Đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu thêm 3 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 được cho là rất cần thiết, nhằm đảm bảo việc xử lý nợ xấu của các TCTD, tiến độ cơ cấu lại các TCTD yếu kém, trong khi chờ Luật về xử lý nợ xấu.
Đề xuất gia hạn thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu thêm 3 năm (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet)
Đề xuất gia hạn thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu thêm 3 năm (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo đó, dự thảo để xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 đến ngày 15/8/2025 (kéo dài thêm 3 năm so với thời hạn hiện tại). Đồng thời, dự thảo đề xuất Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của TCTD trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42.

Theo ban soạn thảo, trong thời gian triển khai, Nghị quyết 42 thực sự đã phát huy những hiệu quả rõ rệt trong công tác xử lý nợ xấu của TCTD, VAMC, từ đó đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Tuy nhiên, nghị quyết này là nghị quyết thí điểm nên chỉ có hiệu lực 5 năm, đến ngày 15/8/2022.

Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của TCTD, VAMC sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42.

Được biết, NHNN đang nghiên cứu xây dựng Luật xử lý nợ xấu của các TCTD. Song, trong thời gian xây dựng Luật xử lý nợ xấu, việc không tiếp tục thực hiện Nghị quyết 42 sẽ dẫn đến không còn hành lang pháp lý cho cơ chế xử lý nợ xấu của các TCTD, VAMC, và sẽ kéo dài tiến trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém.

Việc xây dựng Luật xử lý nợ xấu cũng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tập trung ở việc áp dụng pháp luật còn thiếu đồng bộ do có sự khác nhau giữa nội dung Nghị quyết số 42 với pháp luật chuyên ngành.

Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 31/12/2021, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,49%, giảm so với thời điểm trước khi triển khai Nghị quyết 42. Từ cuối năm 2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 750,1 nghìn tỉ đồng nợ xấu nội bảng.

Trong đó, nợ xấu do TCTD tự xử lý là 619,9 nghìn tỉ đồng; nợ xấu bán cho VAMC là 112,2 nghìn tỉ đồng; nợ xấu bán cho tổ chức, cá nhân khác là 18 nghìn tỉ đồng.

Tính đến cuối năm 2021, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của toàn TCTD là 412,7 nghìn tỉ đồng, giảm 6,32% so với cuối năm 2020./.