Đại học Bách khoa Đà Nẵng: Đào tạo 90 chỉ tiêu ngành CNTT theo cơ chế đặc thù

Năm 2018, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tuyển 90 chỉ tiêu ngành công nghệ thông tin (CNTT) theo cơ chế đặc thù. Theo đó, chương trình đào tạo này phải có ít nhất 30% sự tham gia của doanh nghiệp để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc được ngay.

Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng: Trong thời gian qua nhu cầu nguồn nhân lực CNTT của TP Đà Nẵng rất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu thị trường nguồn nhân lực này, năm 2018, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tuyển hơn 300 chỉ tiêu cho ngành CNTT (các năm trước đây là 250 chỉ tiêu).

Đại học Bách khoa Đà Nẵng: Đào tạo 90 chỉ tiêu ngành CNTT theo cơ chế đặc thù - Ảnh 1

PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng chủ trì họp báo công bố đề án tuyển sinh đại học năm 2018.

Theo đó, sẽ có 150 chỉ tiêu cho ngành CNTT truyền thống, 45 chỉ tiêu cho ngành CNTT chất lượng cao đào tạo theo định hướng thị trường Nhật Bản (sinh viên phải theo học chương trình tiếng Nhật do một số doanh nghiệp Nhật hỗ trợ đào tạo). Bên cạnh đó, nhà trường còn đào tạo chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp (40 chỉ tiêu cho ngành công nghệ phần mềm).

Điểm đặc biệt trong năm học 2018-2019, thực hiện cCng văn 5444 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo đặc thù cho ngành CNTT, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã ký kết với các doanh nghiệp để đào tạo 90 chỉ tiêu ngành CNTT theo cơ chế đặc thù.

Theo yêu cầu của cơ chế đặc thù, nhà trường cải tiến chương trình đào tạo theo hướng hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, ít nhất khối lượng chương trình đào tạo phải có 30% sự tham gia của doanh nghiệp nhằm đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể sử dụng ngay, PGS.TS Đoàn Quang Vinh nhấn mạnh.

TS Phan Minh Đức - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết: Mùa tuyển sinh năm 2018, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng tuyển sinh 2.950 chỉ tiêu (bao gồm chỉ tiêu tuyển thẳng của tất cả các ngành học), cho 22 chương trình truyền thống, 13 chương trình chất lượng cao và 5 chương trình hợp tác quốc tế.

Đặc biệt, Trường dành 10 chỉ tiêu liên thông cho 7 ngành: CNTT, Kỹ thuật Cơ điện tử, Kỹ thuật điện tử - viễn thông, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông

Điểm mới tuyển sinh năm học 2018-2019 là ngoài 8 chương trình chất lượng cao hiện có như: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật Điện - Điện tử, Kỹ thuật Điện tử và Viễn thông, Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ dầu khí và khai thác dầu, Kiến trúc và Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Đại học Bách khoa Đà Nẵng mở thêm 5 chương trình đào tạo chất lượng cao, mỗi ngành 45 chỉ tiêu bao gồm các ngành: Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật nhiệt, Kỹ thuật xây dựng, Kinh tế xây dựng.

Đây là các chương trình đào tạo được thiết kế lại dựa trên các chương trình đào tạo của các đại học tiên tiến đã được kiểm định theo tiêu chuẩn ABET (tổ chức kiểm định chất lượng của Hoa Kỳ chuyên kiểm định các chương trình đào tạo trong các lĩnh vực Kỹ thuật, Công nghệ, Điện toán và Khoa học ứng dụng-PV). Thời gian khóa học sẽ rút ngắn còn 4 năm (so với 4,5 năm của các chương trình đào tạo truyền thống).

Các chương trình Tiên tiến – Chương trình chất lượng cao Việt - Pháp được thiết kế dành cho các sinh viên xuất sắc với định hướng trở thành các chuyên gia giỏi, nhà quản lý xuất sắc trong các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ cốt lõi của thời đại Công nghiệp 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo, robotics, IoT, điều khiển thông minh, cảm biến và vi hệ thống…

Sinh viên theo học các chương trình này được học tại các lớp nhỏ, dưới sự hướng dẫn của các giảng viên giỏi với nội dung chương trình chuyên sâu. Việc nâng cao năng lực ngoại ngữ được chú trọng ngay từ học kỳ đầu tiên để tạo điều kiện cho sinh viên nhanh chóng đáp ứng yêu cầu học tập của chương trình.

Theo Phó GS.TS Nguyễn Hồng Hải: "Chương trình thiết kế dành cho các sinh viên xuất sắc, chúng tôi định hướng đào tạo các em trở thành các chuyên gia giỏi, nhà quản lý xuất sắc trong các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ cốt lõi của thời đại Công nghiệp 4.0".

Chương trình học được thiết kế theo hướng giảm thời gian học lý thuyết, tăng cường thời lượng học và thực hành ngay tại doanh nghiệp; tổ chức việc dạy học theo mô hình “Học theo dự án (Project Based Learning - PBL)” giúp sinh viên đáp ứng các tiêu chuẩn về kiến thức và các kỹ năng như khả năng giải quyết vấn đề, tự học, tự nghiên cứ, tư duy phản biện, sáng tạo cũng như giao tiếp và làm việc nhóm.

Nhà trường cam kết giới thiệu việc làm cho 100% sinh viên tốt nghiệp đạt loại Khá trở lên.

Đại học Bách khoa Đà Nẵng: Đào tạo 90 chỉ tiêu ngành CNTT theo cơ chế đặc thù - Ảnh 2

Ký kết chương trình thỏa thuận hơp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ học bổng, đào tạo kỹ năng, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tại các doanh nghiêp và tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp.

TS Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, cho biết: hàng năm nhà trường dành 12 tỷ đồng để trao học bổng cho sinh viên. Năm 2018, trường có chính sách học bổng tài năng cho sinh viên có tổng điểm các môn thi cao từ 26 trở lên. Đồng thời, nhà trường cũng có chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên theo quy định của Nhà nước, chính sách hỗ trợ kinh phí học tập cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Trong khuôn khổ chương trình họp báo, nhà trường đã trao Học bổng tài năng cho 173 sinh viên đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh 2017.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng ký kết thỏa thuận hợp tác gắn kết giữa Nhà trường và 12 Doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ học bổng, đào tạo kỹ năng, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tại các doanh nghiêp và tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Theo ICT News

http://ictnews.vn/cntt/nuoc-manh-cntt/dai-hoc-bach-khoa-da-nang-dao-tao-90-chi-tieu-nganh-cntt-theo-co-che-dac-thu-165881.ict