Đà Nẵng tụt hạng chỉ số PAPI 2020 và rơi vào nhóm "trung bình thấp"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vừa công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020 và Đà Nẵng chỉ đạt 42,51 điểm, thuộc nhóm “trung bình thấp”.
Một góc TP Đà Nẵng
Một góc TP Đà Nẵng

Cụ thể, điểm số của Đà Nẵng ở 8 chỉ số nội dung thuộc PAPI 2020 như sau: Cung ứng dịch vụ công: 7,6/10 điểm; Thủ tục hành chính công: 7,34/10 điểm; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công: 6,69/10 điểm; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương: 5,04/10 điểm; Trách nhiệm giải trình với người dân: 4,6/10 điểm; Tham gia của người dân ở cấp cơ sở: 4,5/10 điểm; Quản trị điện tử: 3,6/10 điểm; Quản trị môi trường: 3,14/10 điểm.

Theo bảng điểm chung của các địa phương, chỉ số Cung ứng dịch vụ công của Đà Nẵng thuộc nhóm các địa phương đạt điểm cao nhất cả nước.Tuy vậy, ở 2 chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và Thủ tục hành chính công, Đà Nẵng được xếp vào nhóm “trung bình thấp”.

Đặc biệt, ở 4 chỉ số: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân và Quản trị môi trường, Đà Nẵng xếp vào nhóm “thấp nhất” trong bảng điểm các tỉnh thành trong cả nước.

Trong các năm 2018 và 2019, Đà Nẵng là địa phương nằm trong nhóm cao nhất của bảng xếp hạng chỉ số PAPI. Cụ thể PAPI năm 2018, Đà Nẵng đạt 45,36 điểm và năm 2019, chỉ số PAPI của Đà Nẵng đạt 44,99, xếp vị trí thứ 6 trong tổng số 63 tỉnh, thành.

Theo báo cáo của UNDP về chỉ số PAPI giai đoạn 2011-2020, Đà Nẵng cùng Sóc Trăng, Sơn La là 3 địa phương có tỷ lệ tăng trưởng âm ở điểm chỉ số PAPI gốc (không có chỉ số Quản trị môi trường và Quản trị điện tử), với mức tăng trưởng là -0,1%.

PAPI là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do UNDP Việt Nam khởi xướng từ năm 2009. Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh, thành tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.