Sau chuyến đi bị phản đối của lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu, chính quyền lãnh thổ này lại tạo thêm căng thẳng khi bắt đầu đưa dân đến sinh sống ở đảo Ba Bình và cho phép họ định cư lâu dài, báo chí Đài Loan cho hay.
Bà Chu Mỹ Linh đã quyết định thay đổi nơi cư trú hồi tuần trước từ thành phố Cao Hùng ra đảo Ba Bình và được chính quyền Đài Loan cho phép, công nhận là công dân đầu tiên đăng ký "hộ khẩu" thường trú trên hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Đài Loan chiếm đóng.
Công việc của bà hiện nay là làm y tá cho một bệnh viện nhỏ vừa được Đài Bắc xây sửa phi pháp và khánh thành hồi tháng 12.2015. Hãng thông tấn Đài Loan CNA ngày 30.1 dẫn phát biểu của bà này nói rằng bà quyết định lên đảo sống “nhằm ủng hộ chính quyền Đài Loan” (?).
Ông Mã Anh Cửu đã đến thăm và chúc mừng công dân đầu tiên nhân chuyến thăm gây nhiều tranh cãi của ông ta vừa qua, theo CNA.
China Post cho biết sau bà Chu có 2 người khác cũng vừa được Đài Loan công nhận là công dân tiếp theo trên đảo Ba Bình, gồm Pan Man-chi từng cư trú ở thành phố Hoa Liên và Lin Fang-tzu là người ở thành phố Bình Đông.
Cũng như bà Chu, Pan và Lin đang hoàn tất thủ tục đăng ký để đến đảo Ba Bình sinh sống lâu dài và cùng làm công việc y tá. Đài Loan tự ý đặt Ba Bình dưới sự kiểm soát và điều hành của chính quyền thành phố Cao Hùng.
Ông Mã Anh Cửu khuyến khích dân Đài Loan đến đảo sinh sống. Trong phát biểu sau khi thực hiện chuyến thăm Ba Bình, ông ta nói rằng “Ba Bình không phải là hòn đá mà là hòn đảo có sự sống” với hàm ý nhắc đến những công dân đầu tiên trên đảo.
Đài Loan kiểm soát Ba Bình từ nhiều năm nay và đưa hàng trăm binh lính đến canh gác. Đài Bắc chi cả trăm triệu USD để xây dựng và nâng cấp các công trình phi pháp trên hòn đảo này, trong đó có ngọn hải đăng, đường băng, bến cảng và bệnh viện.
Việt Nam phản đối Đài Loan chiếm giữ Ba Bình, cũng như các hoạt động của Đài Bắc đưa quân, xây dựng các công trình phi pháp trên hòn đảo này.
Theo Thanh Niên