì thực hiện thu thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân theo quy định. (Kinh tế & Đô thị 8/11/2017)

Hoàn thiện nội dung điều tra rừng và mặt nước bằng công nghệ viễn thám

Ngày 8/11, tại Điện Biên, Tổng Cục môi trường (Bộ TN&MT) tổ chức Hội thảo báo cáo nhiệm vụ thực hiện chương trình giám sát lớp phủ thực vật rừng, nước mặt khu vực thủy điện Lai Châu bằng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS).

Ứng dụng phương pháp viễn thám và GIS vào theo dõi hiện trạng lớp phủ thực vật rừng, nước mặt khu vực thủy điện Lai Châu nhằm bổ sung, cập nhật thông tin phục vụ công tác khảo sát, đánh giá thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án, công trình thủy điện. 

Việc sử dụng phương pháp ảnh viễn thám và GIS, ngoài thực hiện giám sát hiện trạng, biến động lớp phủ thực vật rừng, nước mặt khu vực thủy điện Lai Châu, còn thực hiện phân tích các thành phần môi trường, phát hiện và ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực liên quan đến lớp phủ rừng và nước mặt khu vực ảnh hưởng của thủy điện Lai Châu. 

Tại hội thảo, đại diện đơn vị thực hiện nhiệm vụ giám sát đã cung cấp các tư liệu ảnh viễn thám, tư liệu bản đồ chuyên đề, sản phẩn thực hiện qua các năm. Hình ảnh giám sát sự thay đổi về diện tích mặt nước, diện tích rừng, diện tích hồ chứa qua các năm tại khu vực thủy điện Lai Châu và vùng phụ cận. (Tài nguyên & Môi trường 8/11/2017)

TPHCM: Lấy người dân là trung tâm xây dựng đô thị thông minh

Chiều 8.11, HĐND TPHCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề góp ý đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Dương Anh Đức cho biết, đề án có 4 mục tiêu gồm đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, với phương châm xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, TP không chỉ phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ mà còn phải xây dựng mối quan hệ nhân văn giữa con người với con người thông qua việc ứng xử văn minh, lịch sự. Theo đó, đô thị thông minh là một giải pháp rất quan trọng giúp cho mối quan hệ giữa con người ngày càng dễ dàng thông qua hệ thống trực tuyến. Xuyên suốt quá trình xây dựng đề án, triển khai, nghiệm thu và tiếp tục phát triển đề án thì sự tham gia của người dân, xã hội là xuyên suốt, là cần thiết và quyết định. (Lao Động Online 8/11/2017)

Cần Thơ: Hơn 2.000 cuộc tấn công trung tâm dữ liệu thành phố từ đầu năm đến nay

Sáng 8.11, Sở TTTT TP Cần Thơ phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng) đã tổ chức hội thảo “Nâng cao nhận thức về an toàn, an ninh thông tin mạng”.

Riêng tại TP.Cần Thơ, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 2.000 cuộc tấn công mạng (dò quét lổ hổng, quét cổng, quét lỗi SQL injection…) vào trung tâm dữ liệu của TP. Hiện hệ thống chặn thư rác (Antispam) đã phát hiện và chặn 1.778 tên miền và địa chỉ IP. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm nay, Cần Thơ đã xảy ra 230 sự cố hoặc rủi ro tiềm ẩn mất an toàn thông tin, phần lớn các vụ là bị nhiễm virus, mã độc và đã được các đơn vị xử lý, khắc phục kịp thời.

Trong chiều 8.11, UBND TP.Cần Thơ đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin tổ chức diễn tập ứng cứu sự cố an ninh mạng trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn. 

Dịp này, Sở TTTT TP.Cần Thơ và Cục Công nghệ thông tin đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng và điều phối, ứng cứu sự cố… (Lao Động Online 8/11/2017)

Sắp diễn ra Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2017

Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục An toàn thông tin, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Cục Công nghệ thông tin (Bộ Quốc phòng) vừa tổ chức họp báo giới thiệu sự kiện “Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2017”.

Hội thảo diễn ra vào ngày 01/12/2017 tại Khách sạn Lotte Hà Nội, 54 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội. Song hành cùng Hội thảo là khu Triển lãm với hơn 20 gian hàng của các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước nhằm giới thiệu, trình diễn các sản phẩm, công nghệ an toàn thông tin tiên tiến nhất.

Trong khuôn khổ sự kiện, nhiều hoạt động khác như Cuộc thi quốc gia sinh viên với An toàn thông tin 2017, Khoá đào tạo nâng cao về an toàn thông tin với chủ đề “Các kỹ thuật săn lùng và phản ứng sự cố trong môi trường”, Bình chọn danh hiệu “Sản phẩm an toàn thông tin chất lượng cao năm 2017” và “Dịch vụ an toàn thông tin tiêu biểu năm 2017”.

