Giáo sư Trần Văn Thọ dành riêng cho VietTimes một cuộc chia sẻ trước thềm năm mới Tân Sửu. Ảnh tác giả cung cấp.
Giáo sư Trần Văn Thọ dành riêng cho VietTimes một cuộc chia sẻ trước thềm năm mới Tân Sửu. Ảnh tác giả cung cấp.

E-magazine Để Việt Nam thành nước có thu nhập cao năm 2045: Những việc cần làm ngay!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Muốn thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần chuẩn bị tiền đề ngay từ bây giờ. Trao đổi với VietTimes, GS. Trần Văn Thọ chỉ ra hai vấn đề tiên quyết.

"Hai vấn đề tôi muốn nhấn mạnh là cần tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ; Và cải cách giáo dục, đào tạo, cũng như cải thiện bộ máy nhà nước", kinh tế gia người Việt nổi tiếng ở Nhật Bản chia sẻ với VietTimes trước thềm Xuân mới Tân Sửu - 2021.

Ông Thọ dành nhiều thời gian để phân tích về vế thứ hai, nhấn mạnh vào các nội dung mà ông cho là phải khẩn trương tiến hành ngay trong tối thiểu 5 năm tới.

Đó là cải thiện, cải cách toàn diện tình hình, cơ chế giáo dục đào tạo hiện nay, để tăng chất lượng đào tạo ở mỗi bậc học và trang bị kỹ năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và công nghệ. Đồng thời, thay đổi cơ chế tuyển dụng, đề bạt công chức, quan chức và cải cách tiền lương.

"Cần triệt để cải cách tiền lương", vị Giáo sư hiện là thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và từng là Ủy viên chuyên môn trong Hội đồng kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản nêu quan điểm. "Phải chấm dứt tình trạng một bộ phận quan chức không sống bằng tiền lương".

Việt Nam đã đạt được một số thành quả!

- Năm 2021 là năm có nhiều sự kiện quan trọng, mở đầu với sự kiện quan trọng nhất là Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII vào cuối tháng 1, nơi xác định chiến lược phát triển và bầu ra bộ máy lãnh đạo mới cho Việt Nam trong 5 năm tới. Năm 2021 này cũng là dịp chúng ta kỷ niệm 35 năm Đổi Mới. Nhìn lại giai đoạn phát triển vừa qua, theo Giáo sư, đâu là những đặc điểm nổi bật?

GS. Trần Văn Thọ: Trong 76 năm kể từ khi thành lập, Việt Nam chỉ có độ 30 năm thật sự phát triển và đã đạt được một số thành quả nhất định. Từ năm 2008, kinh tế Việt Nam đã đạt mức thu nhập trung bình thấp và hiện nay đang trên đường hướng đến mức trung bình cao.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, năm 2018, GDP trên danh nghĩa của Việt Nam xếp thứ 47 và GDP tính theo sức mua ngang giá (PPP) xếp thứ 30 trên 193 nước.

Nhiệm kỳ vừa qua có thể nói Việt Nam đã khá thành công khi duy trì được mức tăng trưởng ổn định gần 7%/năm, trừ năm 2020 xảy ra khủng hoảng COVID-19. Đây là mức tăng trưởng cao so với thế giới, trong khi các chỉ tiêu ổn định vĩ mô được giữ vững.

Năm 2020 do đại dịch Covid kinh tế phải chững lại nhưng Việt Nam là một trong 3 nước ở Á châu giữ được tăng trưởng dương. Cơ cấu kinh tế cũng được chuyển dịch, tỷ trọng của công nghiệp trong GDP và trong lao động có việc làm tăng, lao động tiếp tục chuyển dịch từ nông sang công nghiệp.

Lao động đang tiếp tục chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp. Ảnh: Internet

Lao động đang tiếp tục chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp. Ảnh: Internet

Thành tựu nổi bật nhất có lẽ là xuất khẩu và cải thiện cán cân mậu dịch. Xuất khẩu tăng mạnh và Việt Nam liên tục xuất siêu từ năm 2016, đặc biệt đạt mức cao từ năm 2018.

