Đài Loan, Trung Quốc cùng phản đối Nhật bắt giữ tàu cá Đài Loan

Tiếp theo sau Trung Quốc, Đài Loan ngày 27.4 lên tiếng phản đối Nhật Bản bắt giữ một tàu cá Đài Loan cùng 10 thuyền viên ở vùng biển tranh chấp, nơi Tokyo vốn cho phép ngư dân Đài Loan đánh bắt trong nhiều năm nay.
Tàu cá Đài Loan Reuters
Tàu cá Đài Loan Reuters

Hãng tin Đài Loan CNA cho biết Đài Bắc đã gửi phản đối đến cơ quan đại diện của Nhật Bản ở Đài Loan và Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tuyên bố sẽ bảo vệ quyền lợi của ngư dân Đài Loan trước việc bắt giữ của phía Nhật.

Tàu cá Tung Sheng Chi số 16, đăng ký ở Bình Đông (Đài Loan) hôm 25.4 bị lực lượng tuần duyên Nhật Bản bắt giữ khi ở vị trí khoảng 150 hải lý gần với Okinotori, một hòn đảo không người ở thuộc Nhật Bản.

Phía Đài Loan cho rằng hòn đảo chỉ bao gồm 2 bãi đá có diện tích chừng 9 km2, không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo luật biển quốc tế. Vì vậy, tàu cá Đài Loan không xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Tàu cá và 10 thuyền viên Đài Loan tối 26.4 đã được phía Nhật Bản thả sau khi họ đóng tiền tại ngoại 6 triệu yen trong thời gian chờ khởi tố. Ông David Lin, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan, nói rằng việc đóng tiền tại ngoại không đồng nghĩa với việc Đài Bắc công nhận việc bắt giữ của Tokyo. Ông Lin tuyên bố sẽ gây áp lực để đòi quyền đánh bắt cho ngư dân Đài Loan ở khu vực nói trên.

Giới quan sát nhận định vụ bắt giữ của Nhật Bản là một đòn giáng vào mặt ông Mã Anh Cửu, lãnh đạo sắp mãn nhiệm của Đài Loan, trong khi thỏa thuận hòa bình ở biển Hoa Đông giữa 2 bên được ký hồi năm 2012 vẫn còn hiệu lực. Theo thỏa thuận, Nhật cho phép ngư dân Đài Loan đánh bắt cá ở khu vực mà 2 bên đang tranh chấp.


Đài Loan, Trung Quốc cùng phản đối Nhật bắt giữ tàu cá Đài Loan ảnh 1

Tàu tuần duyên của Đài Loan ở vùng biển tranh chấp với Nhật - Reuters

Quốc dân đảng của ông Mã Anh Cửu gọi việc bắt giữ tàu cá Đài Loan giống “hành động của hải tặc”, thúc giục đảng đối lập DPP và bà Thái Anh Văn, người sẽ thay thế ông Mã vào tháng 5.2016, lên tiếng phản đối.

Trong khi đó, tại Bắc Kinh, An Fengshan, phát ngôn viên của Văn phòng phụ trách các vấn đề Đài Loan thuộc Hội đồng nhà nước Trung Quốc nói hôm 26.4 rằng Trung Quốc quan ngại sâu sắc về vụ việc. "Trách nhiệm của hai bên ở 2 bờ eo biển Đài Loan là bảo vệ quyền lợi hợp pháp và lợi ích của ngư dân của 2 bên trong vùng biển quốc tế", người phát ngôn này nói.

Theo Thanh Niên