Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 8/8 dẫn tin của cơ quan truyền thông Ấn Độ Times Now ngày 7/8, tướng Manoj Naravane đã tiến hành chuyến thăm, kiểm tra hai ngày đối với các vị trí tiền duyên dọc theo đường kiểm soát thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại bang Arunachal Pradesh tranh chấp (Trung Quốc gọi là “Tạng Nam”) hiện nằm dưới sự kiểm soát của Ấn Độ.
Khi kết thúc đợt kiểm tra vào ngày 7/8, ông Naravane đã yêu cầu các chỉ huy chiến trường của Ấn Độ chuẩn bị cho mọi trường hợp bất trắc có thể xảy ra và duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
Tin cho biết, kể từ khi cuộc đàm phán về cách ly quân đội ở các điểm nóng biên giới Trung Quốc-Ấn Độ gặp trở ngại, các hành động hạ mức căng thẳng ở Tuyến kiểm soát thực tế giữa hai bên đã bị đình trệ.
Vào đầu tuần này, Ấn Độ nói với phía Trung Quốc rằng quân đội Ấn Độ sẽ không triệt thoái vì PLA cũng không rút lui. Trung Quốc cho đến nay vẫn từ chối rút quân khỏi khu vực bờ phía bắc hồ Pangong, nơi phía Ấn Độ tố cáo quân đội Trung Quốc đã lấn sang khoảng 8 km so với Tuyến kiểm soát thực tế (LAC).
Ông Manoj Naravane thăm các binh sĩ tại các vị trí tiền tiêu ở biên giới với Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều).
|
Tờ Hindustan Times ngày 7/8 đưa tin rằng PLA đã mưu đồ đàm phán về một hiện trạng mới ở biên giới Trung-Ấn, nhưng không thành công.
Ấn Độ đã không chỉ một lần nói với Trung Quốc rằng việc quân đội Trung Quốc rút về vị trí của họ tại điểm tranh chấp ở phía đông Ladakh trước ngày 20/4 là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ song phương. Nhưng Trung Quốc đã không chịu lui quân. Trong cuộc đàm phán cấp quân đoàn lần thứ 5 được tổ chức hôm 2/8 tại phần đất bên phía Trung Quốc của LAC, hai bên đã bất đồng nghiêm trọng về khu vực “Finger Area” gần hồ Pangong. Phía Ấn Độ nói “lập trường của Trung Quốc rất cứng rắn; việc phá vỡ tình trạng bế tắc có lẽ phải cần sự can thiệp ngoại giao “.
Trang Hindustan Times ngày 3/8 đưa tin, quan chức Ấn Độ nói, Finger Area đã trở thành điểm bế tắc nhất trong quá trình cách ly quân đội hai bên, không thể giải quyết ngay được. PLA kiên quyết không chịu rút khỏi khu vực mà họ đã sang đóng giữ sau ngày 20/4 mà New Dehli nói là thuộc lãnh thổ của Ấn Độ. Ba ngày trước khi diễn ra vòng đàm phán thứ 5 này, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Tôn Vệ Đông đã nói “biên giới truyền thống của Trung Quốc ở Bắc hồ Pangong trùng với Tuyến kiểm soát thực tế (LAC), không có chuyện Trung Quốc chủ trương mở rộng lãnh thổ”.
Một chỉ huy quân đội Ấn Độ tiết lộ rằng trong cuộc đàm phán giữa các chỉ huy quân sự của hai bên, PLA đã cố gắng thuyết phục phía Ấn Độ chấp nhận hiện trạng mới.
Hình ảnh vệ tinh của Mỹ cho thấy Trung Quốc đã triển khai nhiều máy bay ném bom tầm xa H-6K tới sân bay ở Kashgar cách khu vực Ladakh đang tranh chấp tại biên giới Trung-Ấn khoảng 800 km (Ảnh: Đông Phương).
|
Vị sĩ quan cấp cao của quân đội Ấn Độ cho biết, PLA hy vọng rằng Ấn Độ rút khỏi các vị trí truyền thống có ưu thế của họ, trước khi PLA rút khỏi các vị trí phía Trung Quốc mới chiếm đóng từ tháng 4 đến tháng 5.
