Đề xuất dùng tài khoản viễn thông thanh toán thêm một số dịch vụ

VietTimes – Quyền Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Thủ tướng cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán các dịch vụ khác có giá trị nhỏ, bởi tài khoản viễn thông có vùng phủ lên tới 100% dân số trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có vùng phủ 20-30% dân số.
Tại cuộc làm việc, Quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã báo cáo những nội dung cơ bản về hoạt động của Bộ trong thời gian qua, tập trung vào hai lĩnh vực chính là công nghệ và tuyên truyền.
 Tại cuộc làm việc, Quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã báo cáo những nội dung cơ bản về hoạt động của Bộ trong thời gian qua, tập trung vào hai lĩnh vực chính là công nghệ và tuyên truyền.

Đó là một trong số những ý kiến đề xuất của Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong cuộc làm việc của Chính phủ với đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, vừa diễn ra cuối tuần qua, tại Trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông.

Sử dụng tài khoản viễn thông phục vụ thanh toán dịch vụ khác

Theo báo cáo của Quyền Bộ trưởng, Bộ TT&TT là một Bộ quản lý đa lĩnh vực, tập trung vào hai nhiệm vụ chính là Công nghệ và Tuyên truyền. Về mảng công nghệ, Bộ TT&TT là một Bộ quản lý về công nghệ, công nghiệp thông tin và truyền thông, điện tử viễn thông, đóng vai trò dẫn dắt về công nghệ, công nghiệp ICT, chuyển đổi số quốc gia, hệ sinh thái số, CMCN4.0...  góp một phần rất lớn trong nền kinh tế đất nước (doanh thu toàn ngành năm 2017 là 100 tỷ USD).

Đồng thời, là Bộ quản lý Nhà nước về báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử; xuất bản, in và phát hành. Đây chính là một công cụ quan trọng của Đảng, Nhà nước để tạo nên niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, khơi dậy khát vọng và tự hào dân tộc, nhằm cổ vũ và nâng cao sức mạnh tinh thần của đất nước.

Tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có những đề xuất và kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ liên quan đến tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy các lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ TT&TT phát triển.

Trong lĩnh vực viễn thông, liên quan đến hạ tầng thanh toán điện tử, Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng cho phép các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT làm dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, làm trung gian kết nối các ngân hàng với doanh nghiệp và cá nhân. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp Viễn thông Việt Nam có tiềm lực mạnh về khoa học, công nghệ, tài chính, có hạ tầng, kênh bán hàng rộng trên khắp cả nước. Cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông sẽ tận dụng hiệu quả thế mạnh sẵn có, góp phần thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. 

Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán các dịch vụ khác có giá trị nhỏ. Tài khoản viễn thông có vùng phủ khoảng 100% dân số trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có vùng phủ 20-30% dân số.

Theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tài khoản viễn thông có vùng phủ khoảng 100% dân số trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có vùng phủ 20-30% dân số, do đó, nên cho phép một số dịch vụ có giá trị nhỏ được thanh toán bằng tài khoản viễn thông.
 Theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tài khoản viễn thông có vùng phủ khoảng 100% dân số trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có vùng phủ 20-30% dân số, do đó, nên cho phép một số dịch vụ có giá trị nhỏ được thanh toán bằng tài khoản viễn thông.

Cùng với đó, Bộ đề nghị cho phép sử dụng thẻ cào viễn thông để nạp tiền cho các dịch vụ nội dung số, góp phần thúc đẩy dịch vụ nội dung số. Theo Quyền Bộ trưởng, thẻ cào viễn thông không phải là phương tiện thanh toán, không phải là trung gian thanh toán. 

