|
Ký biên bản ghi nhớ đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây. |
Chiều 22/7/2020, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với Công ty Cổ phần Chân Mây LNG về nghiên cứu đầu tư phát triển dự án tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.
Đây là dự án Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) do Công ty Cổ phần Chân Mây LNG đầu tư và phát triển dự kiến đặt tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế, có tổng công suất thiết kế 4.000MW. Hình thức đầu tư tư nhân (IPP) với vốn sở hữu 60% Hoa Kỳ, 40% Việt Nam. Dự tính, khi đi vào hoạt động, hàng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 – 25 tỷ kWh.
Ông Trần Sĩ Chương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chân Mây LNG, cho biết dự án này được giới truyền thông Mỹ (kể cả The New York Times, Bloomberg...) đặc biệt quan tâm là vì đã nhận được sự cam kết cho toàn bộ vốn và vay từ các nhà đầu tư chính từ Mỹ, cùng bộ phận đầu tư tài chính IFC thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), và các cơ quan của chính phủ Mỹ có trách nhiệm hỗ trợ công dân và doanh nghiệp Mỹ đầu tư ở nước ngoài.
|
Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020.
|
Nhà đầu tư đã sẵn sàng cùng các đối tác hàng đầu thế giới từ Hoa Kỳ và Nhật bản trong các lãnh vực kỹ thuật, công nghệ, quản lý môi trường, xây dựng, điều hành... lập tức triển khai công trình ngay sau khi dự án được Chính phủ phê duyệt. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang hợp tác chặt chẽ cùng nhà đầu tư để sớm đưa dự án vào hiện thực, hy vọng vào năm 2024.
Tờ The New York Times, nhật báo hàng đầu của Mỹ hôm 22/7 (23/7 theo giờ Việt Nam) dẫn lời ông John Rockhold – Giám đốc điều hành (CEO) Công ty Cổ phần Chân Mây LNG: "Chúng tôi có sự hỗ trợ lớn từ chính phủ Hoa Kỳ cho dự án, vì Hoa Kỳ có khí hóa lỏng để bán (...).Chúng tôi có một số nhà cung cấp LNG của Hoa Kỳ và chúng tôi đang sẵn sàng mua ngay bây giờ”.
Khi dự án vận hành đủ công suất, nhà máy sẽ nhập khẩu khoảng 1,2 tỷ USD Mỹ khí hóa lỏng mỗi năm, ông Rockhold nói thêm, điều đó sẽ giúp thu hẹp thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
CEO Rockhold cho biết nhà máy sẽ sử dụng tua-bin từ tập đoàn General Electric, việc xây dựng nhà máy điện dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2021, giai đoạn đầu tiên với công suất 2,4 GW sẽ được vận hành từ năm 2024 và toàn bộ nhà máy từ năm 2027.
"Dự án hiện đang nằm trên bàn của Thủ tướng (của Việt Nam) và chúng tôi hy vọng sẽ nhận được giấy phép đầu tư vào mùa thu này" - CEO Rockhold nói.
Đồng hành cùng dự án là các chương trình hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ cho các dự án đầu tư tư nhân của công dân Mỹ ở nước ngoài, cùng các đối tác về tài chính, công nghệ, vận hành, cung cấp khí cũng như quản trị doanh nghiệp: U.S Development Finance Corporation, U.S Asia EDGE, U.S EXIM Bank, GE Gas Power, Black & Veatch, Baker McKenzie, E&Y, McKinsey, ERM.