1. Tượng Phật đeo kính
Bức tượng Phật “độc nhất” trên thế giới đeo một cặp kính với gọng mạ vàng và kính mắt tròn thuộc về chùa Shwe Myat Mhan, thị trấn Shwedaung, cách thị trấn chính Pyay (Prome) 15km về phía nam trên đường cao tốc Yangon, vùng Bago, Myanmar.
Theo như truyền thuyết kể lại, bức tượng Phật lần đầu tiên được đeo kính bởi vua Duttabaung thế kỷ thứ 4 sau CN khi nhà vua bị mù. Ngay lập tức, vị vua đã nhanh chóng lấy lại thị lực. Thế nhưng, kính đeo mắt được phát minh vào 800 năm về sau nên có vẻ như đây là một câu chuyện không có thực.
Một truyền thuyết khác lại cho rằng bức tượng Phật lần đầu tiên được đeo kính mắt vào triều Konbaung (1752-1885). Một vị quý tộc đã dâng một cặp kính cho chùa nhằm kích thích đức tin của dân chúng trong vùng nhờ sự tò mò. Chẳng mấy chốc, tin đồn về bức tượng Phật có khả năng chữa khỏi mọi loại bệnh tật, đặc biệt các bệnh liên quan đến mắt đã lan rộng. Người dân từ khắp mọi nơi trên đất nước đổ về chùa. Cặp kính này sau đó đã bị đánh cắp, nhưng bức tượng Phật đã đeo cặp kính thứ hai được quyên tặng bởi người dân trong vùng. Sau đó, bức tượng Phật được cất giữ và bảo vệ khỏi những tên trộm. Cặp kính thứ ba được quyên tặng bởi một sĩ quan người Anh đóng quân tại Pyay thời kỳ thuộc địa, khi vợ của anh bị đau mắt. Theo như truyền thuyết kể lại, sau lần hiến tặng này, vợ của vị sĩ quan đã khỏi bệnh và lấy lại thị lực.
Ngày nay, người dân, du khách và Phật tử vẫn đến chùa Shwe Myat Mhan để cầu nguyện và cúng dường với mong muốn chữa lành mọi bệnh tật, đặc biệt là bệnh về mắt.
2. Tượng Phật có nốt mụn ruồi “sống”
Một bức tượng Phật độc nhất vô nhị khác của Myanmar có tên là Tượng Phật Kyaikpawlaw, đặc biệt kỳ lạ vì có một nốt mụn ruồi “sống” màu đen ngay tại thái dương bên phải trên của gương mặt Đức Phật.
Tượng Phật Kyaikpawlaw thuộc về chùa Kyaikpawlaw Hmeshindaw tại thị trấn Kyaikhto, bang Mon, Myanmar. “Hmeshin” có nghĩa là “nốt mụn ruồi sống”. Ngôi chùa có sức ảnh hưởng lớn do sở hữu bức tượng Phật kỳ bí này.
Truyền thuyết về bức tượng chưa được làm rõ, tuy nhiên theo một số tài liệu ghi lại, vào khoảng 221 năm sau Parinibbana (Bát Niết Bàn) của Đức Phật, vua Sri Lanka (Tích Lan) Dewanampiya Tissa (307-267 TCN) sau khi tham khảo ý kiến của Cao tăng Mahinda (Ma-hi-đà) đã thả trôi sông 4 bức tượng, mỗi bức cất giữ một xá lợi tóc Phật, đặt trên bốn xà lan lần lượt làm bằng gỗ tếch, cây mít, cây thingan và đá. Tượng Phật trên xà lan gỗ cây mít giờ là chùa trên mặt biển Kyaikkami Yele ở Mawlamyine, trên xà lan gỗ cây thingyan là chùa Shin Moktee ở Dawei, trên xà lan gỗ tếch là chùa Thihoshin Phondawpyi Phaya ở Pathein, và trên xà lan đá là Tượng Phật Kyaikpawlaw chùa Kyaikpawlaw Hmeshindaw ở Kyaikhto
Có 05 điều bí ẩn về Tượng Phật Kyaikpawlaw như sau:
- Bức tượng có một đôi mắt đen nhấp nháy.
- Không thể di chuyển được bức tượng mặc dù trước đây dân địa phương đã dùng 2000 con voi, rất nhiều ngựa và đàn ông nhưng không thể khiến bức tượng xê nhích.
- Bức tượng được cho là nổi được trên mặt nước.
- Gương mặt của bức tượng luôn hướng về Sri Lanka.
- Nốt mụn ruồi đen được cho là một “nốt mụn ruồi sống”, bởi nó không bao giờ bị “biến mất” hay “phai mờ” mặc dù người dân địa phương đã rất nhiều lần mạ hoặc dán lá vàng lên trên đó.
