Đăng ký đại chúng, Masan MEATLife bám sát kế hoạch lên sàn

VietTimes -- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa công bố thông tin về việc đăng ký công ty đại chúng của CTCP Masan MEATLife (MML), với quy mô vốn điều lệ (tại ngày 29/8/2019) là 3.243,27 tỷ đồng, tương đương 324,3 triệu cổ phiếu MML.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo tính toán, nếu giữ nguyên quy mô vốn điều lệ này khi lên sàn UPCOM (dự kiến vào tháng 12/2019) với mức giá 90.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của CTCP Masan MEATLife (MML) khi chào sàn sẽ đạt mức 1,3 tỷ USD. Qua đó, công ty con của Tập đoàn Masan (MSN) sẽ lọt vào tốp 5 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) có vốn hóa lớn niêm yết trên sàn.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại MML tại ngày 29/8/2019 là 13,8%, bao gồm 8 cổ đông là: VN Consumer Meat II Pte. Ltd (7,141%); PENM IV Germany GMBH & CO. KG (0,8%); Yew Kean Lai (5,486%); Ernest Vijyakumar Richards (0,036%); Cheong Yew Hoong (0,018%); Lee Meng Hong (0,296%); Wee Poh Lai (0,002%) và Stefan Henn (0,021%).

Bước sang Quý 3/2019, cơ cấu cổ đông của MML có nhiều biến động với những giao dịch đáng chú ý.

Trong đó, MSN và ông Yew Kean Lai đăng ký bán ra gần 19,5 triệu cổ phiếu, nhằm tăng tỷ lệ free-float của MML lên mức 20%.

Bên cạnh đó, MML cũng xin ý kiến cổ đông về việc phát hành riêng lẻ tối đa 9,99% số cổ phần đang lưu hành của công ty, với mức giá phát hành trên 90.000 đồng/cổ phần. Dự kiến, MML sẽ thu về hơn 2.900 tỷ đồng từ thương vụ này.

Kể từ sau khi đổi tên từ Masan Nutri-science thành Masan MEATLife, công ty này cũng chuyển hướng từ lĩnh vực nông nghiệp sang kinh doanh các sản phẩm thịt có thương hiệu, trong đó nổi bật là sản phẩm thịt mát. Đây là lĩnh vực mà MSN đặt nhiều kỳ vọng sẽ trở thành một trụ cột phát triển của tập đoàn trong thời gian tới.

Trong báo cáo tiền niêm yết về MML phát hành ngày 29/10/2019, CTCP Chứng khoán VNDirect cho biết thị trường thịt Việt Nam ước tính có giá trị 272 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 10 tỷ USD, với giá trị thị heo tiêu thụ chiếm khoảng 62%. Thị trường thịt lợn vẫn đang ở trong tình trạng thô sơ với 99% sản lượng được tiêu thụ là thịt ấm.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng cho biết MML sẽ phải đổi mặt với nhiều rủi ro như: (1) Tăng trưởng tiêu thụ thịt mát ở Việt Nam thấp hơn so với kỳ vọng, (2) bệnh dịch trên lợn bùng phát trên diện rộng, (3) tốc độ mở điểm bán mới của MML thấp hơn kỳ vọng.

Kế hoạch gia tăng điểm bán của MML (Nguồn: MSN)
Kế hoạch gia tăng điểm bán của MML (Nguồn: MSN)

Giai đoạn 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của Masan MEATLife đạt mức 10.104 tỷ đồng, tăng 0,7% so với 9 tháng đầu năm 2018. Đáng chú ý, kết quả kinh doanh này chưa bao gồm doanh thu thịt và sẽ bắt đầu được ghi nhận từ Quý 4/2019 trở đi.

Tính đến tháng 10/2019, MML đã cho ra mắt 320 điểm bán có hệ thống bảo quản lạnh tại Hà Nội và Tp. HCM, so với 116 điểm vào cuối Quý 2/2019. Công ty này lên kế hoạch nâng số điểm bán lên ít nhất 550  điểm vào tháng 12/2019. 

Ban điều hành công ty dự kiến doanh thu thuần của mảng thịt trong tháng 12 năm 2019 đạt 100 tỷ đồng, tương ứng với doanh thu thuần cả năm là 1.200 tỷ đồng.

Trong thông cáo phát đi về kết quả kinh doanh của cả tập đoàn, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị MSN - cho biết tập đoàn này đang tiến đến vạch đích của năm 2019 và những mảnh ghép chiến lược sẽ dẫn trở nên rõ ràng vào cuối năm. Tập đoàn sẽ tập trung nguồn lực để tạo ra các giá trị mạnh mẽ trong trung hạn thay vì theo đuổi các giá trị ngắn hạn hàng quý./.