Đạo đức người thầy: Chuyện gì đang xảy ra?

Đoàn Khánh
Đoàn Khánh

Nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes - Thời gian qua liên tục xảy ra các vụ việc tiêu cực trong ngành giáo dục. Thầy giáo, những con người được xem như chuẩn mực đạo đức, “kiến trúc sư tâm hồn” trong xã hội, thì giờ đây những hình ảnh đó đang bị chính những con người trong ngành giáo dục làm hoen ố.

Không phải chúng ta không có những bài học về đạo đức, về giáo dục nhân cách con người. Thế nhưng những người thầy giáo, thậm chí hiệu trưởng trường học lại khiến cho học sinh kinh sợ bởi các minh chứng thực tế cho thấy họ chính là những người gieo mầm cho sự suy đồi đạo đức trong trường học.

Trường học, thánh đường của đạo đức, thế nhưng cũng tại đó, thầy giáo Nguyễn Việt Anh, một giáo viên dạy Toán- Tin tại trường THCS Thượng Hà 2, Bảo Yên, Lào Cai, đã hiếp dâm học sinh đến mang thai, dù không chối tội nhưng từ ngày vụ việc bị phanh phui cũng chỉ thấy thầy này có những hành động để khắc phục hậu quả, chứ dường như chưa thấy người này thực sự nhận thức hết được nguyên nhân và hậu quả về những hành vi sai trái của mình.

Chưa thấy người này một lần xin lỗi nạn nhân của mình, cũng chưa một lần thầy dành những lời thú tội với chính các em học sinh trong lớp, trong trường mình dạy vì hành vi đáng khinh bỉ của mình.

Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS cơ sở Thanh Sơn (Phú Thọ), có hành vi xâm hại tình dục học sinh.
Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS cơ sở Thanh Sơn (Phú Thọ), có hành vi xâm hại tình dục học sinh.

Thầy là người có chuyên môn giỏi, chưa từng vi phạm gì về kỷ luật… là những lời nhận định của đồng nghiệp. Đó cũng là những lời nhận xét về những người thầy từng bị phát hiện đã thực hiện các hành vi xâm phạm về thân thể học sinh. Từ Hiệu trưởng Đinh Bằng My, thầy giáo dạy tiểu học ở Bắc Giang, thầy giáo dạy mỹ thuật ở Bình Thuận, đến thầy giáo dạy tin học ở Lào Cai…

Không hiểu những người thầy này có vấn đề về tâm lý hay họ không được bồi dưỡng, giáo dục nhiều về các môn tâm lý, về đạo đức làm người mà có các hành vi như vậy.

Dù sau mỗi vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng cũng vào cuộc, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật nhưng có vẻ đó chỉ là những biện pháp để xử lý phần đuôi. Tại sao Ban Giám hiệu nhà trường, cán bộ quản lý địa phương lại cứ như không nghe không biết, để khi việc đã rồi thì mới vào cuộc. Có thể đặt câu hỏi, phải chăng những người này đã buông lỏng quản lý để xảy ra các vụ việc như thế này?

Nhiều phụ huynh thắt lòng và hoang mang, lo lắng khi phải chứng kiến những vụ việc đau lòng cứ liên tiếp xảy ra trong ngành giáo dục.

Danh sách thi cử gian lận ở Sơn La
Danh sách thi cử gian lận ở Sơn La

Không thể đổ lỗi cho giáo dục bởi mỗi năm học, cơ quan quản lý cao nhất của ngành đều có các văn bản chỉ đạo trường học nâng cao trình độ chuyên môn cũng như thường xuyên có các văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh đạo đức người thầy.

