Đánh giá Nokia 8.1 sau 1 tuần sử dụng

VietTimes – Mới đây, HMD đã tung ra thị trường quốc tế chiếc Nokia 8.1. Trước đó sản phẩm này đã được bán tại thị trường Trung Quốc dưới cái tên Nokia X7. Được bạn bè giới thiệu đây là một mẫu điện thoại tốt trong tầm giá. Tôi đã quyết định mua một chiếc và sau đây là những cảm nhận sau một tuần sử dụng Nokia 8.1.
Nokia 8.1 có nhiều ưu điểm trong thiết kế
Nokia 8.1 có nhiều ưu điểm trong thiết kế

Lan man một chút về các dòng sản phẩm của Nokia. Còn nhớ hồi đầu năm 2018, khi HMD tung ra chiếc Nokia 7 Plus, nó đã trở thành mẫu điện thoại tốt nhất trong phân khúc tầm trung. Nhưng do con chip Snapdragon 660 trong Nokia 7 Plus cũng đã tồn tại một thời gian trên thị trường, nên người tiêu dùng muốn có một mẫu smartphone với con chip đời mới hơn. Vì thế mà Nokia 8.1 (Nokia X7 ở Trung Quốc) đã ra đời để thay thế cho Nokia 7 Plus.

Nokia 8.1 cũng mang nhiều “gien trội” của đàn anh như thiết kế đẹp, chạy hệ điều hành Android gốc. Ngoài ra, nó còn được trang bị con chip tầm trung đời mới Snapdragon 710 thay vì 660, camera phía sau có chống rung quang học và hỗ trợ HDR 10.

Về thiết kế

Nokia 8.1 có một thiết kế đẹp hơn “tiền bối” Nokia 7 Plus. Mẫu điện thoại này được làm từ nhôm series 6000, các cạnh được cắt kim cương và bo tròn ở 4 góc. Một dải kim loại mạ crôm chạy dọc theo các cạnh nhìn rất “phê”.

Có điều, đối với những người ghét thiết kế tai thỏ thì Nokia 8.1 lại không phải là sự lựa chọn của họ. Tôi vẫn chưa hiểu tại sao các nhà sản xuất Android lại phải bắt chước thiết kế tai thỏ của iPhone X. Họ hoàn toàn có thể tạo ra một sản phẩm bán chạy mà không cần ăn theo iPhone. Tai thỏ với phần mấu đen “ăn” khá nhiều vào màn hình phía trên nhìn rất ngứa mắt. Tất nhiên, HMD cũng rất khôn khi cho người dùng tùy chọn ẩn tai thỏ.

Một ưu điểm trong thiết kế của Nokia 8.1 là các đường viền màn hình đã được làm mỏng lại, vì thế mặc dù màn hình có kích thước lớn hơn so với Nokia 7 Plus, nhưng kích thước tổng thể lại nhỏ (ngắn) hơn.

Nếu như Nokia 7 Plus chỉ có mặt lưng bằng nhựa thì Nokia 8.1 có hai mặt kính nhìn “ngon” hơn hẳn. Mặc dù có mặt lưng bằng kính nhưng Nokia 8.1 cầm lại nhẹ hơn so với Nokia 7 Plus. Đây là một ưu điểm trong thiết kế khi trọng lượng được phân phối rất hợp lý. Với kích thước 154,8 x 75,8 x 8 mm, cho phép cầm nắm thoải mái, và nó cũng chỉ nặng có 180g.

Phiên bản mà tôi mua có màu trắng ngà, nhưng trên thị trường còn có một phiên bản màu đen và đặc biệt là màu đỏ tía rất đẹp.

Nút nguồn và nút âm lượng được đặt ở bên cạnh phải. Các nút bấm này cho phản hồi rất tốt, nút bấm mềm không bị quá cứng. Ở trên đỉnh máy là giắc cắm tai nghe 3,5mm là ở cạnh đáy là cổng sạc USB-C và một loa.

