Đàm phán cấp quân đoàn vòng 4 biên giới Trung - Ấn: hai bên thông báo kết quả khác nhau

VietTimes – Giới chỉ huy cấp cao quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã gặp nhau ngày 14/7 để đàm phán về tình hình biên giới. Phía Trung Quốc nhấn mạnh đã đạt tiến bộ tích cực, nhưng Ấn Độ lại khẳng định tình hình vẫn phức tạp do Trung Quốc không chịu nhượng bộ.
Ảnh vệ tinh chụp diểmđối đầu tại Thung lũng Galwan ngày 28/6 (trái) và ngày 6/7 (phải) cho thấy quân đội hai bên đã rút lui về phía sau, thực hiện cách ly tiếp xúc (Ảnh: AP)
Ảnh vệ tinh chụp diểmđối đầu tại Thung lũng Galwan ngày 28/6 (trái) và ngày 6/7 (phải) cho thấy quân đội hai bên đã rút lui về phía sau, thực hiện cách ly tiếp xúc (Ảnh: AP)

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 16/7, Liễu Lâm, Thiếu tướng Tư lệnh Quân khu Nam Cương của Trung Quốc và Harinder Singh, Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 14 Ấn Độ, đã gặp nhau ở Chusul, Ấn Độ. Đây là cuộc đàm phán thứ tư cấp quân đoàn giữa quân đội hai bên tại biên giới.

Trước đó đã có báo cáo rằng các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Ấn Độ đã triển khai ít nhất 45.000 binh sĩ và pháo binh, xe tăng, tên lửa, máy bay chiến đấu và các vũ khí khác ở hai bên của tuyến kiểm soát thực tế (LAC) dài 826 km ở Ladakh.

Liên quan đến cuộc đàm phán vòng 4 này, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một cuộc họp báo vào ngày 15/7: vào ngày 14/7, lực lượng phòng thủ biên giới Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức vòng đàm phán cấp quân đoàn lần thứ 4. Trên cơ sở thực hiện sự đồng thuận đạt được trong ba vòng đàm phán cấp quân đoàn đầu tiên, hai bên đã có những tiến bộ tích cực trong việc thúc đẩy sự cách ly tiếp xúc hơn nữa quân đội ở tiền tuyến khu vực đoạn phía tây biên giới và làm dịu tình hình biên giới. Hy vọng rằng phía Ấn Độ đi cùng một hướng với phía Trung Quốc, bằng các hành động thiết thực thực hiện sự đồng thuận mà cả hai bên đạt được và cùng nhau bảo vệ hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới.

Quân đội Trung Quốc vẫn không rút khỏi khu vực mà Ấn Độ cho là của Ấn ở hồ Pangong (Ảnh: Đa Chiều).
Quân đội Trung Quốc vẫn không rút khỏi khu vực mà Ấn Độ cho là của Ấn ở hồ Pangong (Ảnh: Đa Chiều).

Theo Đa Chiều, tình hình ở biên giới Trung-Ấn gần đây đã được hạ nhiệt. Hai lực lượng vũ trang đã cách ly tiếp xúc tại một số điểm đối đầu ở Thung lũng Galwan, nhưng tại khu vực hồ Pangong vẫn bế tắc.

Truyền thông Ấn Độ India Today ngày 15/7 đưa tin, sau cuộc họp kéo dài tới 14 giờ giữa các chỉ huy quân sự Ấn Độ và Trung Quốc, các nguồn tin nói rằng mặc dù quân đội Trung Quốc trong khi hội đàm có vẻ mềm mỏng, nhưng Bắc Kinh "dường như không sẵn sàng rút khỏi khu vực hồ Pangong vì họ lo rằng Quân đội Ấn Độ sẽ lợi dụng các điểm tuần tra số 17 và số 17A nằm trong khu vực Hot Springs để đạt được lợi thế chiến thuật.

Nguồn tin cho biết, trong cuộc gặp, phía Ấn Độ đã nói thẳng với phía Trung Quốc: nếu hai bên không thể rút quân hoàn toàn và trở lại trạng thái trước cuối tháng 4, thì Ấn Độ sẽ không chấp nhận mọi tình hình khác.

Tuyên bố nói rằng việc hai bên tiếp xúc phù hợp với đồng thuận của hai Đại diện đặc biệt Ấn Độ và Trung Quốc về vấn đề hoàn toàn cách ly tiếp xúc quân đội hai bên đạt được ngày 5 tháng 7. Các chỉ huy cao cấp đã xem xét tình hình thực hiện cách ly tiếp xúc quân đội hai bên trong giai đoạn đầu tiên và thảo luận về các bước tiếp theo để đảm bảo sự cách ly hoàn toàn.

