Đàm phán Trung – Mỹ đình trệ bởi “khúc xương” Huawei

VietTimes -- Đã hơn nửa tháng sau cuộc hội đàm Donald Trump – Tập Cận Bình tại Osaka, Nhật Bản, mặc dù những nhà lãnh đạo đoàn đàm phán của Trung Quốc và Mỹ đã tiến hành liên lạc điện thoại với nhau, họ vẫn chưa xác định được thời gian cho một cuộc gặp mặt nhau. Hiện nay khi mà chính phủ của ông Donald Trump vẫn đang cân nhắc xử lý như thế nào trước yêu cầu “cởi trói” cho công ty Huawei của phía Trung Quốc thì cuộc đàm phán thương mại đã bị lâm vào tình trạng đình trệ.
Sau hơn nửa tháng kể từ sau khi kết thúc cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình tại Osaka, cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung vẫn không tái khởi động được vì vấn đề Huawei
Sau hơn nửa tháng kể từ sau khi kết thúc cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình tại Osaka, cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung vẫn không tái khởi động được vì vấn đề Huawei

The Wall Strett Journal ngày 18/7 dẫn lời nguồn tin này tiết lộ: Trung Quốc yêu cầu trước khi đưa ra bất kỳ cam kết nào, cũng cần xem xét các biện pháp thiết thực mà Washington nới lỏng có giới hạn đối với nhà cung cấp thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Nhật Bản vào tháng 6 và đồng ý nối lại đàm phán, hai bên đã không tổ chức các cuộc gặp mặt trực tiếp và cũng chưa có sự sắp xếp các cuộc gặp. Khi đó, ông Trump nói rằng Mỹ sẽ cho phép một số lượng hạn chế các công ty Mỹ bán sản phẩm cho Huawei.

Tuy nhiên, bản tin dẫn lời những người thông thạo về vấn đề này nói rằng các quan chức chính phủ Mỹ hiện vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về việc những chip bán dẫn và các sản phẩm khác nào có thể được cung cấp cho Huawei mà không gây nên lo ngại về an ninh đối với Mỹ hoặc mang lại lợi thế chiến lược cho Huawei.

Tương lai một cuộc đàm phán mới giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn trở nên mờ mịt
Tương lai một cuộc đàm phán mới giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn trở nên mờ mịt

Ông Peter Navarro, Cố vấn thương mại của Nhà Trắng, hôm 17/7 nói với CNBC rằng việc bán sẽ giới hạn doanh số hàng năm dưới 1 tỷ đô la, trong khi doanh số tiền mua sản phẩm năm 2018 của Huawei từ các công ty Mỹ là 11 tỷ đô la. Ngoài ra, mặc dù các nhà đàm phán thương mại hai bên Trung - Mỹ tuần trước đã điện thoại cho nhau nói về kế hoạch tiếp theo,nhưng các quan chức sau đó đã không đề cập đến bất kỳ tiến triển nào.

Theo những người thạo tin, mặc dù dự kiến sẽ có một cuộc gọi khác trong tuần này, nhưng Bắc Kinh trước khi đưa ra cam kết sẽ xem xét hành động mà Mỹ đã thực hiện đối với Huawei. Vì vậy, các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ đang ở trong tình trạng trì trệ.

Ông Vương Huy Diệu (Wang Huiyao), người sáng lập và giám đốc của Center for China and Globalization (Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa) có trụ sở tại Bắc Kinh, nói rằng: “Vấn đề Huawei rõ ràng đã làm thay đổi tính chất của sự việc và mọi thứ sẽ không tiến triển nhanh như phía Mỹ hy vọng”.

Lần đầu tiên kể từ sau cuộc gặp gỡ với ông Tập Cận Bình ở Osaka, ông Donald Trump lại đe dọa sẽ đánh thuế đối với 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc
Lần đầu tiên kể từ sau cuộc gặp gỡ với ông Tập Cận Bình ở Osaka, ông Donald Trump lại đe dọa sẽ đánh thuế đối với 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc 

Mặt khác, bài báo của The Wall Strett Journal đã dẫn lời một người biết về cuộc trao đổi điện thoại giữa quan chức hai bên lần trước, nói rằng: trong cuộc gọi, phía Mỹ đã cố gắng làm rõ xem các quan chức Trung Quốc có muốn sử dụng bản dự thảo thỏa thuận trước đó làm cơ sở cho các cuộc đàm phán trong tương lai hay không. Trên thực tế, Trung Quốc và Mỹ dường như đã chấp nhận thực tế rằng họ phải “trì cửu chiến” - chiến đấu với nhau trong một cuộc chiến dài hạn.

Ngày 16/7, ông Trump cảnh báo tại một cuộc họp nội các rằng vẫn phải đi một chặng đường rất dài mới đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và lại đe dọa sẽ áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 325 tỷ đô la còn lại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 16/7 cũng nói rằng nếu Mỹ áp dụng thuế quan mới, chắc chắn sẽ tạo ra trở ngại cho các cuộc thương thuyết song phương, sẽ chỉ khiến con đường đạt được thỏa thuận càng dài hơn.