Nhìn chung, Nokia 8.1 có thiết kế đẹp, hoàn thiện, chất lượng gia công tốt. Điểm trừ duy nhất ở thiết kế mà tôi không thích đó là cụm camera kép phía mặt lưng quá lồi, tới 1,5mm, lồi hơn nhiều so với Nokia 7 Plus. Sở dĩ nó lồi nhiều như vậy là do bên trong nó đặt cơ cấu chống rung quang học. Tất nhiên, khi để trong túi quần thì nó cũng không gây cảm giác khó chịu.

Camera sau của Nokia 8.1 nhô lên khá cao
Camera sau của Nokia 8.1 nhô lên khá cao

Về màn hình

Nokia 8.1 có màn hình 6,18 inch với độ phân giải Full HD+, tức là 2280 x 1080 pixel, với mật độ điểm ảnh là 408 ppi.

Mặc dù Nokia 8.1 chỉ được trang bị màn IPS LCD chứ không phải màn AMOLED, nhưng chất lượng hiển thị quả thực đáng kinh ngạc. Màu đen rất sâu, màu sắc rất tốt, độ tương phản tuyệt vời, kể cả khi bạn đem ra ngoài trời nắng gắt hay đổi góc nhìn thì màn hình hiển thị vẫn rất tốt. Nokia 8.1 là mẫu điện thoại thứ hai được áp dụng công nghệ màn hình PureDisplay. Người dùng có thể điều chỉnh nhiệt độ màu và độ tương phản theo ý thích. Ngoài ra điện thoại cũng có bộ lọc ánh sáng xanh và khả năng điều chỉnh tự động độ sáng dựa trên ánh sáng xung quanh.

Điều này có nghĩa là với một chiếc điện thoại ở phân khúc tầm trung như Nokia 8.1, với mức giá 7.900.000 đồng thì chẳng có điều gì để chê về màn hình này. Nếu ai đó quá khó tính thì có thể chê về tỷ lệ màn hình trên thân máy mà thôi, khi tỷ lệ này là 81%, do viền màn hình ở phía trên và dưới còn hơi dày, chưa thể so được với những mẫu điện thoại Android có viền màn hình mỏng nhất hiện nay như Galaxy S9 hay Vivo Nex S, Xiaomi Mi Mix 2 (đều có tỷ lệ màn hình trên thân máy là 93-94%).

Màn hình IPS LCD của Nokia 8.1 có màu sắc đẹp không thua kém gì màn AMOLED
Màn hình IPS LCD của Nokia 8.1 có màu sắc đẹp không thua kém gì màn AMOLED

Tôi có đọc đâu đó trên trang công nghệ nước ngoài nói rằng màn hình này có một nhược điểm là không bị phân cực. Tức là nếu bạn đeo kính râm, bạn sẽ không nhìn thấy bất cứ thứ gì trên màn hình. Với một mẫu điện thoại tầm trung thì cũng khó có thể đòi hỏi gì nhiều hơn.

Về cấu hình và hiệu suất

Trước khi nói về cấu hình làm nên sức mạnh của máy, tôi muốn nói một chút về chiếc loa ở cạnh dưới. Có thể nói đây là một trong những chiếc loa phát âm thanh to nhất trên điện thoại mà tôi từng nghe. Khi vặn âm lượng lên mức lớn nhất, tiếng cũng không bị méo.

Loa của Nokia 8.1 cho âm thanh rất to và rõ
Loa của Nokia 8.1 cho âm thanh rất to và rõ

Như đã đề cập ở phần trên, Nokia 8.1 được trang bị con chip Snapdragon 710 tầm trung đời mới. Con chip này khá “ngon” trong tầm tiền bởi nó có nhân tương tự như Snapdragon 845 đầu bảng, nhưng lại có mức giá mềm hơn. Nó giống như một biến thể của Snapdragon 845 – sử dụng cùng lõi nhưng ở các tần số khác nhau và cùng được chế tạo trên kiến trúc 10 nanomet. Cụ thể, chip 710 có 2 nhân hiệu năng cao Kryo 360 dựa trên Cortex A75 với xung nhịp 2,2 GHz và 6 nhân Kryo 360 dựa trên Cortex A55 với tốc độ lên tới 1,7 GHz.