3. Tượng Phật nằm có phấn mắt màu xanh
Đây là một bức tượng Phật nằm khổng lồ với chiều dài 66m và chiều cao 16m ngụ tại chùa Chaukhtatgyi Paya, Yangon. Bức tượng mô phỏng một vị Phật đang nằm mặc áo choàng bằng vàng, cánh tay phải gác đầu, gương mặt thanh tú và đôi mắt mở to nhìn xuống. Điều đáng nói là đôi mắt có phần chau truốt với phấn mắt bao quanh màu xanh và lông mi dài cực đại 33cm. Gương mặt trắng, môi đỏ, móng tay đỏ, đôi bàn chân quá khổ so với tổng thể kích cỡ và có đến 108 khúc màu vàng, đỏ ở lòng bàn chân.
Công trình lần đầu xây dựng được tài trợ bởi một Phật tử Miến Điện giàu có, ngài Po Tha vào năm 1899. Năm 1907, công trình hoàn thành nhưng không được cân đối chính xác và khuôn mặt của vị Phật có nét hung dữ.
Vào năm 1957, bức tượng bị phá hủy. Một bức tượng thứ hai cùng kích cỡ đã được xây dựng để thay thế cho bức tượng cũ dưới sự giám sát của U Thaung, một nghệ nhân bậc thầy đến từ Tavoy (nay là Dawei). Đôi mắt thủy tinh lớn với kích thước 1.77 x 0.58m được đặt tại Nhà máy Kính Naga. Bức tượng Phật mới như ngày nay được hoàn thiện vào năm 1973.
4. Đức Phật mặc áo giáp
Bức tượng Phật ngồi đặc biệt này nằm ở Ngahtatgyi Paya, một ngôi chùa cổ nổi tiếng ở thị trấn Bahan, Yangon. Đức Phật mặc áo choàng mạ vàng với những đồ bảo vệ như khiên, cầu vai cũng mạ vàng, tạo cảm giác như đang mặc áo giáp. Nguyên mẫu ban đầu của bức tượng cao 6.2m, được quyên tặng bởi Hoàng tử Minyedeippa vào năm 1558. Đến năm 1900, một bức tượng khác, chính là bây giờ, cao 13.9m tính cả bệ và 9.1m không tính bệ, rộng 14m được dựng lên. Nếu bạn đến Myanmar và hỏi về Đức Phật mặc áo giáp, hầu như mọi người đều có thể trả lời và chỉ đường cho bạn.
5. Tượng Phật “đổ mồ hôi”
Hai bức tượng Phật “đổ mồ hôi” có màu đen được đặt tại chùa hang Pindaya, bang Shan, Myanmar. Lý do cho tên gọi này là vì trong số hơn 8,000 tượng Phât tại Pindaya, hơi ẩm chỉ xuất hiện trên hai bức tượng này, cảm giác như đang toát mồ hôi. Đặc biệt du khách và các tín đồ đến hành hương đều không thể dán bất kỳ lá vàng nào lên trên hai bức tượng. Đây là một điều “bí ẩn” bởi phần lớn các tượng Phật ở Myanmar, như Mahamuni, đều được dân chúng dán rất nhiều lá vàng. Cũng có ý kiến cho rằng do những tượng Phật nằm trong hang động, không khí ẩm ướt nên khó dát vàng.
Người hành hương đến với Pindaya thường tranh nhau lau sạch mồ hôi bao phủ liên tục trên hai bức tượng đen. Họ tin rằng làm như vậy sẽ đảm bảo những mong muốn của họ sớm thành hiện thực.
6. Tượng Phật cóc vàng
Bức tượng này nằm tại chùa Mahamuni, phía tây nam thành phố Mandalay, có tên là tượng Phật Mahamuni mô phỏng Đức Phật Siddhārtha Gautama (Tất-đạt-đa Cồ-đàm), là một trong những tượng Phật linh thiêng nhất Myanmar. Bề mặt tượng rất thô và gồ ghề như da cóc, được dát rất nhiều lá vàng. Vì vậy, người dân thường gọi là tượng Phật cóc vàng.
Tượng Phật Mahamuni ban đầu có nguồn gốc từ Arakan (bang Rakhine ngày nay). Theo truyền thuyết, Đức Phật Gautama đã đến thăm thành phố Arakan của vương quốc Dhanyawadi vào năm 554 TCN. Vua Sanda Thuriya đã yêu cầu đúc một bức tượng mang hình ảnh của Đức Phật. Sau khi đúc xong, Đức Phật rất hài lòng. Bức tượng sau đó đã trở thành chân dung chính xác của Đức Phật Gautama. Năm 1784, người Miến dưới sự lãnh đạo quân sự của Thái tử Thado Minsaw triều đại Konbaung đã chinh phục Vương quốc Mrauk U. Các di tích tôn giáo của vương quốc, bao gồm tượng Phật Mahamuni, đã bị cướp đoạt và mang đến chùa Mahamuni hoặc chùa Amarapura, ngoại ô cố đô Mandalay. Do tượng Mahamuni quá lớn để vận chuyển toàn bộ, nó đã bị cắt thành nhiều phần rồi sau đó được ghép lại và đặt trong ngôi chùa mới.