Kể cả vụ việc rúng động xã hội, hiệu trưởng dâm ô hàng chục nam sinh trong một thời gian dài ở Phú Thọ, Bộ trưởng GD&ĐT sau đó đã nói, vụ việc xảy ra ở Phú Thọ là một bài học rất sâu sắc để đẩy mạnh việc phòng ngừa từ gốc cho chính học sinh. Nếu không phòng ngừa từ gốc thì đến một lúc nào đó, sẽ có những vụ việc tương tự “bục” ra. Bộ GD&ĐT đã và sẽ tăng cường giáo dục giới tính và tâm lý lứa tuổi cho học sinh, nhất là học sinh ở trường dân tộc nội trú, hiểu biết được những kỹ năng căn bản để có thể phòng chống bị xâm hại.

Thế nhưng những gì xảy ra trong thực tế cho thấy hành động của Bộ chủ quản vẫn chưa tới được đích cần đến.

Nhìn sâu xa, có vẻ đây là hệ lụy của cả một quá trình đào tạo con người từ các trường sư phạm. Cố GS. Văn Như Cương, người thầy mẫu mực dành cả đời cho sự nghiệp giáo dục cũng từng chia sẻ, giáo dục nhân cách sau mới đến giáo dục tri thức, thế nên phải học làm người để từ đó mới quyết định học mọi thứ khác, “Ở các trường sư phạm chỉ chú trọng giáo dục về chuyên môn thôi, còn môn “Đạo đức làm thầy” hình như chưa được chú trọng lắm”.

Cũng từng có nhiều ý kiến cho rằng, làm thầy giáo phải có tấm lòng nhân văn, yêu thương học trò như con mình, nếu không thì mọi thứ đều vô nghĩa. Thế nhưng những gì đã và đang diễn ra cho thấy, đi đôi với các khẩu hiệu trong nhà trường cần phải có các biện pháp quản lý mạnh tay hơn, sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan quản lý. Thêm vào đó, phải nêu cao trách nhiệm của ngành giáo dục, của chính quyền địa phương thì mới có thể ngăn chặn việc tương tự xảy ra.

Viết đến đây những hình ảnh của các thầy cô giáo, những tấm gương nhà giáo tiêu biểu được tuyên dương trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 2018 lại hiển hiện trước mắt. Những người thầy này đã thực sự hy sinh cả cuộc đời mình dành cho sự nghiệp giáo dục.

Đó là những thầy cô giáo ở Trường PTDT bán trú Tiểu học An Lương huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, đã gùi hàng tấn lương thực, vượt cả chặng đường núi non cheo leo, hiểm trở gần 20km để mang đến sự yên tâm cho học trò vùng cao trong đầu năm học. Với những người thầy này, họ chỉ nghĩ đến một điều làm thế nào để các em học sinh thân yêu sẽ có cơm ăn, áo mặc trong năm học mới.

Hay thầy giáo Lưu Văn Hóa, một giáo viên cắm bản tại điểm trường Nóc Ông Ruộng thuộc trường Tiểu học Trà Vân, tỉnh Quảng Nam, cũng là một thầy giáo tiêu biểu cho sự hy sinh vì sự nghiệp giáo dục đào tạo. Thầy đã vì sự nghiệp đem con chữ tới vùng cao, dạy học cho các em nhỏ dân tộc Ca Dong mà quên đi hạnh phúc riêng của bản thân mình.

Những vụ việc xảy ra như vậy cho thấy khả năng học trò bị xâm hại ngay trong chính ngôi trường của mình có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mặc dù tới giờ vẫn chưa có báo cáo chính thức và đầy đủ về các sang chấn tâm lý mà các em học sinh phải gánh chịu bởi dường như chúng ta chưa quan tâm hoặc có một cơ quan nào đó đủ khả năng phân tích, đánh giá tác động và hậu quả xảy ra về mặt tâm lý đối với các em.

Thế nên, các cơ quan chức năng đừng chần chừ hơn nữa mà hãy vào cuộc ngay hôm nay, để bảo vệ những học trò vô tội, thế hệ tương lai của đất nước, để giáo dục thực sự là môi trường trong lành, bình an, công bằng cho trẻ.