Snapdragon 710 cũng có chip đồ họa Adreno 616. GPU này được quảng cáo là có hiệu suất tăng 35% so với Adreno 512 của chip Snapdragon 660 (có trong Nokia 7 Plus). Chíp đồ họa này “gánh” các game nặng khá tốt. Chỉ khi chơi với thời gian dài những game như PUBG thì mới có hiện tượng trễ, giật.

“Anh chàng” Nokia 8.1 này được cài sẵn 4GB RAM và một dung lượng lưu trữ đủ dùng 64GB. Tất nhiên, bạn cũng có thể mua một phiên bản cao cấp hơn với RAM 6GB và dung lượng lưu trữ 128GB. Nếu chưa thỏa mãn với khả năng lưu trữ, bạn có thể cắm thêm một thẻ microSD với dung lượng tối đa 400GB. Máy cũng hỗ trợ các chuẩn kết nối thông dụng như Wi-Fi ac, Bluetooth 5.0. Ngoài ra máy còn có bộ thu sóng FM cho phép bạn nghe VOV Giao thông khi bon bon trên đường!

Viên pin dung lượng 3500 mAh sẽ hơi đuối nếu bạn dùng điện thoại để chơi game. Nhưng tôi không phải là một tín đồ game, chỉ dùng điện thoại để liên lạc, lướt Facebook và thỉnh thoảng xem YouTube, nên dung lượng pin như vậy là đủ dùng cho một ngày.

Cảm biến vân tay đặt ở vị trí phía dưới cụm camera, nói chung là cũng dễ chạm ngón tay để mở khóa. Việc mở khóa bằng vân tay cũng khá nhạy, không có gì để phàn nàn.

Về phần mềm

Một ưu điểm của điện thoại Nokia nói chung là được cài đặt Android gốc, không có các phần mềm rác (bloatware). Do là Android gốc nên việc cập nhật lên các phiên bản hệ điều hành Android mới nhất là rất dễ dàng.

Nokia 8.1 được cài sẵn Android Pie 9.0, phiên bản mà nhiều flaship khác trên thị trường chưa có.

Nếu đã từng sử dụng Android One thì bạn sẽ không xa lạ gì với độ mượt khi sử dụng điện thoại. Tuy nhiên, nếu bạn đang dùng điện thoại có cài đặt Android Oreo thì bạn sẽ phải làm quen với một số thao tác cử chỉ mới trên Android Pie.

Chẳng hạn bạn sẽ vuốt từ dưới cùng của màn hình lên để truy cập vào thanh tổng quan các ứng dụng. Có một thanh trượt cho phép bạn chuyển qua lại giữa các ứng dụng đã mở gần đây. Nếu bạn vuốt 2 lần thì sẽ truy cập được vào danh sách các ứng dụng trong máy. Thực tế thì tôi không hài lòng lắm khi phải vuốt 2 lần mới có thể truy cập được danh sách các ứng dụng, trong khi điện thoại của Samsung chỉ cần vuốt 1 lần.

Máy có chế độ nền tối để lướt web và sử dụng điện thoại vào ban đêm cho đỡ hại mắt, nhưng tôi cũng không mấy khi dùng. Viên pin trong máy cũng khá ổn, đủ cho một ngày làm việc nên tôi cũng không cần bật chế độ tiết kiệm pin.

Xét về tổng thể, Nokia 8.1 chạy các ứng dụng rất mượt, ngang ngửa điện thoại dùng chip Snapdragon 845.

Máy ảnh

Đây chính là phần thú vị nhất của Nokia 8.1. Tôi rất thích những tấm ảnh được chụp trên máy. Cụm camera kép vẫn giữ nguyên độ phân giải 12MP và 13MP như Nokia 7 Plus, nhưng chụp “ngon” hơn nhiều nhờ những cải tiến mới, chẳng hạn như hệ thống chống rung quang học, AI nhận biết đối tượng và một cảm biến phụ cung cấp thông tin độ sâu cho ảnh chụp chân dung.

