Đâu là nguyên nhân khiến “làn sóng” tảy chay Huawei bùng phát ở Châu Âu?

VietTimes – Tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc về lệnh cấm đối với gã khổng lồ công nghệ Huawei tạo hiệu ứng dây chuyền ở nhiều quốc gia Châu Âu. Chính phủ các nước bắt đầu ngăn Huawei tham gia triển khai hệ thống mạng viễn thông vì lo ngại bảo mật.
Ảnh minh họa: InAVate
Ảnh minh họa: InAVate

Thời gian gần đây, chính phủ và nhà cung cấp viễn thông của nhiều quốc gia Châu Âu đã bắt đầu đặt nghi vấn về mức độ an toàn khi sử dụng thiết bị Huawei trong cơ sở hạ tầng quan trọng của mạng di động và hiểm họa gián điệp từ Trung Quốc

Các lệnh và những hạn chế tiếp cận thị trường quan trọng Châu Âu đã hình thành nên áp lực tài chính cực lớn đối với công ty có trụ sở tại Thâm Quyến. Theo chiều ngược lại, chính sách tảy chay Huawei đã làm tổn thất hàng chục tỷ USD cho các nước trong khu vực này trong quá trình xây dựng mạng 5G, công nghệ được coi như là chìa khóa của kỷ nguyên Internet Vạn vật (IoT).

Giám đốc Viện Chính sách công Toàn cầu (Berlin) Thorsten Benner cho biết mặc dù Châu Âu hiện vẫn bị chia rẽ bởi những quan điểm đối lập, nhưng xu hướng xa lánh Huawei đã được thể hiện khá rõ ràng.

Đầu tháng 12, căng thẳng địa chính trị đối với Huawei lại càng gia tăng, sau khi Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu, con gái cả của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, bị bắt giữ tại Canada do liên quan đến cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ dành cho Iran.

CFO Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại Vancouver, Canada ngày 1.12. Ảnh: TorontoStar.

CFO Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại Vancouver, Canada ngày 1.12. Ảnh: TorontoStar.

Thực tế, Huawei đã bị Mỹ cấm cửa từ năm 2012, sau khi Ủy ban Tình báo Hạ Viện báo cáo về rủi ro bảo mật và đề nghị chính phủ, cũng như các công ty tư nhân ngừng sử dụng thiết bị mạng Huawei.

Tuần trước, nhà mạng lớn của Đức Deutsche Telekom đã nghiêm túc thảo luận về vấn đề bảo mật trên thiết bị viễn thông được sản xuất bởi các công ty Trung Quốc. Mặc dù đang sử dụng thiết bị của nhiều nhà cung cấp khác nhau để xây dựng hạ tầng mạng, bao gồm Ericsson, Nokia và Cisco, nhưng họ cho biết: “Chúng tôi hiện đang tự đánh giá lại chiến lược mua sắm”.

Ông Thorson Benner nhận định rằng, tuyên bố của Deutsche Telekom hàm chứa tín hiệu tiêu cực dành cho Huawei bởi nhà mạng Đức từng “ủng hộ” Huawei, dựa trên những thiết bị giá rẻ và đáng tin cậy.

Tại Anh, Giám đốc Cục tình báo mật (MI6) phát biểu rằng chính phủ Anh “cần đặt ra mức độ phù hợp khi sử dụng công nghệ của nhà cung cấp Trung Quốc”.

Nhà mạng lớn của Đức Deutsche Telekom đang đánh giá lại chiến lược mua sắm của mình. Ảnh: AFP.

Nhà mạng lớn của Đức Deutsche Telekom đang đánh giá lại chiến lược mua sắm của mình. Ảnh: AFP. 

Đồng thời, British Telecom tuyên bố sẽ loại bỏ thiết bị Huawei khỏi bộ phận cốt lõi của hạ tầng mạng viễn thông 3G và 4G. Đây cũng là chính sách mà nhà mạng Anh sẽ áp dụng trong quá trình triển khai mạng 5G sắp tới. Hồi tháng 6, cơ sở nghiên cứu bảo mật do chính phủ Anh điều hành The Cell đã phát hiện ra một số lỗ hổng trong quy trình kỹ thuật của Huawei, để lộ rủi ro mới trong hệ thống mạng của Anh. Huawei cho biết đang làm việc để khắc phục vấn đề đó.

Bộ Viễn thông Na Uy cho biết đang xem xét kỹ lưỡng các yêu cầu mua trang thiết bị từ các nhà mạng, nhưng không đi vào chi tiết.

Tương tự, cơ quan anh ninh mạng Bỉ được cho là đang cân nhắc lệnh cấm đối với Huawei. Ngày 25.12, Thủ tướng Cộng hòa Séc đã hạ lệnh cho các thành viên văn phòng nội các ngừng sử dụng smartphone Huawei và ZTE vì tiềm ẩn “hiểm họa an ninh”.

Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Andrus Ansip cảnh báo về nguy cơ gián điệp trên thiết bị Huawei. Ảnh: Politico.

Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Andrus Ansip cảnh báo về nguy cơ gián điệp trên thiết bị Huawei. Ảnh: Politico.

Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Andrus Ansip bày tỏ lo ngại trong cuộc họp báo ngày 7.12: “Chúng ta cần phải lo lắng về công ty này [Huawei]”. Ông Ansip cảnh báo công ty Trung Quốc phải hợp tác cùng các cơ quan tình báo để điều tra: “Đó là bởi những con chip họ có thể cấy vào đâu đó để đánh cắp bí mật của chúng ta”.

Huawei, được thành lập năm 1987 bởi ông Nhậm Chính Phi - một cựu kỹ sư không quân hàm của Quân Giải phóng Nhân Dân Trung Quốc, luôn phủ nhận việc bị kiểm soát bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc hay thiết kế sản phẩm kèm theo lỗ hổng back-door để đánh cắp thông tin. Công ty cho biết họ chia sẻ lo ngại về bảo mật trong quá trình triển khai mạng 5G và sẵn sàng tham gia đánh giá cùng Deutsche Telekom.

Phía Huawei cũng nhấn mạnh tuyên bố của chính phủ Đức rằng không có bất kỳ lý do gì để cấm cửa Huawei khi chưa tìm ra bằng chứng về lỗ hổng an ninh mạng.

Chủ tịch Huawei ở khu vực Tây Âu, Vicent Pang khẳng định: “An ninh mạng là vấn đề vô cùng quan trọng đối với Huawei. Đó là tôn chỉ đầu tiên trong mọi quyết định và mọi sản phẩm mà chúng tôi tạo ra”. Ông Pang nói thêm: “Chúng tôi tin giải pháp nằm ở sự hợp tác toàn cầu để đảm bảo an toàn tối đa cho các hệ thống mạng”.

Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi là các thị trường quan trọng thứ 2 của Huawei, chỉ xếp sau Trung Quốc. Ảnh: AsiaTimes
Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi  là các thị trường quan trọng thứ 2 của Huawei, chỉ xếp sau Trung Quốc. Ảnh: AsiaTimes

Ba thị trường Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi đã đóng góp 27% doanh thu, tương đương gần 90 tỷ USD cho Huawei vào năm ngoái. Các giám đốc cấp cao của Huawei tiết lộ công ty đã ký hợp đồng triển khai mạng 5G thương mại và thử nghiệm với 25 nhà mạng viễn thông, cũng như cung cấp thiết bị hạ tầng cho hơn 10.000 trạm thu phát sóng.

Quá trình triển khai thế hệ mạng viễn thông thứ 5 trên toàn cầu dự kiến sẽ mất khoảng 10 năm. Sự phát triển của công nghệ đã tạo ra dòng chảy dữ liệu lớn, khiến các chính phủ coi mạng lưới viễn thông như tài sản chiến lược của quốc gia.

Tuy nhiên, không phải tất cả quốc gia tại Châu Âu đều tán thành lệnh cấm Huawei. Giám đốc điều hành của Orange, Stephane Richard nói vào tuần trước rằng nhà mạng Pháp sẽ không dùng thiết bị Huawei trong bộ phận nhạy của “mạng tin nhắn” theo yêu cầu của chính phủ. Tuy nhiên, ông Richard khẳng định không phải vì lý do kỹ thuật, và tranh cãi xung quanh vấn đề bảo mật của Huawei liên quan nhiều đến chính trị.

CEO Orange, Stephane Richard nhận định: “Chúng ta đang ở trong vương quốc của sự tưởng tượng: Họ là người Trung Quốc, họ có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc. Vì vậy, họ là gián điệp và chúng ta không thể cho phép họ tiếp cận thiết bị của mình”.

Cấm cửa Huawei sẽ làm chậm tiến độ triển khai mạng 5G. Ảnh: Techzra.
Cấm cửa Huawei sẽ làm chậm tiến độ triển khai mạng 5G. Ảnh: Techzra.

Chuyên gia công nghệ của tập đoàn Eurasia, Paul Triolo cho rằng: “Thiết bị của Huawei không giống như một phiên bản thay thế rẻ tiền”. Ông Triolo nhận định rằng nếu xa lánh các công ty Trung Quốc thì các nhà mạng chỉ có thể chọn Nokia hoặc Ericsson, nhưng hai nhà cung cấp Bắc Âu này lại “không sản xuất thiết bị phù hợp với tất cả các dải tần”.

Huawei đã có cơ hội để phát triển lớn mạnh tại thị trường hàng đầu của Châu Âu như Anh và Đức bởi các nhà mạng tại đây muốn tránh phụ thuộc vào một nhà cung cấp. Ông Triolo nói thêm: “Vì vậy, nếu loại bỏ một nhà cung cấp lớn ra khỏi thị trường là điều cực kỳ khó khăn”.

Giám đốc Viện Chính sách công Toàn cầu Thorsten Benner nhận định rằng các nhà mạng Đức sẽ chẳng vui vẻ gì nếu bị cấm sử dụng thiết bị Huawei. Vì chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ tăng và làm chậm tiến độ triển khai mạng 5G, mà theo kế hoạch ban đầu dựa trên hạ tầng 4G hiện có với Huawei là đối tác cung cấp lớn.

Tuy nhiên, quyết định từ cường quốc Châu Âu như Đức sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền tại các nước nằm trong chuỗi cung ứng công nghiệp của quốc gia này như Ba Lan, Hungary, Cộng Hòa Séc và Slovakia. Ông Benner nói: “Tất cả sẽ cảnh giác nếu Đức đưa ra quyết định và lo lắng về an ninh mạng của mình”.

Theo South China Morning Post