Dĩ nhiên còn nhiều mặt cần cải thiện để tạo đà tăng trưởng cho thập niên tới. Các mặt này bao gồm cơ cấu lao động, cơ cấu doanh nghiệp, cơ cấu ngoại thương. Ngoài ra việc cải thiện hạ tầng nông thôn và cơ sở giáo dục cần phải cố gắng hơn nữa.

Về dài hạn, câu hỏi quan trọng tiếp theo là Việt Nam đã xây dựng được những tiền đề để giai đoạn tới có thể phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững nhằm hiện thực hoá khát vọng trở thành nước tiên tiến, thu nhập cao vào năm 2045 như lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đề ra hay chưa.

Hiện nay tôi chưa nhận thấy những tiền đề này được hình thành một cách rõ rệt.

- Vậy những vấn đề trung hạn và dài hạn cụ thể là gì, thưa Giáo sư?

GS. Trần Văn Thọ: Có thể vào giữa thập niên 2020 Việt Nam sẽ chuyển từ nước có thu nhập trung bình thấp lên trung bình cao. Vấn đề là bây giờ phải tận dụng và phân bổ hiệu quả các nguồn lực đang có để tăng năng suất và sớm đạt mức phát triển trung bình cao, và tạo các nguồn lực mới, các tiền đề mới để sau đó tiếp tục phát triển lên giai đoạn thu nhập cao.

Ngoài ra, với khả năng đại dịch có thể kéo dài hoặc tái phát trong tương lai, cần có tư duy phát triển mới, cần có một số điều chỉnh, bổ sung về chiến lược phát triển trong thời gian tới.

Đại hội Đảng XIII vừa kết thúc đã bầu ra bộ máy lãnh đạo mới và thông qua chiến lược phát triển đất nước trong 10 năm tới. Ảnh: Nikkei

Đại hội Đảng XIII vừa kết thúc đã bầu ra bộ máy lãnh đạo mới và thông qua chiến lược phát triển đất nước trong 10 năm tới. Ảnh: Nikkei

Trong giai đoạn trung hạn, Việt Nam cần tập trung chuyển dịch cơ cấu để tăng trưởng nhanh. Hai tiêu điểm chiến lược để chuyển dịch cơ cấu là lao động và doanh nghiệp.

Về lao động, tình trạng dư thừa trong nông nghiệp còn rất lớn. Còn tới khoảng 35% lao động làm việc trong nông lâm ngư nghiệp là khu vực mà năng suất rất thấp. Trong khi đó, công nghiệp hóa còn ở mức thấp (giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP mới khoảng 16,5% vào năm 2019), hơn nữa cơ cấu công nghiệp còn rất mỏng (lắp ráp là chủ đạo, công nghiệp hỗ trợ yếu, Việt Nam còn ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu).

Vì tính chất này, trong thời gian qua, xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam tăng rất nhanh nhưng càng xuất khẩu càng phụ thuộc vào sản phẩm trung gian nhập từ nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong thời gian tới, lợi dụng dòng thác FDI chuyển dịch nhiều cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, ta nên đẩy mạnh sản xuất thay thế những mặt hàng trung gian đang nhập khẩu.

Cùng với nỗ lực theo chiều sâu này, công nghiệp hóa cũng cần được đẩy mạnh theo diện rộng (tạo môi trường thông thoáng để doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào những ngành công nghiệp mới), và kết quả là lao động dư thừa ở nông thôn, ở khu vực nông nghiệp sẽ dịch chuyển nhanh chóng sang khu vực công nghiệp, đưa năng suất toàn xã hội lên cao.

Dĩ nhiên ở đây còn vấn đề đào tạo nguồn nhân lực theo hướng mới để đáp ứng nhu cầu mới bên khu vực công nghiệp.

Tình trạng lao động dư thừa trong nông nghiệp vẫn còn rất lớn. Ảnh: Thời báo Nông nghiệp Việt Nam

Tình trạng lao động dư thừa trong nông nghiệp vẫn còn rất lớn. Ảnh: Thời báo Nông nghiệp Việt Nam

Về doanh nghiệp, khu vực phi chính thức (chủ yếu là kinh tế cá thể) còn chiếm tới 30% GDP. Đây là khu vực có năng suất rất thấp. Mặt khác, doanh nghiệp tư nhân (chiếm độ 10% GDP) cũng phần lớn là nhỏ bé, luôn ở vị trí bất lợi trong thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai.