Mahamuni được làm bằng đồng, cao 3.8m, nặng 6 tấn. Trải qua hàng trăm năm, bất kể khách hành hương nào tới chùa Mahamuni cũng dát lá vàng lên bức tượng để tỏ lòng thành kính với Đức Phật, khiến lớp vàng bao quanh bức tượng siêu dày và có bề mặt xù xì như da cóc.
7. Tượng Phật khối
Ban đầu, năm bức tượng Phật nhỏ này có hình hài của Phật như những bức tượng khác. Nhưng do được phủ hàng ngàn lá vàng mỏng, năm bức tượng này đã không còn hình dạng như ban đầu.
Năm tượng Phật khối này thuộc về chùa Phaung Daw Oo trên hồ Inle, bang Shan. Chúng đã ở đây kể từ khi ngôi chùa được xây dựng và trở thành biểu tượng của chùa. Cho đến nay, không ai biết chính xác hình dạng ban đầu của năm bức tượng. Chúng có thể chỉ là những viên đá tượng trưng, được cho là mang lại may mắn và bình an cho cư dân quanh hồ. Năm bức tượng cao khoảng 30-40cm được đắp vàng quyên tặng từ các tín đồ hành hương. Theo thời gian, lớp vàng đã phát triển quá dày đến nỗi chúng mất đi các chi tiết, đường nét ban đầu. Những bức ảnh cũ trong chùa cho thấy năm bức tượng trước đây vốn nhỏ hơn nhiều so với bây giờ. Ngày nay, mọi người chỉ có thể thấy hình dạng của những khối vàng đầy đặn. Một số lá vàng đã được gỡ bỏ để giảm trọng lượng.
Người hành hương đến chùa Phaung Daw Oo có thể đặt một chiếc áo choàng nhỏ xung quanh năm bức tượng rồi đưa trở về nhà và đặt lên trên bàn thờ như một cách thể hiện sự tôn trọng Đức Phật và giáo lý của ngài.
8. Tượng Phật mỉm cười
Ananda là một trong bốn ngôi chùa cổ còn sót lại ở Myanmar, được xây dựng theo phong cách Myanmar và Ấn Độ. Trong chùa có bốn pho tượng Phật đứng khá lớn. Trong đó có một pho tên là Kassapa trong tư thế Dharmachakra Mudra đang mỉm cười nhìn về phía nam. Phật Kassapa là người thứ ba trong năm vị Phật của Kalpa - Bhadda Kappa. Tượng Phật Kassapa có từ đầu thế kỷ 12 khi chùa Ananda mới được xây dựng, được bao phủ bằng lá vàng, nâng lên cao 2.5m trên ngai vàng. Một số ý kiến cho rằng tượng được đúc bằng đồng.
9. Tượng Phật bị giam cầm
Đây là một bức tượng Phật rất lớn, nhưng vì ở trong một căn phòng hẹp nên như thể bị cầm tù. Tượng Phật thuộc về ngôi chùa cổ Manuha tại Myinkaba, nằm giữa Bagan cũ và Bagan mới, được xây dựng bởi vua Monu Manuha và có liên quan đến câu chuyện của vị vua này.
Manuha hay Makuta là vị vua cuối cùng của Vương quốc Thaton (người Môn). Ông là đời thứ 59 của một dòng dõi các vị vua được cho là đã thành lập nên Thaton trong thời kỳ Đức Phật vào thế kỷ thứ 6 TCN. Vua Anawrahta của Vương quốc Pagan (người Miến) muốn phát triển Phật giáo dưới triều đại của mình nên đã yêu cầu vua Manuha một bản sao của Tam tạng và các giáo lý Phật giáo. Tuy nhiên, vua Manuha đã từ chối vì cho rằng người Miến vô văn hóa ở phía bắc không xứng với Phật giáo. Vua Anawrahta đã cho quân xâm chiếm Thaton vào năm 1057. Vua Manuha bị đánh bại, bị bắt và giam cầm tại Bagan, cùng với 30.000 tu sĩ và nghệ nhân tiếp tục xây dựng quần thể hàng ngàn ngôi chùa Phật giáo tại Bagan vẫn còn đến ngày nay và ngang ngửa với Angkor.
Sau 10 năm vào năm 1067, vua Manuha muốn có được công đức tôn giáo để đi đến Niết Bàn nên đã yêu cầu được xây dựng chùa Manuha. Vị vua cũng mong ước rằng trong chu kỳ tái sinh (Samsara), ông sẽ không bao giờ bị kẻ thù chinh phục và phải sống trong cảnh giam cầm một lần nữa. Vì bị bắt nên không có tiền, vua Manuha đã bán một viên ngọc quý để đổi lấy sáu thùng bạc trả công cho việc xây chùa và làm các bức tượng.
Bức tượng Phật khổng lồ đặt tại một vị trí chật chội, khó chịu được cho là đại diện cho sự căng thẳng và thiếu thoải mái mà vua Manuha đã chịu đựng khi bị giam cầm. Đây là cách ông thể hiện cảm xúc thất vọng của mình. Một điều đặc biệt là dù bị giam cầm, bức tượng vẫn nở một nụ cười.