Đại án Ocean Bank: Sẽ có thêm nhiều lãnh đạo Dầu khí đến tòa tuần tới?

VietTimes – Họ sẽ đến với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tới một vụ án hình sự, cụ thể là “đại án” Ocean Bank – Hà Văn Thắm.
PVN và Ocean Bank là một mối quan hệ với khá nhiều điểm nhấn.  (Ảnh: Internet)
PVN và Ocean Bank là một mối quan hệ với khá nhiều điểm nhấn. (Ảnh: Internet)

Họ được triệu tập để làm rõ nội dung nhận tiền “chăm sóc” từ Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Minh Thu – hai bị cáo nguyên là Tổng Giám đốc Ocean Bank (OJB).

Trước Tòa, Sơn và Thu đã khai đích danh tên những người này, nói rằng họ đã nhận một số tiền “chăm sóc” lớn để gửi tiền vào ngân hàng OJB.

Số tiền gửi đó, nhấn mạnh rằng, không phải tiền sở hữu của của cá nhân họ. Mà là tiền của doanh nghiệp nơi họ công tác và đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo. Đáng nói, đây đều là các doanh nghiệp do PVN chi phối vốn, hay nói cách khác, nguồn lực tiền gửi đó là của Nhà nước.

Những người được triệu tập mới nhất là 4 lãnh đạo của Công ty TNHH Một thành viên Lọc - Hóa Dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành sản xuất kinh doanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Tại phiên xét xử gần nhất, ngày 9/9, bị cáo Nguyễn Minh Thu – nguyên Tổng Giám đốc Ocean Bank đã khai ra tên 4 người này.

Thu khai, từ khi thay Nguyễn Xuân Sơn làm Tổng Giám đốc ngân hàng, mới trực tiếp chi lãi ngoài và trực tiếp chi cho 3 khách hàng: VietsovPetro; PV Oil và BSR.

Với riêng BSR, theo Thu, từ tháng 7/2012 – 6/2014, bị cáo đã chi tổng cộng gần 19 tỷ đồng để “chăm sóc” lãnh đạo doanh nghiệp.

4 lãnh đạo BSR mà Thu nêu ra là: Ông Nguyễn Hoài Giang (Chủ tịch Hội đồng thành viên), ông Đinh Văn Ngọc (nguyên Tổng Giám đốc), ông Vũ Mạnh Tùng (Phó Tổng Giám đốc), ông Phạm Xuân Quang (Kế toán trưởng).

Trong đó, với ông Nguyễn Hoài Giang, Thu khai, không nhớ đưa bao nhiêu lần nhưng mỗi lần đưa từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng.

Tương tự, mức đưa đối với Tổng Giám đốc Đinh Văn Ngọc cũng là từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/lần, Thu nói đưa khoảng 7 – 8 lần.

500 triệu – 1 tỷ đồng/lần cũng là mức chi chăm sóc cho P.TGĐ BSR Vũ Mạnh Tùng; Còn mức đưa đối với Kế toán trưởng tên Quang là từ 300 – 500 triệu đồng/lần – như Thu khai trước Tòa.

Nguyễn Minh Thu cho biết, các lần đi “chăm sóc”, bị cáo đều nhờ bị cáo Phan Thị Tú Anh (nguyên Giám đốc Chi nhánh Quảng Ngãi) đặt lịch gặp gỡ.

Ngoài ra, Thu còn thay Nguyễn Thị Minh Phương (nguyên Phó TGĐ Ocean Bank) chuyển cho các chi nhánh số tiền 11 tỷ đồng. Trong đó có chi khoảng 2-3 tỷ đồng cho BSR. Số còn lại chia hai phần chuyển cho bị cáo Tú Anh chi chăm sóc khách hàng.

Được tòa gọi lên đối chất, đại diện công ty BSR khẳng định không nhận được bất cứ khoản lãi ngoài nào của Ocean Bank.

“Đây là lời khai một chiều của bị cáo Thu. Qua trao đổi với các vị lãnh đạo của công ty thì tôi đươc biết các vị này không nhận lãi ngoài” - đại diện BSR khẳng định.

Để làm rõ thông tin mà Nguyễn Minh Thu đã khai vị chủ tọa phiên tòa đã đề nghị triệu tập ngay 4 vị lãnh đạo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đến tòa vào ngày 11/9. Với những gì mà đại diện BSR đã khẳng định trước tòa, phần nào đó có thể đoán trước nội dung 4 lãnh đạo BSR sẽ đối chất. 

Trước đó, trong phiên xử ngày 5/9, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Ocean Bank) và Nguyễn Minh Thu cùng khai đã nhiều lần chuyển tiền cho Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro). Theo Nguyễn Minh Thu, việc chuyển tiền cho Vietsovpetro được ấn định theo tỷ lệ 70/30 (kế toán trưởng 70, tổng giám đốc 30).

