Đầu tư chứng khoán: Yếu tố may mắn chiếm 30%?

VietTimes -- Trưởng bộ phận khách hàng VNDirect Ngô Thế Hiếu nhấn mạnh về yếu tố may mắn trong kinh doanh và đầu tư tài chính, mà nổi bật hơn cả là đầu tư chứng khoán. Nói tại Hội thảo "Tìm kiếm cơ hội đầu tư trong “mùa đông băng giá”" đang diễn ra tại Hà Nội, ông Hiếu cho rằng, yếu tố may mắn sẽ quyết định tới 30% kết quả đầu tư.
Các diễn giả đã có nhiều chia sẻ thú vị tại Hội thảo Tìm kiếm cơ hội đầu tư trong “mùa đông băng giá” ngày 8/12/2018 (Ảnh: P.D)
Các diễn giả đã có nhiều chia sẻ thú vị tại Hội thảo Tìm kiếm cơ hội đầu tư trong “mùa đông băng giá”  ngày 8/12/2018 (Ảnh: P.D) 

Giải ngân vào đâu?

Nhận định việc phân bổ tài sản nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư, ông Phan Lê Thành Long (Giám đốc CMA tại Việt Nam) chia sẻ một số “lớp” tài sản có nhiều tiềm năng trong năm 2019 trong bối cảnh Fed nâng lãi suất. Theo đó, việc lựa chọn giữa các tài sản đầu tư phụ thuộc vào vị thế, khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư trong thời kỳ này.

Với quan điểm đầu tư vào các “lớp” tài sản trong thời gian dài hạn, ông Long lựa chọn kênh đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản.

“Tôi nhận được rất nhiều lời mời chào, anh chuyển sang đây em quản lý giúp” - Chuyên gia Phan Lê Thành Long chia sẻ thêm về sự sôi động của thị trường chứng khoán.

Riêng thị trường bất động sản, ông Long lưu ý nhà đầu tư cần phải lưu ý tới vấn đề thanh khoản, sự khác biệt giữa các thị trường ở các thành phố lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, các quy định kiểm soát dòng vốn ngân hàng tài trợ cho lĩnh vực này.

Đồng tình với quan điểm này, ông Huỳnh Tuấn (Founder Biên An Toàn, CCO của CTCP Chứng khoán VNDirect), cho biết năm 2019 kênh trái phiếu doanh nghiệp - đặc biệt là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản - sẽ hứa hẹn là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Phân tích thêm, vị CCO của VNDirect cho biết kênh đầu tư này đang được hưởng lợi trong bối cảnh lãi suất gia tăng, dòng vốn từ ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản bị siết chặt. Các khoản trái phiếu được phát hành với các đặc điểm như không có tài sản đảm bảo, không có quyền chuyển đổi sẽ có mức lãi suất cao hơn, cạnh tranh hơn.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao có thể đầu tư vào phân khúc đất nền, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.

Ông Huỳnh Tuấn nhận định, năm 2019 TTCK sẽ bước vào thời kỳ phân hóa sâu sắc, đòi hỏi các nhà đầu tư phải có chiến lược rõ ràng.

Founder Biên An Toàn lưu ý về những cổ phiếu trong một số ngành hưởng lợi từ Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung như: thủy sản, dệt may đã phản ánh các lợi thế này vào giá. Nhưng việc sàng lọc, tìm kiếm các cổ phiếu tốt là không dễ dàng.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, các cổ phiếu trong lĩnh vực năng lương cũng là một lựa chọ đáng lưu tâm. Ông lý giải, đây là ngành được hưởng lợi từ giá điện, dầu tăng và có tính phòng thủ tốt trong thời điểm này.

Yếu tố may mắn quyết định tới 30% (?!)

Với quan điểm của một nhà quản lý quỹ đầu tư, ông Ngô Thế Hiếu (Trưởng bộ phận khách hàng VNDirect) nhấn mạnh về yếu tố may mắn trong kinh doanh và đầu tư tài chính - mà ông cho rằng chiếm tới 30%. Nhưng ông này cũng khẳng định, việc áp dụng các chiến lược đầu tư rõ ràng sẽ giúp giảm bớt độ rủi ro trong đầu tư.

