Dệt may Việt Nam: khó khăn trầm trọng

VietTimes – Trong năm nay, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD nhưng với tình hiện tại, thì chưa chắc xuất khẩu dệt may đã đạt đạt được 29 tỷ USD.
Ngành dệt may đang phải đối mặt với khó khăn lớn nhất trong 10 năm qua - (Ảnh minh họa)
Ngành dệt may đang phải đối mặt với khó khăn lớn nhất trong 10 năm qua - (Ảnh minh họa)

Trước những khó khăn, bất lợi xuất hiện dồn dập khiến năng lực cạnh tranh của ngành suy giảm, tháng 6 vừa qua, mục tiêu này đã được điều chỉnh xuống còn 29 tỷ USD. Tuy nhiên, ngay cả với con số đã được điều chỉnh giảm này, dệt may Việt Nam cũng khó đạt được vào cuối năm nay.

Tính đến hết tháng 8/2016, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Dệt May mới đạt 18,7 tỷ triệu USD, tương đương  64,5% kế hoạch cả năm. Với kim ngạch này, mức tăng trưởng chỉ đạt 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, mức tăng trưởng của ngành Dệt May luôn ở mức 2 con số.

Bên cạnh những nguyên nhân từ bên ngoài như những biến động của nền kinh tế thế giới; đồng tiền của một số nước bị phá giá khiến việc xuất khẩu gặp bất lợi; sức mua giảm; các Hiệp định thương mại mà ngành Dệt May có thể được hưởng lợi như TPP và FTA chưa có hiệu lực thi hành. Mức lương tối thiểu tăng nhanh cũng góp phần làm tăng chi phí của doanh nghiệp một cách đáng kể.

Một bất lợi nữa là thuế suất. Trong khi hàng dệt may Việt Nam vào thị trường châu Âu chịu thuế suất từ 9 đến 12% thì thuế suất của hàng may mặc các nước như Bangladesh, Campuchia, Lào bằng 0%. Mất ưu thế cạnh tranh về chi phí thấp cộng với thuế suất cao là những lý do cơ bản nhất khiến đơn hàng từ Việt Nam dịch chuyển sang các nước khác.

Vì vậy, các doanh nghiệp dệt may hiện nay mong muốn chính phủ các bộ, ngành chức năng … đồng hành với doanh nghiệp; có những hiệp thương hay quyết định đúng đắn, sát hợp  thị trường thế giới để doanh nghiệp có thể ổn định về thuế suất với các nước.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là trong khi chờ cơ chế chính sách thay đổi thì các doanh nghiệp đã có những nỗ lực thích ứng được với tình cảnh hiện tại.

Những doanh nghiệp nhỏ - sớm chịu ảnh hưởng nhất - đã tận dụng tối đa ưu thế của mình như có bộ máy tinh gọn, áp dụng dây chuyền công nghệ hiện đại, làm những đơn hàng nhỏ về số lượng nhưng có giá trị cao, thường là các mặt hàng thời trang cao  cấp của các thương hiệu nổi tiếng.

Còn những doanh nghiệp lớn lại có ưu thế về khách hàng chiến lược và đáp ứng tốt thời gian giao hàng đối với đơn hàng lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực tự thân của từng doanh nghiệp, sự cởi mở, thông thoáng của cơ chế và thủ tục, Dệt May Việt Nam vẫn cần những bước đầu tư căn bản và đồng bộ để không chỉ thoát khỏi khó khăn mà còn tăng trưởng nhanh, bền vững. Một trong những bước đi căn bản đó là chủ động được nguồn cung nguyên phụ liệu.