|
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư. |
Thông tin về công tác hoàn thiện Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp tại Hội thảo quốc tế về Dữ liệu dân cư và Chính phủ số diễn ra mới đây, Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh - Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư (Bộ Công an) - cho biết việc thực hiện Đề án 06 đạt được nhiều kết quả nổi bật, đem lại nhiều lợi ích phục vụ nhân dân, doanh nghiệp với việc thúc đẩy giải quyết dịch vụ công thiết yếu.
Hiện Bộ Công an đã triển khai và hoàn thành 2 dự án: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý CCCD. Đây là 2 trong 6 cơ sở dữ liệu được ưu tiên triển khai góp phần xây dựng Chính phủ số, xã hội số.
Thống kê của ngành công an cho biết toàn quốc đã thu thập và đồng bộ hơn 102 triệu phiếu từ các nguồn thông tin. Đây là loại phiếu có mã vạch, là một trong những loại phiếu thu thập thông tin dân cư ở nước ta để hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thuận tiện cho người dân và cơ quan nhà nước tiến hành, giải quyết các thủ tục hành chính và đồng bộ dữ liệu trên hệ thống dân cư quốc gia.
Cùng với đó, Bộ Công an đã tiến hành cấp đồng loạt 98,5 triệu số định danh cho công dân trên toàn quốc; thu thập gần 60 triệu hồ sơ để cấp thẻ căn cước công dân, in và trả 50 triệu thẻ cho công dân
Theo Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, cả 2 hệ thống cơ sở dữ liệu này được triển khai thiết kế kỹ thuật 2 hệ thống dựa trên nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí, do lực lượng tại 4 cấp Công an thực hiện theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Mặc dù là 2 dự án độc lập, nhưng Bộ Công an đã chỉ đạo lồng ghép tối đa 2 dự án để đồng bộ, tránh lãng phí, và giảm mức dự toán so với ban đầu hơn 1.000 tỉ đồng.
Hiện nay, Dữ liệu Quốc gia về Dân cư cùng các cơ sở dữ liệu khác đã được kết nối, chia sẻ với 15 bộ ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương.
Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư cho biết thêm hiện các cơ quan chuyên môn, địa phương đang tích cực triển khai 5 nhóm mục tiêu chủ yếu của Đề án 06 là nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nhóm tiện tích phục vụ phát triển kinh tế xã hội; tiện ích phục vụ Công dân Số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; nhóm tiện ích phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Đến nay, 25/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đã được Chính phủ công bố triển khai trên toàn quốc từ 10/7/2023. Riêng Bộ Công an đã mở rộng cung cấp 224/224 dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ. Các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để quản trị xã hội, phát triển kinh tế được thúc đẩy mạnh mẽ.
"Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, giúp loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”, đồng thời tiết kiệm chi phí mỗi năm khoảng 2.500 tỉ đồng" - Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh nhấn mạnh.
Ông Ngô Hải Phan - Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ - cho biết việc đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công từ kết quả triển khai Đề án 06 đang có tiến triển rất tích cực tại các địa phương, bộ, ngành.
Hiện, đã có 3 bộ và 32 địa phương hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia; việc giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính đang dần được cải thiện; bộ phận một cửa hoạt động ngày càng được nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động.