Đảo lộn thị trường bán lẻ trong nước

Thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2014 và những ngày đầu năm nay đứng trước nhiều thông tin khác nhau, từ các thương vụ mua bán - sáp nhập, liên kết, bán cổ phần đến... đóng cửa.
Siêu thị tổng hợp không dành cho doanh nghiệp yếu
Siêu thị tổng hợp không dành cho doanh nghiệp yếu

Siêu thị điện máy cạnh tranh dữ dội

Tin Power Buy thuộc tập đoàn Central Group (Thái Lan), mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giái pháp mới (NKT), thành viên của Nguyễn Kim Group - đơn vị đang sở hữu 21 trung tâm điện máy trong nước đã thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ điện máy hàng đầu Việt Nam với mức tăng trưởng từ 30-50%, từ năm 2011 Nguyễn Kim lựa chọn chiến lược mở rộng hệ thống nhanh chóng. Cùng với quá trình “phình to” của mình, Nguyễn Kim hướng đến tham vọng doanh thu tăng lên 2 tỉ đô la Mỹ vào năm 2015 so với khoảng 400 triệu đô la Mỹ của năm 2011.

Mục tiêu này của Nguyễn Kim đối mặt với nhiều khó khăn do thị trường điện máy trong nước năm 2012 suy thoái đến -20%, và hiện tại vẫn chưa hồi phục. Hầu hết các trung tâm kinh doanh điện máy rơi vào khủng hoảng.

Cách để tồn tại, loại bỏ nhau mà các doanh nghiệp ngành này quen làm trong những năm qua và hiện nay là bán phá giá liên tục khiến những đối thủ yếu không chịu nổi. Việc này khiến giá nhiều sản phẩm thấp hơn giá niêm yết, bất chấp điều đó trái quy định của bên cung cấp.

Hệ quả là từ năm 2013 đến nay khá nhiều siêu thị điện máy tầm cỡ cũng đổ gục: Ebest phải đóng cửa hai siêu thị điện máy ở Sài Gòn và Đà Nẵng, Home One lâm vào tình cảnh tương tự, trong khi hàng loạt siêu thị điện máy lớn khác như Pico, Việt Long, Trần Anh, Mediamart... thường xuyên chịu lỗ hoặc phải thu hẹp kinh doanh.

Điểm hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà bán lẻ nước ngoài hiện nay là mảng phân phối hiện đại còn thấp (chiếm chưa đến 25% tổng thị trường bán lẻ).

Giới kinh doanh cho biết hiện còn nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh điện máy có hệ thống siêu thị tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác đang ngắc ngoải với những khoản nợ lớn, bị ngân hàng cảnh báo, nhà cung cấp phong tỏa, nợ tiền thuê mặt bằng, hàng tồn kho cao... Điều này sớm muộn sẽ dẫn đến việc đóng cửa hoặc chuyển nhượng cho đơn vị khác mà những doanh nghiệp nước ngoài luôn chiếm ưu thế mạnh về tài chính, kinh nghiệm.

Vì vậy, với những người am hiểu mô hình kinh doanh điện máy, quyết định bán gần phân nửa cổ phần của Nguyễn Kim cho nước ngoài được xem khôn ngoan và không mấy bất ngờ. Sự kết hợp của hai nhà bán lẻ hàng đầu trong cùng ngành hàng này sẽ tạo một thế mạnh hơn và sẽ là đối thủ đáng gờm đối với các nhà bán lẻ điện máy trong nước hiện nay.

Trung tâm thương mại để quảng bá sản phẩm? 

Việc Trung tâm Thương mại (TTTM) Parkson Landmark (Hà Nội) đột ngột đóng cửa ngay trong những ngày đầu năm mới nhằm cắt lỗ đã ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu Parkson, làm nhiều người nghi ngờ về khả năng tồn tại của những trung tâm Parkson khác ở Việt Nam.

Tuy nhiên, giới quan sát nhìn nhận trường hợp Parkson Landmark thực ra chỉ góp phần nối dài danh sách trung tâm mua sắm ở Hà Nội và TPHCM kinh doanh khó khăn phải đóng cửa, thu hẹp diện tích hoặc chuyển mục đích kinh doanh trong gần ba năm qua do tình trạng ế ẩm. Đơn cử như TTTM Thiên Sơn Plaza (quận 7, TPHCM) đã phải cơ cấu lại công năng sử dụng sau gần ba năm đeo bám và TTTM Pico Sài Gòn thì cho Lotte Mart thuê lại để kinh doanh siêu thị. Ngay cả Zen Plaza - một trong những TTTM hiện đại đầu tiên của TPHCM được nhà đầu tư Nhật Bản đặt nhiều tâm huyết để phát triển thành trung tâm thời trang lớn nhưng sau nhiều năm hoạt động cũng đã quyết định giảm phần lớn diện tích thương mại chuyển sang cho thuê văn phòng và tăng diện tích cho kinh doanh ẩm thực...