Khu vực phi chính thức (hay kinh tế cá thể) và doanh nghiệp tư nhân hầu hết có quy mô quá nhỏ, năng suất thấp vì không có khả năng cách tân công nghệ (vì quá nhỏ nên không có năng lực du nhập công nghệ, không đổi mới thiết bị, không đầu tư lớn), kết quả là không có năng lực kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia.

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quy mô rất nhỏ và siêu nhỏ vì môi trường kinh doanh khó khăn (phí tổn hành chính quá lớn) và khó tiếp cận với vốn và đất để đầu tư.

Cần đẩy mạnh cải cách hành chính để giảm xin cho, giảm kiểm tra và hoàn thiện thị trường vốn, thị trường đất đai. Việc này đã được bàn luận nhiều nhưng tiến triển chậm. Nếu có khát vọng phát triển phải khẩn trương cải cách các lãnh vực này.

Ngoài hoàn thiện cơ chế thị trường cần các biện pháp chính sách hỗ trợ cụ thể hơn. Bộ máy phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa ở trung ương và địa phương phải phát huy chức năng hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ, vừa, siêu nhỏ trong việc vay vốn, tìm đối tác, phương pháp tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ.

Các cơ quan này cũng có vai trò giới thiệu các doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ liên kết với các doanh nghiệp lớn, với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Từ các nhận xét trên, ta thấy rất rõ rằng chỉ cần dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ khu vực cá thể sang khu vực kinh tế hiện đại, có tổ chức ở quy mô lớn thì năng suất lao động của toàn xã hội sẽ tăng lên cao. Dư địa tăng năng suất qua tái phân bổ nguồn lao động là rất lớn.

Cải cách giáo dục và cải tổ bộ máy nhà nước

- Đại hội Đảng XIII một lần nữa khẳng định mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Như Giáo sư vừa chỉ ra, cần chuẩn bị các tiền đề phát triển ngay từ bây giờ mới có thể hiện thực hoá khát vọng này. Đó là những tiền đề gì, theo ông?

GS. Trần Văn Thọ: Khi còn ở mức thu nhập trung bình, nguồn lực chính đóng góp vào tăng trưởng là các yếu tố sản xuất như lao động, tư bản. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, cải thiện thị trường các yếu tố sản xuất để các nguồn lực đó được phân bổ có hiệu quả là có thể tăng năng suất và đạt mức thu nhập trung bình cao tương đối dễ dàng.

Nhưng từ mức thu nhập trung bình cao muốn vươn lên thành nước tiên tiến thì khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao phải đóng vai trò then chốt. Việc đầu tư xây dựng hai tiền đề đó đòi hỏi nhiều thời gian.

Việt Nam muốn phát triển thành nước có thu nhập cao vào khoảng năm 2040 hoặc 2045 những tiền đề, những nỗ lực đó phải được chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Hai vấn đề tôi muốn nhấn mạnh là cần tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ; Và cải cách giáo dục, đào tạo, cũng như cải tổ bộ máy nhà nước.

Về cải cách về giáo dục, đào tạo và bộ máy nhà nước, trong 3 - 4 năm tới tối thiểu phải thực hiện hai lĩnh vực.

Cải cách giáo dục đào tạo có ý nghĩa then chốt để Việt Nam có thể vươn lên địa vị một nước tiên tiến, phát triển. Ảnh: VNE

Cải cách giáo dục đào tạo có ý nghĩa then chốt để Việt Nam có thể vươn lên địa vị một nước tiên tiến, phát triển. Ảnh: VNE

Một là, cải thiện, cải cách toàn diện tình hình, cơ chế giáo dục đào tạo hiện nay, để tăng chất lượng đào tạo ở mỗi bậc học và trang bị kỹ năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và công nghệ.

Giáo dục Cấp I và Cấp II phải thực sự miễn phí hoàn toàn, phụ huynh không phải phụ đảm một phí tổn nào. Điều kiện vệ sinh, trường ốc, lớp học phải được ưu tiên cải thiện ngay.

Chấn chỉnh lại đại học, nhất là đại học tư, không cho phát triển tràn lan, các bậc trung cấp và cao đẳng cần được cải tổ thành đại học đoản kỳ (một năm học văn hóa, một năm học chuyên môn) để hấp dẫn người đi học và cung cấp ngay lao động đáp ứng nhu cầu phát triển giai đoạn mới.

