Dịch COVID-19 làm thay đổi thói quen mua sắm của người Việt như thế nào?

VietTimes – COVID-19 đã đẩy nhanh việc áp dụng các xu hướng tiêu dùng mới dựa trên nền tảng công nghệ và dẫn đầu trong số đó là xu hướng mua sắm thông qua thiết bị di động, thương mại điện tử và nhắn tin
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp đều thay đổi cách tương tác do tác động của các biện pháp giãn cách xã hội ở nhiều mức độ khác nhau trên khắp thế giới. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải đảm bảo sự hiện diện của mình trên môi trường trực tuyến.

Đó là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Facebook và YouGov - công ty quốc tế trong lĩnh vực phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường - thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến với người tiêu dùng trên 18 tuổi tại Việt Nam từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020. Ngoài ra, Facebook cũng đã phân tích nhiều nguồn thông tin từ bên thứ ba trên GlobalWebIndex, cũng như dữ liệu về chuyển đổi và trò chuyện trên Facebook từ tháng 10/2019 đến tháng 4/2020.

Sử dụng thiết bị di động nhiều hơn từ khi có dịch

Các khảo sát cho thấy 5 sự thật thú vị về hành vi mua sắm cuối năm, cũng như cách mà đại dịch có thể ảnh hưởng đến thái độ của người tiêu dùng.

Thứ nhất, thế hệ X và Boomers (nhóm trên 40 tuổi) đang là yếu tố lớn nhất thúc đẩy tăng trưởng của hành vi mua sắm trực tuyến và sử dụng thiết bị di động. 65% người thuộc thế hệ X và Boomer được khảo sát cho biết họ sử dụng thiết bị di động nhiều hơn từ khi dịch COVID-19 bắt đầu.

Đối với các Boomer, trong năm 2019, xu hướng mua hàng trên thiết bị di động trong kỳ nghỉ đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Việt Nam, 62% thế hệ X và Boomers được khảo sát quan tâm đến mua hàng trực tuyến, nhận tại cửa hàng; 70% thế hệ X và Boomers được khảo sát đã nhắn tin cho ít nhất một cửa hàng trong mùa mua sắm cuối năm.

Hầu hết người tham gia mua sắm mùa cuối năm xem các ứng dụng của Facebook là nơi tìm kiếm và tiếp cận thông tin quan trọng nhất. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có xu hướng tương tự.

Thúc đẩy ngày hội mua sắm dịp Tết

Nghiên cứu chỉ ra những khó khăn về kinh tế trong giai đoạn dịch COVID-19 sẽ thúc đẩy những ngày hội mua sắm trong giai đoạn cuối năm và Tết.

Tại Việt Nam, 82% số người mua sắm cuối năm được khảo sát cho biết họ chủ động tìm kiếm giảm giá ưu đãi trong mùa mua sắm này, trao đổi xung quanh những ngày hội mua sắm thường bắt đầu từ 10 ngày trước đó. 56% người mua dịp cuối năm được khảo sát dành một phần ngân sách cuối năm mua hàng vận chuyển từ nước ngoài.

Tính trong 3 ngày hội mua sắm online nổi trội là ngày 11/11, ngày Black Friday (thứ 6 cuối cùng của tháng 11) và ngày 12/12, khi số lượng đơn hàng tăng từ 1,8 đến gần 3 lần so với những ngày bình thường. 70% những người mua sắm được khảo sát ở Việt Nam nói rằng Tết là thời điểm để săn lùng những chương trình ưu đãi tốt nhất.

Tự thưởng đồ xa xỉ

Hành vi tự thưởng, tự tặng quà cho bản thân bằng những điều xa xỉ nhỏ sẽ là cách người tiêu dùng tiếp cận với những ngày hội mua sắm lớn và dịp Tết. 80% số người mua sắm cuối năm được khảo sát tại Việt Nam mong muốn tự thưởng cho mình trong mùa lễ hội này.

Thức ăn, thiết bị gia dụng, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp là hạng mục chính được người mua sắm chọn mua để tự thưởng cho bản thân. 69% những người được khảo sát tại Việt Nam cho biết đang lên kế hoạch chi tiêu nhiều hơn cho việc mua sắm Tết năm 2020 so với năm trước.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cởi mở hơn với dịch vụ mới

Những thay đổi xã hội do COVID-19 tạo ra sẽ khiến người dùng cởi mở hơn với những sản phẩm dịch vụ mới. 77% người tham gia mua sắm dịp cuối năm được khảo sát tại Việt Nam đồng ý rằng họ thường xuyên tìm hiểu thêm nhiều nhóm sản phẩm ngành hàng khác nhau trong mùa mua sắm cuối năm hơn các thời điểm khác trong năm.

79% những người được khảo sát tại Việt Nam nói rằng rất có thể sẽ thử các nhãn hiệu mới khi mua sắm cho dịp Tết. 56% người mua sắm cuối năm được khảo sát tại Việt Nam dành một phần ngân sách cuối năm của họ cho hàng hóa được vận chuyển từ nước ngoài.

Trong dịp Tết, trải nghiệm mua sắm đa kênh rất quan trọng đối với người dùng. 82% người mua hàng Tết được khảo sát tại Việt Nam cho biết thường nghiên cứu những thứ họ muốn mua trực tuyến trước khi mua tại cửa hàng. Ngay cả khi đang ở cửa hàng, 39% người mua hàng vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu sản phẩm thông qua mạng xã hội.

Giá tốt, tính tương tác cao

Báo cáo của Facebook cũng chỉ ra, giá cả phải chăng và tính tương tác cao là những giá trị người tiêu dùng tìm kiếm trong mùa mua sắm này.

40% người mua sắm cuối năm ở Việt Nam muốn tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ chân thật và có thông tin rõ ràng minh bạch. Người tiêu dùng muốn các thương hiệu trở nên “thông minh” và “đáng tin cậy” hơn là “trẻ trung”. Người mua sắm vào dịp cuối năm ở Việt Nam cho rằng các video về sản phẩm là cách hữu ích nhất để họ đưa ra quyết định mua hàng.

Đối với thói quen tặng tiền trong dịp Tết, dùng tiền mặt vẫn là cách thực hiện chủ yếu trong các hoạt động biếu tặng tiền. Tuy nhiên, các hình thức tặng tiền không tiếp xúc đang dần được chấp nhận bởi thế hệ trẻ nhờ sự thuận tiện và tính an toàn. 56% những người được khảo sát tại Việt Nam nói rằng việc gửi/nhận tiền trong dịp Tết dễ dàng hơn nhờ các kênh kỹ thuật số.

Qua kết quả khảo sát trên, để thúc đẩy kinh doanh, doanh nghiệp cần cá nhân hóa cách tiếp cận thế hệ X và Boomer trên diện rộng, gửi những thông điệp phù hợp đến các nhóm đối tượng khác nhau để tăng cường sự thu hút và thúc đẩy chuyển đổi trong dịp mua sắm cuối năm và Tết.

Giảm giá và khuyến mại tiếp tục là yếu tố quan trọng vì người dùng đã lùi lại quyết định mua sắm của họ vì COVID-19 và chỉ chờ đến những giảm giá này. 10 ngày trước ngày giảm giá là lúc người dùng bắt đầu nhắc đến những ngày này và các doanh nghiệp cần chuẩn bị sớm, sẵn sàng cho tâm lý mua sắm của người tiêu dùng.