Cử tri Thủ đô cũng đề nghị Chính phủ có chế tài xử lý đối với cơ quan ban hành theo từng mức độ, hậu quả do việc ban hành, tham mưu ban hành văn bản sai hoặc không phù hợp; đồng thời xử nghiêm đối với người đứng đầu việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, cử tri đề nghị bổ sung các quy định nhằm kịp thời loại bỏ những quy định lạc hậu, mâu thuẫn, chồng chéo, không đúng thẩm quyền, không minh bạch.
Trước những đề nghị này của cử tri, trong văn bản trả lời gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, Bộ Nội vụ cho biết đã phối hợp với Bộ Tư pháp để trả lời các nội dung kiến nghị của cử tri.
Theo Bộ Nội vụ, chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành được thực hiện theo quy định của luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ theo Luật Tổ chức Chính phủ.
Bên cạnh đó, Chính phủ quy định chức năng của các cơ quan chuyên môn theo ngành, lĩnh vực bảo đảm không có sự chồng chéo, trùng lắp hoặc chia cắt trong phân công quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quan tâm, chỉ đạo, đề ra nhiều chủ trương, đường lối quan trọng. Điều đó góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng pháp luật.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực này.
Cũng theo Bộ Nội vụ, trong quá trình đề nghị xây dựng văn bản đến khi văn bản được ban hành, thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan luôn được rà soát và quy định rõ, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi cơ quan.
Ngoài ra, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan ban hành văn bản phải đồng thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản mới đó.
Trong trường hợp chưa thể sửa đổi, bổ sung ngay thì phải xác định rõ danh mục văn bản, chương, mục đã ban hành trái với quy định mới… Luật cũng quy định báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án, dự thảo là tài liệu bắt buộc trong hồ sơ gửi thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Bộ Nội vụ cũng nêu rõ: Hồ sơ dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Nghị định của Chính phủ gửi thẩm định, cơ bản đã tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thành phần hồ sơ, trong đó có báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án, dự thảo.
(tổng hợp)