"Đại chiến taxi": TP.HCM sẽ công khai nghĩa vụ thuế của Uber, Grab

VietTimes -- UBND TP.HCM cho biết, thời gian tới TP. HCM sẽ có hình thức thông tin công khai minh bạch các thông tin quản lý về loại hình taxi công nghệ, tránh để xảy ra khiếu kiện của các đơn vị taxi tuyền thống về việc “Uber, Grab được ưu ái về nghĩa vụ thuế”.
Ảnh minh họa: Kiến thức
Ảnh minh họa: Kiến thức
Thông tin từ UBND TP. HCM cho hay, TP đã giao Sở Giao thông vận tải đề nghị các đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm và các đơn vị vận tải hoạt động trên địa bàn TP tạm thời ngưng kết nối và ngưng đầu tư thêm xe mới (xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống) cho đến khi Bộ Giao thông vận tải tổ chức tổng kết thí điểm.
Để ổn định hoạt động vận tải trên địa bàn TP, UBND TP cũng đã giao Cục Thuế TP tham mưu việc quản lý thuế đối với các đơn vị kinh doanh vận tải taxi, kinh doanh dịch vụ Uber, Grab và các loại hình tương tự trên địa bàn TP; đồng thời có hình thức thông tin công khai minh bạch để báo cáo Trung ương và định hướng dư luận, tránh để xảy ra khiếu kiện của các đơn vị taxi tuyền thống về việc “Uber, Grab được ưu ái về nghĩa vụ thuế”.
Trước đó, hồi đầu tháng 10/2017, sau khi Hiệp hội taxi Hà Nội gửi kiến nghị lên Sở GTVT Hà Nội đề nghị dừng khẩn cấp Grab, Uber trong tháng 9/2017 với lý do số lượng xe hoạt động kiểu Uber, Grab tăng nhanh không thể kiểm soát,  tại TP. HCM, các tài xế đã đồng loạt dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab với nội dung như "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam" và “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”.
Hành động này của các tài xế, xét trên mức độ pháp lý, đã vi phạm Luật Cạnh tranh: "Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó".
Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc Vinasun cho rằng đây là việc làm bộc phát từ các tài xế chứ không phải chủ trương của công ty. Ông Hỷ cũng khẳng định, việc dán các khẩu hiệu này là bình thường, không có gì sai phạm. Tuy nhiên, trước phản ánh của dư luận, công ty sẽ tiến hành rà soát, tìm hiểu vì sao tài xế lại làm như thế để có hướng xử lý.
Sau đó, ngày 9/10, Sở GTVT TP. HCM họp khẩn, yêu cầu lãnh đạo taxi Vinasun phải chỉ đạo các tài xế dỡ bỏ khẩu hiệu phản đối Grab và Uber dã dán.
Cụ thể, Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho rằng, taxi hãng Vinasun dán decal trên xe phản ứng Uber và Grab là không hay, "hình ảnh phản cảm”. TP HCM là thành phố lớn nên hành vi này lan tỏa rất nhanh, tác động đến môi trường kinh doanh của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

“Còn đối với nội dung ghi trên các băng rôn có ảnh hưởng tới quyền lợi, hoạt động kinh doanh của Grab, Uber hay không thì hiện Sở Công thương và Sở Tư pháp TP đã phân tích cụ thể. Việc này cũng sẽ được thực hiện theo đúng quy trình”, ông Trần Quang Lâm - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM - cho biết.

Đối với kiến nghị của Hiệp hội Taxi TP HCM về những bất cập trong chính sách quản lý giữa taxi truyền thống và Uber, Grab, ông Lâm cho biết Sở GTVT đã tham mưu UBND thành phố kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ nhanh chóng rà soát để có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Hiện, lượng xe Grab, Uber cùng xe chạy hợp đồng dưới 9 chỗ là khoảng 20.000 chiếc. Trong khi đó, số lượng taxi là khoảng 11.000 chiếc. Từ năm 2010, thành phố đã khống chế số lượng taxi do hạn chế về hạ tầng. Tuy nhiên, khi thí điểm Grab, Uber thì số lượng xe dưới 9 chỗ tăng nhanh.

Thành ủy thành phố cũng cho rằng do trong giai đoạn thí điểm nên phát sinh những vấn đề chưa lường hết được.