Tại TPHCM, Hội thảo quốc tế “Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2017” sẽ được Chi hội An toàn thông tin phía Nam phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức vào ngày 23/11/2017. (Thời báo Ngân hàng 8/11/2017)

MEMS/ Sensor giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Việt Nam

Chiều 8/11 được sự uỷ quyền của UBND TPHCM, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM tổ chức buổi họp báo thông tin về Diễn đàn Công nghệ hệ thống vi cơ điện tử (MEMS)/ Sensor TPHCM với chủ đề: "MEMS/ Sensor giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Việt Nam".

Diễn đàn MEMS/Sensor là nơi để các nhà doanh nghiệp (DN), nhà khoa học trong nước và quốc tế, cùng với các cơ quan quản lý nhà nước và các quỹ đầu tư, gặp gỡ trao đổi về những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiến tới hợp tác tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ MEMS/Sensor trong công nghiệp và trong đời sống. Đặc biệt diễn đàn tạo ra cơ hội để các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng hợp tác đầu tư sản xuất vi mạch tại Việt Nam. Đồng thời, hướng đến xây dựng và phát triển hệ sinh thái công nghiệp MEMS/Sensor cho TP bao gồm từ nghiên cứu đến đào tạo, ươm tạo, chuyển giao công nghệ và sản xuất. Đây cũng là cơ sở để phát triển bền vững cho lĩnh vực công nghiệp bán dẫn ở trình độ tiên tiến, tạo điều kiện cho việc làm chủ công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Diễn đàn sẽ diễn ra từ ngày 8- 9/11 tại TPHCM, riêng trong ngày 9/11 sẽ tập trung đề cập đến các chính sách cho việc phát triển ngành công nghiệp MEMS/Sensor; Các ứng dụng của MEMS/Sensor hướng đến thị trường. Cuối mỗi phiên sẽ có phần thảo luận bàn tròn giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhà khoa học và các chuyên gia cùng có ý kiến đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp MEMS/Sensor cho TPHCM. (Công Thương 8/11/2017)

S-wifi ký kết chiến lược với Waffle phát triển Social Wifi Marketing

Vừa qua tại TPHCM, S-wifi đơn vị cung cấp Wifi Marketing tại Việt Nam và Waffle - hoạt động với lĩnh vực song song tại thị trường Hàn Quốc đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, mở ra một trang mới cho sự phát triển của mảng Social Wifi Marketing.

Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ wifi miễn phí cho người dân và mang đến giải pháp marketing hiệu quả cho doanh nghiệp, S-wifi đã ký thỏa thuận hợp tác với đối tác Hàn Quốc – Waffle.

Theo đó hai bên sẽ hợp tác chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm nâng cao chất lượng phục vụ người dùng internet miễn phí, hợp tác phục vụ các khách hàng sử dụng dịch vụ quảng cáo wifi marketing, các phân tích chuyên sâu để phục vụ công tác quản lý.

Là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ wifi marketing sớm nhất Việt Nam, S-wifi hiện có mạng lưới phủ sóng trên 3.000 điểm phát tại 14 tỉnh thành, tập trung vào các bệnh viện, trường học, địa điểm công cộng, khu cao cấp... S-wifi đã tiếp cận và chia sẻ giải pháp cho hơn 600 thương hiệu và các Agency lớn thuộc các ngành hàng FMCG, nhà hàng – khách sạn, Tài chính – ngân hàng, Du lịch và giải trí, giáo dục… (SGGP Online 8/11/2017)

Dán tem truy xuất nguồn gốc bưởi đặc sản Đoan Hùng

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Phú Thọ, bắt đầu từ vụ thu hoạch năm 2017, bưởi đặc sản Đoan Hùng sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Trước mắt, Chi cục sẽ phối hợp với huyện Đoan Hùng triển khai xây dựng 3 điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm bưởi đặc sản Đoan Hùng tại thành phố Việt Trì và huyện Đoan Hùng; đồng thời thành lập tổ giám sát chất lượng bưởi Đoan Hùng trước khi đưa ra thị trường, thí điểm dán 200.000 tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc lên bưởi đặc sản đạt chất lượng của 2 vùng bưởi nổi tiếng Chí Đám, Bằng Luân.

Thông qua tem điện tử thông minh, người tiêu dùng có thể tra cứu đầy đủ các thông tin về sản phẩm mình mua như giống bưởi, tên hộ trồng, ngày thu hoạch, hướng dẫn bảo quản, hàm lượng các chất trong bưởi, ảnh sản phẩm, video giới thiệu về sản phẩm… Đặc biệt, tem điện tử không thể làm giả và được quản lý chặt chẽ, từng quả bưởi sẽ được tổ giám sát đánh giá chất lượng trước khi được dán tem. (Thời báo Tài chính Việt Nam 7/11/2017)

Volkswagen hợp tác Google về điện toán lượng tử để cải thiện pin xe điện

Hãng chế tạo ô tô Volkswagen vừa công bố hợp tác với Google để sử dụng các điện toán lượng tử để cải thiện pin xe điện và các bộ phận khác trong tương lai của giao thông, như tối ưu hóa lưu lượng và các quá trình học máy mới.