Nguyên nhân thường được giới chuyên môn chỉ ra là do nhà quản lý của các TTTM này không chuyên nghiệp, vị trí kinh doanh không thuận lợi, định vị đối tượng khách hàng không phù hợp... Tuy nhiên, lý giải này xem ra không đúng trong trường hợp của Parkson Landmark hay Zen Plaza.

Vậy lý do gì dẫn đến nhiều TTTM khó khăn? Kinh tế suy giảm, thu nhập tăng chậm đã khiến cho người tiêu dùng hạn chế chi tiêu cho mặt hàng thời trang và làm đẹp mà chỉ dồn lực vào những mặt hàng thiết yếu. Những mặt hàng thiết yếu này thường được bán ở các siêu thị hơn. Đại diện của một nhà kinh doanh TTTM lớn lâu năm cũng xác nhận thị trường bán lẻ Việt Nam được các tổ chức tư vấn đánh giá tăng trưởng khá và nhiều tiềm năng là chỉ đối với mảng kinh doanh siêu thị tổng hợp. Doanh nghiệp này cho hay, việc các doanh nghiệp thuê mặt bằng kinh doanh ở các TTTM phần lớn là làm thương hiệu, quảng bá sản phẩm chứ thực chất kinh doanh thua lỗ rất nhiều.

Các TTTM còn gặp một số khó khăn khác là sản phẩm thời trang hàng hiệu ở Việt Nam giá cao hơn nhiều nước trong khu vực do bị đánh thuế nhập khẩu cao. Theo doanh nghiệp này, cùng dòng sản phẩm nhưng sản phẩm hàng hiệu gồm quần áo, giày dép bán ở Việt Nam giá cao hơn các nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore từ 25-35%. Đã thế phần lớn những sản phẩm bán ra thị trường trong nước còn lỗi mốt hơn các nước khác, trong khi những người có khả năng mua sắm những mặt hàng này thì rất sành điệu và nắm rõ được xu hướng thời trang của thế giới. Do đó, không ít người Việt sẵn sàng chi tiền vé bay đi Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, vừa mua được hàng giá rẻ, hợp mốt, vừa được chuyến du lịch.

Một khó khăn nữa, theo các chuyên gia, tâm lý của đa phần người tiêu dùng là ngại mua hàng tại TTTM vì lo giá sẽ cao hơn so với mua ở ngoài do phải chịu phí thuê mặt bằng và phí dịch vụ cao hơn.

Siêu thị tổng hợp không dành cho doanh nghiệp yếu

Trong lĩnh vực phân phối hiện đại, mô hình kinh doanh siêu thị tổng hợp được xem là đang có phát triển nhanh và có sức mua tốt nhất hiện nay. Tuy nhiên, giới quan sát nhìn nhận mô hình kinh doanh này đang có cạnh tranh gay gắt giữa các nhà bán lẻ lớn trong và ngoài nước, không thích hợp cho những doanh nghiệp yếu về tài chính, thương hiệu lẫn kinh nghiệm. Điều này đã lý giải vì sao hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh siêu thị chưa tạo được thương hiệu lớn đang dần rút lui khỏi thị trường trong thời gian gần đây hoặc chuyển hướng hợp tác với những đối thủ mạnh hơn để tồn tại.

Đơn cử như Công ty Ocean Retail (ORC) - đơn vị có hệ thống bán lẻ Ocean Mart gồm chín siêu thị và bốn cửa hàng tiện lợi ở khu vực phía Bắc đã bán đến 70% vốn cho tập đoàn Vingroup để đổi thành hệ thống siêu thị VinMart. Với tiềm lực tài chính mạnh, mới đây, Vingroup tiếp tục mua lại cả hệ thống kinh doanh 79 Mart của Alphanam.

Hay chuỗi siêu thị Citimart với gần 30 điểm bán được đổi thành Aeon Citimart khi quyết định hợp tác với “lão làng” bán lẻ Nhật Bản, tập đoàn Aeon, với việc hợp tác này, Aeon sở hữu 49% cổ phần của Citimart. Lãnh đạo hệ thống kinh doanh có 20 năm kinh nghiệm này khẳng định trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước hiện nay, Citimart không thể đứng độc lập mà phải liên kết với doanh nghiệp khác để tạo ra sự khác biệt và chuyên nghiệp hơn.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang muốn mua lại hoặc hợp tác để tận dụng mặt bằng và giấy phép của doanh nghiệp trong nước. Giới quan sát cho rằng nếu việc hợp tác không thuận lợi, chuyện các nhà bán lẻ nước ngoài mua luôn phần góp của doanh nghiệp trong nước là khó tránh khỏi.

Bên cạnh việc cung ứng hàng hóa đảm bảo chất lượng, thì yếu tố giá bán được xem là cạnh tranh nhất để kéo khách hàng.

Để có được hàng hóa với giá bán thấp, không phải hệ thống siêu thị nào cũng làm được nếu không mạnh về thương hiệu, kinh doanh tốt và đặc biệt là có hệ thống bán hàng rộng khắp.

                                                                           Theo TBKTSG