Xung phong là hạt nhân triển khai Chính phủ điện tử

Trong lĩnh vực CNTT, Bộ đề nghị Thủ tướng giao Bộ TT&TT xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia. Quốc gia số là nền tảng quan trọng nhất của một quốc gia khởi nghiệp, sáng tạo. Nếu quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ, Việt Nam có thể tăng năng suất lao động 30-40%, góp phần 20-30% trong tăng trưởng GDP, tránh bẫy thu nhập trung bình, theo các báo cáo nghiên cứu có uy tín trên thế giới. 

Về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT là hai hạt nhân triển khai Chính phủ điện tử. Ở địa phương, Văn phòng UBND cấp tỉnh và Sở TT&TT là hai hạt nhân triển khai Chính quyền điện tử ở địa phương.

Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng đồng ý cho Bộ xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mua sắm dịch vụ CNTT thay thế Quyết định về thuê dịch vụ CNTT; đồng thời cho phép mở rộng phạm vi chi của Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích dành cho CNTT và An toàn an ninh mạng

Bộ xin phép Thủ tướng thực hiện một số dự án nền tảng, quan trọng về ứng dụng CNTT (cơ sở dữ liệu quốc gia) theo phương thức đặt hàng hoặc chỉ định thầu cho một số doanh nghiệp lớn.

Trong lĩnh vực an toàn thông tin, an ninh mạng, Bộ TT&TT đề nghị được giao đầu tư tăng cường năng lực cho Trung tâm quốc gia về giám sát ATTT trên không gian mạng; là đầu mối duy nhất về thực hiện chặn, lọc thông tin. Đồng thời, đề nghị được giao chủ trì xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam, trọng tâm là Mạng xã hội và Công cụ tìm kiếm Việt Nam.

Trong lĩnh vực Công nghiệp, công nghệ, Bộ TT&TT đề nghị được phép xây dựng quy định: Đối với các hệ thống hạ tầng viễn thông, CNTT liên quan đến an ninh quốc gia thì phải sử dụng sản phẩm do Việt Nam sản xuất; Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Việt Nam trên cơ sở thúc đẩy các doanh nghiệp lớn của Việt Nam chuyển sang làm công nghệ cao; Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng công nghệ cao quốc gia hùng mạnh trên cơ sở thúc đẩy các doanh nghiệp điện tử viễn thông dân sự lớn, kể cả sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân.

Đề xuất thành lập Cục Công nghiệp ICT

Cũng trong buổi làm việc, Lãnh đạo Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng cho phép thành lập Cục Công nghiệp ICT trên cơ sở Vụ CNTT nhằm đẩy mạnh sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực Báo chí, phát thanh truyền hình, xuất bản, Quyền Bộ trưởng đề nghị Thủ tướng cho phép thực hiện Quy hoạch báo chí theo lộ trinh 2 bước: Giảm số lượng cơ quan chủ quản (2019) và Giảm số lượng cơ quan báo chí (2025). Đồng thời, Quyền Bộ trưởng đề nghị Bộ TT&TT được xây dựng Trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia, có khả năng giám sát, phân tích, đánh giá thông tin; Cho phép chuyển sang cơ chế đặt hàng báo chí, phát thanh và truyền hình, tăng chi đặt hàng lên 1% ngân sách chi thường xuyên.

Về Cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ TT&TT đề nghị được giao xây dựng chiến lược phát triển Công nghệ Trí tuệ nhân tạo quốc gia (công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0); Nghiên cứu đề xuất việc Việt Nam trở thành đối tác quốc gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về CMCN 4.0.

Về hoạt động của các Sở TT&TT, Quyền Bộ trưởng đề nghị Thủ tướng “xem xét chỉ đạo không sáp nhập Sở TT&TT với Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch, và nếu trong trường hợp phải sáp nhập thì cân nhắc phương án sáp nhập với Sở Khoa học Công nghệ”.

Nhấn mạnh sẽ thực hiện tốt nhất các ý kiến chỉ đạo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hứa với Thủ tướng đưa Bộ TT&TT là bộ về công nghệ và truyền thông, góp phần đưa đất nước phát triển, sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.