Tuyên bố nhấn mạnh, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn cần gắng sức để thực hiện mục tiêu cách ly tiếp xúc hoàn toàn quân đội ở những điểm đối đầu, nhưng cũng chỉ ra rằng quá trình này rất phức tạp và cần phải kiểm tra liên tục. Họ sẽ thúc đẩy tiến trình này thông qua các cuộc gặp gỡ ngoại giao và quân sự định kỳ.

Truyền thông Ấn Độ đã tiết lộ sự khác biệt trong đàm phán. Đây là cuộc gặp mặt lần thứ tư cấp quân đoàn giữa hai bên kể từ khi tình hình căng thẳng ở biên giới Trung-Ấn leo thang. Trước đây họ đã tổ chức các cuộc họp vào ngày 6/6, ngày 22/6 và ngày 30 tháng 6, mục đích là để làm dịu tình hình biên giới.

Cuộc đàm phán lần thứ 4 ngày 14/7 kéo dài gần 15 giờ, từ 11h30 sáng giờ địa phương ngày 14/7 đến 2h00 sáng ngày 15/7. Tuy nhiên, theo Times of India ngày 15/7, mặc dù Trung Quốc đã thể hiện sự linh hoạt trong các đàm phán với Ấn Độ, nhưng Bắc Kinh dường như không muốn rút quân hoàn toàn khỏi khu vực “ngón tay” (Finger area) của hồ Pangong, hy vọng giữ lại một số quân ở đó.

Quân đội Trung Quốc tập trận trên cao nguyên Tây Tạng gần biên giới Trung - Ấn (Ảnh: Đa Chiều).
Quân đội Trung Quốc tập trận trên cao nguyên Tây Tạng gần biên giới Trung - Ấn (Ảnh: Đa Chiều).

Tuy nhiên, phía Ấn Độ đã nói rõ rằng quân hai bên phải quay trở lại các điểm đồn trú lâu dài hồi giữa tháng 4 và tháng 5 và sẽ không chấp nhận bất kỳ tình huống nào khác. India Today cũng đã đưa tin vào ngày 16/7 rằng, quân đội Ấn Độ đã gửi một thông điệp "rất rõ ràng" cho quân đội Trung Quốc là phải khôi phục nguyên trạng ban đầu ở khu vực Ladakh.

Indian Express ngày 16/7 nói rằng các nguồn tin cho biết Trung Quốc và Ấn Độ đã tạo ra một số bước đột phá trong cuộc đối đầu ở hồ Pangong. Một quan chức cấp cao của cơ quan an ninh Ấn Độ nói với India Express vào ngày 15 rằng trước đó, Trung Quốc thậm chí không chuẩn bị để thảo luận về vấn đề hồ Pangong. Bây giờ hai bên đã đồng ý thảo luận về vấn đề này, không chỉ điểm Finger 4 mà cả Finger 8.

 Tuy nhiên Times of India ngày 15/7 đưa tin, tại cuộc đàm phán ngày 14/7, Ấn Độ và Trung Quốc đã thảo luận về sự cách ly hai quân đội tại các điểm Depsang, Daulat Beg Oldie và quân đội Trung Quốc tiếp tục rút khỏi khu vực hồ Pangong và Hot Springs.

Tin cho biết, các nguồn tin quân sự Ấn Độ thừa nhận rằng do những tranh cãi gay gắt giữa hai bên về tuyến kiểm soát thực tế ở đồng bằng Dempsang và khu vực hồ Pangong, quá trình hoàn thiện kế hoạch xử lý hạ nhiệt giai đoạn hai sẽ khó khăn hơn nhiều. Tại cuộc đàm phán hôm 14/7, Ấn Độ đã yêu cầu khôi phục nguyên trạng trước khi PLA “xâm nhập” nhiều địa điểm ở Đông Ladakh hồi đầu tháng 5.

Times of India viết, Ấn Độ cũng yêu cầu một lộ trình giới hạn thời gian để rút khoảng 30.000 binh sĩ và pháo binh, xe tăng và các vũ khí hạng nặng khác được hai bên triển khai tại "khu vực tung thâm" dọc theo 1.597 km tuyến biên giới Đông Ladakh. Một nguồn tin nói: "Quân đội hai nước cuối cùng nên rút hết số quân đã tăng cường về nới đồn trú lâu dài của họ”.

Tin cho biết, trong giai đoạn này, Ấn Độ hy vọng rằng PLA sẽ rút lui 8 km về phía đông và trở về căn cứ của họ ở bên ngoài Finger 8. Tuy nhiên vấn đề mà họ nêu lên không được phía Trung Quốc đáp ứng.