Nội dung, phương thức giảng dạy cũng phải thay đổi để học sinh, sinh viên khi ra trường có đủ khả năng về kỹ thuật số, về ngoại ngữ và khả năng tự học để thích ứng với thay đổi của công nghệ và thị trường.

Hai là, thay đổi cơ chế tuyển dụng, đề bạt công chức, quan chức và cải cách tiền lương. Trừ những chức vụ trong các viện nghiên cứu, không xem bằng tiến sĩ hay thạc sĩ là điều kiện để tuyển dụng hay đề bạt.

Nghiên cứu kinh nghiệm các nước tiên tiến trong việc tuyển chọn quan chức để bảo đảm năng lực quản lý, tinh thần trách nhiệm và lòng tự hào về sứ mệnh của người làm việc nước.

Một vấn đề liên quan là triệt để cải cách tiền lương. Trong khoảng 5 năm tới, phải chấm dứt tình trạng một bộ phận quan chức "không sống bằng tiền lương", chấm dứt nạn chạy chức, chấm dứt tình trạng người tìm việc phải tốn một số tiền quá lớn.

Những tính chất lạc hậu này chẳng những làm cho kinh tế không phát triển có hiệu suất mà còn là những biểu hiện kém văn hóa, hoàn toàn xa lạ ở một nước phát triển có thu nhập cao.

Cần thực hiện ngay những nỗ lực tối thiểu này mới có thể mơ về một đất nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 hoặc sớm hơn.

Những việc cần làm ngay

- Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục lựa chọn hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển là một đột phá chiến lược của giai đoạn tới. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ cũng đã nêu cao khẩu hiệu “Nhà nước kiến tạo phát triển”, “Chính phủ đổi mới sáng tạo”. Giáo sư nhìn nhận như thế nào về định hướng này?

GS. Trần Văn Thọ: Từ cuối thập niên 1990, thể chế WTO và sự xuất hiện ngày càng nhiều những hiệp định thương mại tự do (FTA) làm hạn chế vai trò của nhà nước ở những nước đi sau trong quá trình công nghiệp hoá.

Trong tình hình đó, nhà nước tại nhiều quốc gia cũng không đóng vai trò tích cực trong việc đẩy mạnh việc khởi tạo hay nuôi dưỡng, yểm trợ các ngành công nghiệp.

Từ khi gia nhập WTO vào năm 2007, Việt Nam cũng có khuynh hướng tương tự. Nhưng đây là một suy nghĩ hay thái độ không đúng đắn. Ngay cả hai nước lớn nhất của thế giới gần đây cũng phát huy vai trò tích cực của nhà nước để kinh tế mạnh hơn, điển hình là chính sách “America First – Nước Mỹ trên hết” của Mỹ và Chiến lược Chế tạo 2025 của Trung Quốc, đặt mục tiêu đến 2025 có các ngành công nghiệp dẫn đầu thế giới. Ấn Độ cũng đưa ra chiến lược Make in India.

Chính phủ Việt Nam đưa ra khẩu hiệu thực hiện chính phủ sáng tạo và kiến tạo phát triển là đúng đắn nhưng cần có chiến lược triển khai và chương trình hành động cụ thể. Nếu không, những ý tưởng dù hay đến mấy cũng sẽ chỉ là khẩu hiệu mang tính hô hào.

- Những việc cụ thể mà Việt Nam có thể làm ngay và cần làm ngay là gì, theo Giáo sư?

GS. Trần Văn Thọ: Một số nội dung bao gồm trong chiến lược và chương trình hành động ấy có thể kể ra như sau.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu nhấn nút khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và khai mạc Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021.- Ảnh: Thời báo Tài chính

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu nhấn nút khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và khai mạc Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021.- Ảnh: Thời báo Tài chính

Thứ nhất, tăng ngân sách và khuyến khích doanh nghiệp chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Hiện nay (theo tư liệu năm 2017) cả Chính phủ và doanh nghiệp chi tiêu cho R&D chỉ bằng 0,5% GDP. Mức này rất thấp, chỉ bằng Hàn Quốc đầu thập niên 1970 và Trung Quốc gần 40 năm trước. Phải cố gắng tăng tỷ lệ lên 1% GDP hoặc cao hơn.