PLA hy vọng rằng quân đội Ấn Độ sẽ chấp nhận hiện trạng mới ở khu vực Gogra và gắn với việc rút từ Finger 4 đến Finger 8 ở hồ Pangong.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 4/8 rằng với tư cách là hai quốc gia đang phát triển lớn nhất và các nền kinh tế mới nổi, việc Trung Quốc và Ấn Độ tăng cường đoàn kết và hợp tác sẽ không chỉ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của hai nước mà còn sẽ bổ sung sự ổn định và năng lượng tích cực cho hòa bình và thịnh vượng của thế giới. Hai bên cần luôn đặt vấn đề biên giới ở vị trí thích hợp trong quan hệ song phương để ngăn chặn sự bất đồng phát triển thành tranh chấp. Ông hy vọng phía Ấn Độ sẽ đi cùng hướng với phía Trung Quốc và có những hành động thực tế để cùng nhau giữ gìn đại cục tình của quan hệ song phương.
Trong khi đó, theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 8/8, sau các thông tin trước đó về việc Ấn Độ đã điều thêm binh sĩ và xe tăng tới khu vực biên giới, truyền thông Mỹ gần đây đăng tải các bức ảnh vệ tinh cho thấy nhiều máy bay ném bom của PLA đã xuất hiện tại sân bay Kashgar ở Tân Cương.
Thông tin nói không rõ từ khi nào nhiều chiếc H-6K đã được đưa đến khu vực này, nhưng theo ngày tháng hiển thị trên các bức ảnh vệ tinh, người ta cho rằng sớm nhất là vào tháng 7 năm nay. Ngoài máy bay ném bom, các bức ảnh vệ tinh cũng cho thấy máy bay chiến đấu F-16 đang đậu trong sân bay. Tin cho rằng không khí loãng trên cao nguyên sẽ làm giảm sức nâng của máy bay, máy bay phải giảm lượng nhiên liệu và vũ khí mang theo, do đó làm giảm tầm bắn và sức tấn công. Theo suy đoán, PLA bố trí các máy bay ném bom tầm xa này ở Kashgar cách khu vực Ladakh tại biên giới Trung-Ấn khoảng 800 km sẽ giúp tăng cường khả năng không chiến của Trung Quốc.
App trình duyệt của điện thoại Xiaomi sẽ bị Trung Quốc cấm sử dụng tại Ấn Độ (Ảnh: Đông Phương).
|
Bị ảnh hưởng bởi quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Hiệp hội Cricket Ấn Độ đã quyết định chia tay nhà tài trợ chính là công ty Ấn Độ của thương hiệu điện thoại di động Trung Quốc Vivo. Hai bên đã đạt được thỏa thuận rằng Vivo sẽ tạm ngừng tài trợ cho giải Super Cricket League địa phương, nhưng hai bên bảo lưu khả năng đàm phán lại việc tài trợ vào năm tới. Vivo đã ký hợp đồng tài trợ 5 năm với Hiệp hội Cricket Ấn Độ lên tới 330 triệu đô la Mỹ vào năm 2017.
Cũng theo Đông Phương ngày 6/8, tiếp sau việc tuyên bố cấm 59 ứng dụng di động Trung Quốc hồi tháng 6, mới đây Ấn Độ tiếp tục cấm thêm 47 ứng dụng nữa. Ngoài hai App Baidu và Weibo, trong danh sách ứng dụng bị cấm còn có trình duyệt của điện thoại Xiaomi. Số liệu của công ty nghiên cứu công nghệ Counterpoint Hồng Kông cho biết, điện thoại Xiaomi có lượng tiêu thụ đứng đầu ở Ấn Độ với gần 90 triệu người dùng. Với việc Ấn Độ cấm ứng dụng trình duyệt, điều đó có nghĩa là Xiaomi sẽ không được phép cài đặt trình duyệt trên điện thoại. Như thế, Xiaomi sẽ mất đi vị trí hiện nay trên thị trường Ấn Độ.