Tuy nhiên, 3 cán bộ chủ chốt của Vietsovpetro là các ông Võ Quang Huy (Kế toán trưởng), ông Nguyễn Hữu Tuyến, cựu Tổng giám đốc và ông Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc, đều khẳng định không nhận được lợi ích vật chất từ phía Ocean Bank.

“Tôi không hiểu sao các bị cáo khai như vậy. Thực tế tôi không nhận chi lãi ngoài. Hoàn toàn không có”, ông Võ Quang Huy đối chất.

Lưu ý, trước đây, khi được triệu tập đến Tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nguyên Kế toán trưởng, P.TGĐ PVN Ninh Văn Quỳnh đã nhiều lần phủ nhận thông tin nhận tiền chăm sóc mà Nguyễn Xuân Sơn đã khai.

Tuy nhiên, đến chiều 31/08, Ninh Văn Quỳnh đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam. Theo công bố, việc khởi tố này để phục vụ hoạt động điều tra đối với vụ việc góp vốn của PVN vào OJB trong giai đoạn trước đây.

Sáng 7/9, khi được gọi vào Tòa từ phòng cách ly, với sự giám sát của lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp thì ông Quỳnh đã nói khác. Lý do, như trình bày của cựu lãnh đạo PVN này là bởi “suy nghĩ không thể trốn tránh mãi” và “được cán bộ điều tra giáo dục thuyết phục”.

Với những diễn biến đã qua của phiên tòa và theo những thông tin đã nêu trong cáo trạng và kết luận điều tra, trong tuần xét xử tới đây, chắc hẳn Tòa sẽ triệu tập thêm nhiều cá nhân và tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để làm rõ các vấn đề phát sinh trong quá trình xét xử.

Trong đó, nhiều khả năng sẽ có thêm các lãnh đạo, cựu lãnh đạo PVN và các công ty thành viên của tập đoàn này được gọi để đối chất.

1.576 tỷ đồng “chi lãi ngoài” có phải là thiệt hại?

Tuần xét xử vừa qua, hội đồng xét xử đã dành nhiều thời gian để tập trung làm rõ cáo buộc thiệt hại 1.576 tỷ đồng ở Ocean Bank mà cáo trạng đã nêu.

Số thiệt hại này chính là số tiền mà OJB đã sử dụng để chi lãi ngoài, lấy từ 3 nguồn: Chi từ nguồn tạm ứng thực hiện nghiệp vụ (925 tỷ đồng); Chi thẳng, hạch toán vào tài khoản chi trả lãi tiền gửi (621 tỷ đồng); Chi từ tài khoản của Vũ Thị Thùy Dương – Giám đốc khối Kế toán (30 tỷ đồng).

Tuy nhiên, trước Tòa, tất cả các bị cáo bị truy tố trách nhiệm hình sự liên quan đến khoản thiệt hại này đều đã đồng loạt phủ nhận cáo buộc thiệt hại.

Các bị cáo và các luật sự bảo vệ họ đã nêu lên nhiều nguyên nhân khách quan của việc chi lãi ngoài. “Lạm phát 18,58% trong khi huy động áp trần 14%. Người dân đòi hỏi không hề vô lý, tuân theo nguyên tắc thị trường”, một bị cáo lập luận để khẳng định việc chi lãi ngoài là phản ứng bắt buộc trong bối cảnh thị trường khó khăn để cứu ngân hàng, đảm bảo thanh khoản.

Theo nhiều bị cáo, việc chi lãi ngoài không gây thiệt hại cho Ocean Bank mà ngược lại còn giúp cho Ocean Bank huy động vốn, đảm bảo thanh khoản và kiến tạo lợi nhuận.

“Bị cáo huy động được đồng nào cho vay đồng đấy. Ocean Bank luôn luôn cân đối ở mức tốt nhất, tất cả các tiền huy động được tận dụng triệt để, huy động đều cho vay có lãi”, Hà Văn Thắm lý giải cho quan điểm “bị cáo nghĩ không có thiệt hại gì”.

Trong phiên xét xử cuối cùng trong tuần, khi được gọi hỏi về số tiền cố ý làm trái 1.576 tỷ đồng, Hà Văn Thắm cho rằng cần làm rõ tên gọi của các loại tiền. Tiền vốn điều lệ của Ocean Bank là 4.000 tỷ đồng, để dành cho việc trang bị, đầu tư cơ sở vật chất (40%), đầu tư chứng khoán, mở công ty con (40%) và lập quỹ (20%).

Số tiền chi lãi ngoài hoàn toàn không lấy từ vốn điều lệ của Ocean Banh mà được lấy từ tiền ngân hàng kinh doanh được, Thắm khẳng định. Nghĩa là từ phần lãi của hoạt động cho vay để chi cho hoạt động huy động vốn. Do đó, không thể nói Ocean Bank thiệt hại như vậy.

Thắm lập luận, nếu chỉ nhìn vào số tiền chi lãi để huy động vốn mà không nhìn đến số tiền thu về từ hoạt động cho vay, rồi kết luận là thiệt hại là không chính xác./.