Về chi tiêu cho R&D của Chính phủ cũng cần xem xét việc cải cách, tránh "xin cho" để ngân sách nhà nước được sử dụng có hiệu quả.

Thứ hai, sớm ban hành các luật khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho R&D, khuyến khích công ty có vốn nước ngoài mở các cơ sở R&D tại Việt Nam.

Thứ ba, hiện nay ở nước ngoài có rất nhiều nhà khoa học người Việt Nam làm việc ở các đại học, các viện nghiên cứu, kể cả một số rất đông người đang nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc).

Chỉ tính riêng ở Nhật Bản, con số này đã lên tới hơn ngàn người. Nhà nước cần có một danh mục các nhà khoa học và chuyên gia người Việt đang làm việc ở nước ngoài để cung cấp cho các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu trong nước có thể liên hệ mời cộng tác, làm việc.

Việt Nam đang có nhiều cơ hội để bứt phá mạnh mẽ. Ảnh: VnEconomy

Việt Nam đang có nhiều cơ hội để bứt phá mạnh mẽ. Ảnh: VnEconomy

Nhờ vậy, trình độ khoa học của Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể. Trung Quốc đi nhanh trong việc phát triển công nghệ nhờ có chiến lược và chính sách rất bài bản để tận dụng chất xám của đội ngũ trí thức Hoa Kiều. Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo Trung Quốc trong chuyện này.

Thứ tư, cần cải thiện thủ tục hành chính hoặc nghiên cứu các biện pháp để những ý tưởng đổi mới, sáng tạo của cá nhân, của doanh nghiệp được chuyển thành sản phẩm, tránh tình trạng những ý tưởng đó được đem ra nước ngoài thực hiện chỉ vì thủ tục, cơ chế trong nước quá phức tạp.

Thứ năm, Chính phủ nên định ra một ngày trong năm làm “Ngày biểu dương đổi mới sáng tạo”, trong ngày đó tổ chức hội thảo về những bài học từ thực tiễn trong năm qua và biểu dương những cá nhân, những doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong đổi mới, sáng tạo

Giáo sư Trần Văn Thọ sinh năm 1949 tại Quảng Nam, sau khi tốt nghiệp trung học tại Hội An (Quảng Nam), ông sang Nhật du học từ năm 1968 theo chương trình học bổng của chính phủ Nhật. Ông lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Hitotsubashi, Tokyo.

Sau khi học xong, ông làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản; sau đó trở thành Phó Giáo sư, rồi Giáo sư Đại học Obirin (Tokyo). Từ năm 2000, ông chuyển sang Đại học Waseda, Tokyo, làm Giáo sư kinh tế đến năm 2020. Hiện nay là Giáo sư danh dự Đại học Waseda.

Tại Nhật Bản, trên cương vị là thành viên chuyên môn trong Hội đồng tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản, Giáo sư Thọ đã đóng góp vào sự hình thành chính sách kinh tế đối ngoại của Nhật Bản từ tầm nhìn châu Á và toàn cầu.

Mặc dù sinh sống và làm việc tại Nhật từ năm 1968, Giáo sư Trần Văn Thọ vẫn luôn hướng về Việt Nam. Đến nay, ông vẫn giữ quốc tịch và hộ chiếu Việt Nam. Với vai trò của một nhà kinh tế, GS Trần Văn Thọ đã góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam hàng chục năm qua.

Năm 2018, ông được Chính phủ Nhật trao Huân chương Thụy Bảo Tia Vàng.

Giáo sư Thọ là người khởi xướng và vận động thành lập Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy giao lưu nghiên cứu giữa Việt Nam với Nhật Bản và các nước trong khu vực.

Ngoài ra, Giáo sư Trần Văn Thọ cũng thành lập Viện nghiên cứu tổng hợp về Việt Nam thuộc Đại học Waseda. Với vai trò là Viện trưởng, ông đã xây dựng nhiều dự án nghiên cứu liên quan đến hội nhập kinh tế Đông Á, phát triển khu vực Mekong,…và phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước Nhật - Việt.

Năm 1993, ông được bổ nhiệm là thành viên của Tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính thời kỳ Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Năm 2017, ông được mời làm thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

(Còn tiếp)