Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo chiều 13/5, các ĐBQH đặt vấn đề về quyền riêng tư, an toàn dữ liệu và quyền con người trong bối cảnh AI phát triển trở thành đề tài thảo luận nóng.
Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật Khoa học và công nghệ năm 2013) do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.
Tuân thủ nguyên tắc đạo đức
ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng cần bổ sung yêu cầu đánh giá tác động đạo đức và xã hội với các công nghệ rủi ro cao.
ĐBQH Thạch Phước Bình cho rằng cần thành lập Hội đồng đánh giá đạo đức và an toàn công nghệ. Ảnh: Media.quochoi.vn.
ĐB đoàn Trà Vinh đề xuất đối với công nghệ có tác động xã hội sâu rộng hoặc tiềm ẩn rủi ro cao, trong đó có AI, tổ chức thực hiện thử nghiệm có kiểm soát phải được đánh giá và thẩm định bởi Hội đồng đánh giá đạo đức và an toàn công nghệ. Hội đồng bao gồm chuyên gia pháp lý, đạo đức, xã hội học, kỹ thuật và đại diện cộng đồng chịu ảnh hưởng. Hội đồng có chức năng tư vấn, phản biện và đề xuất điều kiện đảm bảo an toàn xã hội, không thay thế thẩm quyền phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Bình phân tích dự thảo hiện có quy định về kiểm soát rủi ro (tại Điều 21) nhưng mới dừng lại ở trách nhiệm của tổ chức thử nghiệm và yêu cầu bảo đảm an toàn. Trong khi đó, nhiều công nghệ hiện nay như trí tuệ nhân tạo trong y tế và giáo dục công nghệ chỉnh sửa gen, công nghệ giám sát sinh trắc học có tác động sâu rộng đến quyền riêng tư, an toàn dữ liệu và quyền con người.
"Nếu cho phép thử nghiệm các công nghệ này mà không có thẩm định đạo đức độc lập, rất dễ xảy ra hệ lụy xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của công chúng", ĐB Bình nói. Ông cho biết nhiều nước đã đi trước nước ta trong việc thành lập hội đồng đạo đức công nghệ với mô hình tương tự hội đồng đạo đức trong nghiên cứu hy sinh để thẩm định, tư vấn và đề xuất điều kiện an toàn trước khi thử nghiệm các công nghệ nhạy cảm.
Góp ý kiến vào dự án Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho biết tại Điều 8 quy định về hoạt động khoa học công nghệ liên quan đến con người. Nội dung này đã nhấn mạnh nguyên tắc con người là trung tâm trong các nghiên cứu y sinh, công nghệ sinh học và đặc biệt là công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo AI, cho thấy sự đồng bộ với các nguyên tắc đạo đức quốc tế.
Từ đó, đại biểu Mỹ Dung đồng ý rằng phải có sự giám sát, kiểm soát chủ động của con người đối với hệ thống AI và được tự động hóa là rất cần thiết, nhằm phòng ngừa rủi ro về đạo đức, pháp lý và xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu đại diện cử tri tỉnh Long An đề nghị bổ sung tại điều 8 quy định khung về yêu cầu các tổ chức thực hiện nghiên cứu liên quan đến AI và công nghệ mới phải xây dựng, báo cáo đánh giá tác động về đạo đức giống như các nước đang thực hiện và đang làm cũng tương tự như trên các lĩnh vực khác. Ví dụ muốn thực hiện dự án đầu tư thì phải đánh giá tác động môi trường vậy.
Bởi theo nữ đại biểu vấn đề này đang rất khó, vừa có mặt tích cực rất lớn nhưng cũng vừa có những tác động tiêu cực tiềm ẩn và hệ quả của việc sử dụng, áp dụng trong điều kiện thực tiễn người dân chúng ta là chưa am hiểu kỹ, sử dụng hiệu quả, an toàn công nghệ thông tin cũng như trí tuệ AI.
Làm rõ phạm vi ứng dụng AI và dữ liệu lớn
ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) nhắc tới quy định khuyến khích sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả và đổi mới lực lượng khoa học công nghệ. ĐB Huế nhận định điều này là phù hợp với xu hướng toàn cầu và chiến lược quốc gia về phát triển AI đến năm 2030.
Tuy nhiên, quy định chưa làm rõ phạm vi ứng dụng AI như trong phân tích dữ liệu, nghiên cứu, tối ưu hóa quy trình quản lý dự án hay dự báo xu hướng công nghệ chưa đề cập đến các rủi ro liên quan đến AI như vi phạm đạo đức, xâm phạm quyền riêng tư hoặc lạm dụng dữ liệu lớn.
Quy định việc sử dụng AI và dữ liệu lớn phải tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, bảo vệ quyền riêng tư và tránh lạm dụng dữ liệu. Do đó, bà đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định làm rõ phạm vi ứng dụng AI và dữ liệu lớn, bao gồm phân tích dữ liệu nghiên cứu, tối ưu hóa quản lý dự án, dự báo xu hướng công nghệ và phát triển nguồn lực.
Đồng thời, ĐBQH đoàn Bắc Kạn cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung cơ chế hỗ trợ cụ thể như cơ chế ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, ứng dụng dữ liệu lớn và khuyến khích hợp tác nguồn lực từ bên ngoài trong phát triển công nghệ.
Hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Nhắc tới vấn đề tài chính, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Bà cho rằng cần cơ chế đặc biệt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có khát vọng làm chủ đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khuyến khích trong một số lĩnh vực mới như AI, blockchain, công nghệ sinh học, triển khai gói tín dụng ưu đãi riêng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua quỹ Bảo lãnh tín dụng nhà nước hay dành quỹ đất ưu tiên tại các khu công nghiệp cao cho startup thuê với giá ưu đãi.
ĐB Quyên Thanh cũng đề nghị mở rộng các mô hình Sandbox pháp lý toàn quốc cho phép thử nghiệm với Fintech AI, nông nghiệp số, y tế số, và gắn với mục tiêu Net Zero.
“Cần có cơ chế trao quyền cho Chính phủ tạm thời cho phép thí điểm những công nghệ, mô hình mới, chưa có luật điều chỉnh và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sau để nhằm nắm bắt cơ hội phát triển trong tương lai”, ĐBQH đoàn Vĩnh Long nêu ý kiến.