Điện toán lượng tử vẫn còn trong giai đoạn phôi thai, nhưng Google đã được một nhà lãnh đạo đầu trong lĩnh vực này và đầu năm nay, nó bắt đầu cung cấp các nhà nghiên cứu AI truy cập điện toán lượng tử để phát triển ứng dụng lái xe.

Các công ty nói rằng họ sẽ tập trung nghiên cứu các ứng dụng thực tế và các chuyên gia từ Trung tâm Công nghệ Thông tin Volkswagen (phòng thí nghiệm IT) ở San Francisco và Munich sẽ “phát triển các thuật toán, mô phỏng và tối ưu hóa cùng với các chuyên gia của Google”.

Khi nói đến pin, các chuyên gia Volkswagen dự định sử dụng cơ hội này để làm việc với Google về “mô phỏng và tối ưu hóa cấu trúc pin hiệu suất cao cho xe điện và các vật liệu khác”. (ICT News 8/11/2017)

Doanh nghiệp bảo hiểm Việt vẫn "thờ ơ" với bảo hiểm an ninh mạng

An ninh mạng đang là vấn đề nổi cộm trên toàn thế giới hiện nay và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Điều này đặt ra yêu cầu rằng, ngoài tăng cường quản lý an ninh máy tính, các doanh nghiệp Việt cũng cần tính đến việc mua bảo hiểm an ninh mạng và an toàn dữ liệu.

Theo các chuyên gia, bảo hiểm an ninh mạng và an toàn dữ liệu được các công ty bảo hiểm trên thế giới phát triển từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Nhu cầu về sản phẩm này xuất phát từ các công ty trong ngành công nghệ truyền thông và một số công ty dịch vụ muốn được bảo vệ trước những tác hại của việc lan truyển virut và mất các thông tin mật của khách hàng.

“Các sự cố an ninh mạng quy mô lớn đang ngày càng phổ biến và trở thành mối quan ngại của cả người tiêu dùng cũng như chính phủ của các quốc gia. Tuy nhiên, trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có Việt Nam, vẫn chưa đủ kiến thức và năng lực quản lý các rủi ro mới về an ninh mạng trong xã hội công nghệ số phức tạp hiện nay”, kết quả khảo sát Thực trạng an toàn thông tin toàn cầu do Price Watter House (PwC) vừa thực hiện nêu rõ.

Đại diện PwC cho biết, mặc dù nhận thức được mối nguy hại đến từ lỗ hổng an ninh mạng đang tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có sự chuẩn bị để đối phó với rủi ro này.

“Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 44% doanh nghiệp không có chiến lược tổng thể về an toàn thông tin; 48% không có chương trình đào tạo nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho nhân viên; 54% không có cơ chế đối phó với tấn công mạng…”, đại diện PwC cho hay.

Theo tìm hiểu, tại thị trường Việt Nam hiện nay, mới chỉ có một số công ty bảo hiểm nước ngoài như AIG, QBE, Chubb… triển khai bảo hiểm an ninh mạng.

Phạm vi bảo hiểm của sản phẩm này bao gồm những thiệt hại về thông tin của khách hàng khi có sự cố an ninh mạng (hacker, virut…); chi phí thông báo vi phạm dữ liệu (khi có sự cố vi phạm dữ liệu, công ty sẽ trả các chi phí để thông báo cho khách hàng, chi phí pháp lý liên quan); chi phí sữa chữa, thay thế hệ thống công nghệ thông tin sau khi có sự cố an ninh mạng; gián đoạn kinh doanh do các vấn đề về an ninh mạng…

“Vì là sản phẩm khá đặc thù và mới được triển khai nên số đơn cấp ra còn rất nhỏ, toàn thị trường chỉ có vài chục đơn”, đại diện một doanh nghiệp đang triển khai sản phẩm bảo hiểm an ninh mạng cho biết.

“Tuy nhiên, chúng tôi không quá e ngại về điều này, bởi tỷ lệ các công ty tham gia sản phẩm bảo hiểm này còn thấp, nên thị trường còn rất tiềm năng. Thực tế, ngay tại các thị trường phát triển, doanh thu phí của sản phẩm bảo hiểm an ninh mạng cũng mới bắt đầu tăng trưởng trong những năm gần đây”, vị đại diện này chia sẻ. (Đầu Tư 8/11/2017)