Trên TTCK Việt Nam, ông Hiếu nhận đinh có 2 chiến lược đầu tư cổ phiếu - là đầu tư ngắn hạn (trading) và đầu tư dài hạn. Và 80% nhà đầu tư cá nhân thường sử dụng phong cách trading trong đầu tư.

Khi sử dụng phương pháp này, nhà đầu tư dù có quan điểm vĩ mô tốt nhưng khi “xuống tiền” thì yếu tố tâm lý sẽ tác động rất nhiều và có thể đưa ra hành động ngược lại. Nhà đầu tư theo đuổi phong cách giao dịch ngắn hạn cần phải lưu ý tới việc phân bổ tỷ lệ, quản lý danh mục đầu tư.

Theo ông Hiếu, có tới 90% nhà đầu tư thua lỗ - thường lặp lại sai lầm mặc dù đã rút kinh nghiệm từ các lần trước. "Hoạt động phân bổ tiền là một nghệ thuật, mỗi người sẽ có một phương pháp khác nhau nhưng quan trọng nhất phải giữ được sự ổn định tâm lý" - vị chuyên gia chia sẻ.

Trưởng bộ phận khách hàng VNDirect lấy một ví dụ, vốn rất đặc trưng: “Quy tắc là lỗ đến 10% thì phải cắt lỗ, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn có tâm lý, rằng nhỡ giá lên thì sao - dẫn đến không bán và khiến cho trạng thái thua lỗ kéo dài và sâu thêm”.

“Trong đợt giảm giá của thị trường vừa qua, tôi vẫn chưa giải ngân hết. Vừa mua xong mà cổ phiếu tăng thì tôi lại không thích, vì buộc phải chốt lời khi chưa giải ngân đủ. Năm 2017, tôi đặt mục tiêu VN-Index đạt được mốc 1.100 điểm vào năm 2018 và tiến hành giải ngân. Đến tháng 3/2018 thì chỉ số VN-Index đạt tới ngưỡng 1.200 điểm, danh mục của tôi đạt mức lãi 18%. Sau đó, khi thị trường giảm, tôi tiến hành tái cơ cấu (reset) danh mục đầu tư và đặt kỳ vọng mới đến tháng 7/2019” - ông Hiếu chia sẻ về chính trải nghiệm của bản thân.

Đứng trên quan điểm của nhà đầu tư cá nhân, ông Nguyễn Trung Du (Giám đốc dịch vụ môi giới VNDirect) khuyến cáo "nên phân biệt rõ góc nhìn của các quỹ đầu tư và các nhà đầu tư cá nhân". Phân bổ tài sản (hay quản lý danh mục đầu tư) đòi hỏi sự chuyên nghiệp, có nhiều công việc cần làm.

Nguyên tắc của tôi là không mua quá 5 cổ phiếu trong tài khoản, để đảm bảo khả năng theo dõi hàng ngày, phân tích báo cáo tài chính, đọc hiểu các báo cáo phân tích” - ông Du chia sẻ và cho biết nên nghiên cứu kỹ 1 mã cổ phiếu trước khi mua.

Mặt khác, ông Du cũng cho biết không nên mua quá 2 cổ phiếu trong cùng 1 ngành, cần cân nhắc so sánh giữa các cổ phiếu và lựa chọn cổ phiếu mạnh nhất có tiềm năng tăng giá cao nhất.

“Trước khi mua mới, cần phải suy nghĩ về lý do thực hiện giao dịch. Đa số khách hàng cá nhân thường mắc phải lỗi trong 10 cổ phiếu, chỉ 1 mã giảm thua lỗ cả danh mục do phân bổ tài sản không hợp lý” - ông Nguyễn Trung Du chia sẻ.

Do đó, ông Du cho biết khi mua cổ phiếu cần phải có chiến lược “gom” hàng, xác định rõ mua ở vùng giá nào.

“Lô đầu tiên có lãi được khoảng bao nhiêu phần trăm thì mới mua tiếp, chỉ mua thêm khi có lãi” - ông Du chia sẻ nguyên tắc đầu tư của mình./.