Ông Trump và một số quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ cũng đã công khai nói rằng Trung Quốc đồng ý sẽ sớm mua một lượng lớn nông sản của Mỹ, điều này sẽ giảm bớt một phần tác động của thuế quan trả đũa của Trung Quốc đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Nhưng Trung Quốc hiện chưa xác nhận bất kỳ cam kết nào như vậy.

Điều khiến ông Trump thất vọng nhất là cho đến nay Trung Quốc vẫn không mua số lượng lớn nông sản Mỹ như đã cam kết
Điều khiến ông Trump thất vọng nhất là cho đến nay Trung Quốc vẫn không mua số lượng lớn nông sản Mỹ như đã cam kết

Trang tin độc lập Đa Chiều viết, điều khiến chính phủ Donald Trump thất vọng nhất là cho đến nay Trung Quốc vẫn không mua số lượng lớn nông sản Mỹ. Trong cuộc bầu cử năm 2016, nông dân Mỹ đã giành cho ông Trump sự ủng hộ rất lớn và trong cuộc chiến mậu dịch họ cũng là những người bị thiệt hại nặng nhất. Số liệu thống kê cho thấy Trung Quốc luôn là khách mua quan trọng các nông sản Mỹ, nhưng do chiến tranh thương mại, lượng nông sản xuất sang Trung Quốc năm 2018 đã bị giảm mạnh. Khi mà cuộc bầu cử năm 2020 đã cận kề, ông Trump rất muốn giữ ổn định hậu phương. Ngày 11/7, ông Trump bày tỏ thất vọng về Trung Quốc; ngày 15/7 ông lại nói quan hệ giữa ông với Tập Cận Bình không còn tốt đẹp như trước nữa; ngày 16/7 ông lại đe dọa đánh thuế, nói: “Nếu muốn, chúng ta có thể đánh thuế đối với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 325 tỷ USD”. Đây là lần đầu tiên ông Trump nhắc đến chuyện đánh thuế tiếp.

Đáp lại sự đe dọa của ông Trump, ngày 17/7 tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao  Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Phía Mỹ đe dọa đánh thuế mới với 325 tỷ đô la (hàng hóa). Trước đây chúng tôi đã nhiều lần nói rõ lập trường của Trung Quốc kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình. Tôi không nhắc lại nữa; nhưng tôi muốn nói nếu phía Mỹ tiếp tục đánh thuế mới, rõ ràng sẽ gây trở ngại mới cho cuộc đàm phán mậu dịch song phương, chỉ làm cho con đường dẫn đến một hiệp nghị mậu dịch Trung – Mỹ càng trở nên xa vời”.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trung Sơn: chính phủ Trung Quốc cần có thái độ kiên quyết hơn với Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trung Sơn: chính phủ Trung Quốc cần có thái độ kiên quyết hơn với Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại

Ngoài ra, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trung Sơn (Zhong Shan) trong mấy tuần gần đây đã đóng một vai trò quan trọng hơn trong các cuộc đàm phán. Trung Sơn được thế giới bên ngoài coi là một quan chức có lập trường khá cứng rắn. Trong một bài báo được đăng tải trên các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc, Trung Sơn nói rằng chính phủ Trung Quốc cần có thái độ kiên quyết trong các cuộc đàm phán thương mại.

Hôm 15/7, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Nhân dân Nhật báo, Trung Sơn chỉ trích Mỹ “gây nên va chạm mậu dịch, vi phạm nguyên tắc của WTO,là điển hình của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ, Trung Quốc cần phát huy tinh thần đấu tranh, kiên quyết bảo vệ lợi ích của quốc gia và nhân dân, kiên quyết bảo vệ thể chế mậu dịch đa phương”.

Là một thành viên mới được tham gia đoàn đàm phán mậu dịch với Mỹ, phát biểu này của Trung Sơn được cho là thể hiện Trung Quốc không nóng vội đạt được một thỏa thuận mậu dịch với Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross: đàm phán với Trung Quốc không phải là quá trình diễn ra trong vòng 10 phút, mà sẽ là lâu dài
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross: đàm phán với Trung Quốc không phải là quá trình diễn ra trong vòng 10 phút, mà sẽ là lâu dài

Ngoài ra, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross trong cuộc phỏng vấn với hãng Fox News hôm 17/7 đã nói: “Cuộc đàm phán không phải chỉ diễn ra trong vòng 10 phút, mà sẽ là một quá trình lâu dài”. Ông cũng cho rằng Mỹ và Trung Quốc vẫn cần nỗ lực để giải quyết các vấn đề lớn như trộm cắp tài sản trí tuệ, cải cách cơ cấu và trợ cấp công nghiệp thì mới đạt được bất kỳ hiệp nghị thương mại nào.

Ông Wilbur Ross nói: “Có một vấn đề khác, từ góc độ nào đó còn  lớn hơn, đó là, nếu họ vi phạm thỏa thuận, thì Mỹ có khả năng thực thi thế nào”. Ông nói thêm: “Đây là một quá trình lâu dài và phức tạp”.