Đánh giá một camera có tốt không, theo tôi cứ cho vào chỗ tối mà chụp. Ảnh lên rõ đối tượng là camera tốt. Tôi đã thử chụp vài tấm ảnh trong điều kiện thiếu sáng và các bạn có thể thấy ảnh của Nokia 8.1 còn ấn tượng hơn cả Galaxy Note 8. (các bạn xem ảnh trong phần Box so sánh). Không rõ là do thuật toán xử lý của Nokia 8.1 tốt, hay là do Nokia dùng thấu kính xịn của Carl Zeiss.

Điện thoại có chế độ Pro cho phép tôi điều chỉnh các thông số như máy ảnh DSRL: cân bằng trắng, tốc độ màn trập, phơi sáng và chế độ ấy nét. Điện thoại cũng có chế độ chụp và quay Bothie, tức là dùng cả camera trước và sau để chụp ảnh.

Chế độ Bothie trên Nokia 8.1 cho phép chụp và quay đồng thời cả camera trước và camera sau
Chế độ Bothie trên Nokia 8.1 cho phép chụp và quay đồng thời cả camera trước và camera sau

Ảnh chân dung của Nokia 8.1 cũng rất đẹp nhờ cảm biến đo chiều sâu. Tuy nhiên, AI của máy (tính năng scene detection) thì hoạt động chưa tốt lắm. Đôi lúc nó nhận diện sai đối tượng nên bức ảnh được điều chỉnh màu sắc một cách sai lệch.       

AI của máy nhận diện đối tượng chụp là cây cối với biểu tượng cái cây trên màn hình chụp
AI của máy nhận diện đối tượng chụp là cây cối với biểu tượng cái cây trên màn hình chụp

Một số thiếu hụt

Với mức giá 7.990.000 đồng, khoảng 400 USD trên thị trường quốc tế, Nokia 8.1 có các đối thủ trong cùng phân khúc như Poco Phone F1, Vivo V11, Honor 10, One Plus 6T, Bphone 3 và Vsmart Active 1+. Điều làm nên sự khác biệt của Nokia 8.1 là hệ điều hành Android gốc, không chứa phần mềm rác, cập nhật nhanh các phiên bản tiếp theo.

Tuy nhiên Nokia 8.1 không có tính năng mở khóa bằng khuôn mặt, không có khả năng chống nước và sạc không dây. Nhưng đa phần các thiết bị khác trong phân khúc này (trừ Bphone 3) cũng không có các tính năng này.

Về chế độ âm thanh khi quay, Nokia 8.1 cũng bỏ đi tính năng chọn micro phía trước hay phía sau (tính năng có trên Nokia 7 Plus) mà đặt thành thu âm tổng thể.

Tóm lại

Sau 1 tuần sử dụng, tôi thấy Nokia 8.1 rất đáng mua. Chỉ có giá khoảng 8 triệu đồng mà chạy mượt mà, thiết kế đẹp với 2 mặt kính, thời lượng pin tốt, chụp ảnh đôi lúc đẹp hơn Note 8. Điểm trừ của nó chỉ là không chống nước và tai thỏ, camera phía sau hơi lồi.

Nếu chấm điểm, tôi sẽ cho Nokia 8.1 điểm 8,5/10. 

Một số tấm ảnh mà tôi chụp từ Nokia 8.1

 
 So sánh một số ảnh chụp giữa Nokia 8.1 và Note 8
Đánh giá Nokia 8.1 sau 1 tuần sử dụng ảnh 33 Đánh giá Nokia 8.1 sau 1 tuần sử dụng ảnh 34
Ảnh chụp từ Nokia 8.1 (bên trái) và Note 8 (bên phải)
Đánh giá Nokia 8.1 sau 1 tuần sử dụng ảnh 35 Đánh giá Nokia 8.1 sau 1 tuần sử dụng ảnh 36
Nokia 8.1 (trái) và Note 8 (phải)
Đánh giá Nokia 8.1 sau 1 tuần sử dụng ảnh 37 Đánh giá Nokia 8.1 sau 1 tuần sử dụng ảnh 38
Nokia 8.1 (trái) và Note 8 (phải)