ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lý giải việc phát triển TTTM ở thị trường vệ tinh

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025, lãnh đạo Vincom Retail lý giải chiến lược đầu tư trung tâm thương mại, khu phố thương mại tại các vùng vệ tinh, nhấn mạnh đây là động lực tăng trưởng chính của công ty trong giai đoạn tới.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của Vincom Retail. Ảnh: NM

Thị trường bán lẻ đang khởi sắc

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ Vincom Retail sáng 22/4, bà Trần Mai Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) cho biết Vincom Retail đang thực hiện chiến lược mở rộng phát triển trong tương lai. Các trung tâm thương mại mới chủ yếu phát triển trong khu đô thị Vinhomes, theo mô hình Mega Mall.

Theo bà Hoa, công ty đặt mục tiêu tỷ lệ lấp đầy của các trung tâm thương mại lên tới 85-90% tại ngày mở cửa. Trước đó, Vincom Retail luôn có giai đoạn để làm thị trường.

Tại mỗi Mega Mall, như ở Ocean City (Văn Giang, Hưng Yên), Royal Island (Vũ Yên, Hải Phòng), Vincom Retail xây dựng cơ cấu sản phẩm gồm 2 phần. Một là để thu hút khách thuê quốc tế lớn, có tiềm lực. Hai là để nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Chia sẻ thêm, ông Trần Hồng Dương - Giám đốc đầu tư cho biết chiến lược của Vincom Retail là đi cùng sự hình thành của các đại đô thị Vinhomes, nơi có số dân 150.000 – 200.000 người. Đó là nơi đã được Vinhomes và đơn vị khác trong hệ sinh thái đầu tư để trở thành điểm đến.

"Chẳng hạn trước khi trung tâm thương mại tại Ocean City hình thành, nơi đây đã có các khu phố thương mại, thu hút lượng khách lớn. Khi hoàn thiện trung tâm thương mại Vincom tại đây, chúng tôi đã có lượng khách lớn, chứ không phải đặt ở nơi đồng không mông quạnh", ông Dương nói.

Theo ông, các báo cáo thị trường của Savills, CBRE đều nói ở trung tâm thành phố đều hết khu vực cho thuê. Trong khi đó, các báo cáo quốc tế nhìn nhận Việt Nam là thị trường duy nhất có tốc độ tăng trưởng bán lẻ 9-10%, nên dòng vốn từ các nhà bán lẻ vẫn đổ sang Việt Nam.

"Nhu cầu mặt bằng do vậy là rất lớn. Trung tâm thương mại ở trung tâm đã lấp đầy tới 99%, hết chỗ rồi. Các nhà bán lẻ cũng rất khó thuê nhà phố, vì nhà phố không đáp ứng được nhu cầu thuê 3.000-5.000 m2. Nói vậy để thấy những dự án tương lai của Vincom Retail có triển vọng lớn", ông Dương đánh giá.

Nhìn bức tranh rộng hơn, ông Dương cho biết nếu có chỉ số diện tích mặt bằng bán lẻ/người, thì Việt Nam hiện chỉ bằng 1/7, 1/10 so với các thành phố lớn trong khu vực. Điều này có nghĩa là nguồn cung mặt bằng bán lẻ có tăng 3-4 lần nữa thì vẫn đủ sức hấp thụ.

"Đó là lí do vì sao 10 năm trước, chúng tôi đã đầu tư Mega Mall ở Times City, Royal City. Bây giờ tương tự, chúng tôi đang đầu tư cho tương lai như vậy. Chuyện này nói lên hiệu quả đầu tư của Vincom Retail. Các trung tâm thương mại ở vùng vệ tinh sẽ là động lực chính cho công ty", ông Dương lý giải.

Đánh giá tình hình thị trường bán lẻ năm 2025 trước tác động chính sách thuế quan của Mỹ, ông Dương nhận định Vincom Retail là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa nên không ảnh hưởng trực tiếp nhiều từ chính sách thuế mới.

“Tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ quý I hơn 9%, tốt hơn con số 8,7-9% của năm ngoái. Tại các trung tâm thương mại của chúng tôi, lượng khách tăng khoảng 10% so với cùng kỳ, cho thấy nhu cầu mua sắm đang tăng trở lại, tác động của thuế quan chưa rõ ràng”, ông Dương nói.

Quý I đạt 25% kế hoạch lợi nhuận năm

Năm nay, ĐHĐCĐ Vincom Retail thông qua kế hoạch doanh thu thuần 9.520 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2024; trong đó cho thuê và các dịch vụ liên quan khoảng 9.300 tỷ đồng; chuyển nhượng bất động sản khoảng 220 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.700 tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện năm 2024.

Đến hết quý I/2025, bà Phạm Thị Thị Ngọc Hà – Giám đốc tài chính cho biết công ty đạt 22% kế hoạch doanh thu năm (khoảng 2.094 tỷ đồng – PV) và 25% mục tiêu lợi nhuận năm (khoảng 1.175 tỷ đồng – PV), tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2025, Vincom Retail dự kiến mở 3 trung tâm thương mại mới, gồm Vincom Mega Mall Ocean City (Hưng Yên), Vincom Mega Mall Royal Island (Hải Phòng) và Vincom Plaza Vinh (Nghệ An), bổ sung gần 120.000 m2 diện tích sàn bán lẻ, nâng tổng diện tích mặt sàn trên toàn hệ thống lên hơn 1,9 triệu m2.

Tính đến 31/12/2024, công ty đã thực hiện giao dịch đặt cọc với tổng giá trị khoảng 5.000 tỷ đồng với Vinhomes, để mua lại hai cấu phần shophouse tại khu đô thị Vinhomes Royal Islands (Hải Phòng) và Vinhomes Golden Avenue (Quảng Ninh), nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh bất động sản để bán.

Dự kiến, công ty sẽ ra mắt mô hình khu phố thương mại tại 2 dự án mới này trong nửa cuối năm 2025 và bắt đầu bàn giao ghi nhận doanh thu trong năm 2026.

Trước đó, năm 2024, Vincom Retail ghi nhận tổng doanh thu 8.939 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.096 tỷ đồng, lần lượt đạt 94% và 93% kế hoạch năm.

Cơ cấu doanh thu ghi nhận doanh thu từ hoạt động cho thuê bất động sản đầu tư và cung cấp dịch vụ liên quan đạt 7.878 tỷ đồng; doanh thu chuyển nhượng bất động sản đạt 839 tỷ đồng còn lại 222 tỷ đồng doanh thu khác.

Tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Vincom Retail đạt 55.226 tỷ đồng, tăng 7.572 tỷ đồng so với cuối năm 2023, chủ yếu do tăng lợi nhuận trong năm và tăng quy mô khoản vay được dùng vào mục đích đặt cọc các dự án tương lai.

Ở phía tổng nguồn vốn, tổng nợ vay của Vincom Retail tăng 597 tỷ đồng từ 3.936 tỷ đồng trong năm 2023 lên 4.533 tỷ đồng vào cuối năm 2024, chủ yếu do công ty tăng quy mô khoản vay để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Vốn chủ sở hữu tăng 4.096 tỷ đồng từ 37.827 tỷ đồng trong năm 2023 lên 41.923 tỷ đồng trong năm 2024, do tăng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Kết thúc đại hội, các tờ trình khác như điều chỉnh ngành nghề kinh doanh; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty… đều được thông qua.