Đà Nẵng: Thiếu lao động chất lượng cao để phát triển công nghệ công nghiệp CNTT

VietTimes -- Nội dung được các doanh nghiệp chia sẻ tại Hội nghị phát triển công nghiệp CNTT và truyền thông do UBND TP Đà Nẵng tổ chức vừa diễn ra ngày 29/3.
Hội nghị phát triển công nghiệp CNTT và truyền thông do UBND TP Đà Nẵng tổ chức vừa diễn ra ngày 29/3.
Hội nghị phát triển công nghiệp CNTT và truyền thông do UBND TP Đà Nẵng tổ chức vừa diễn ra ngày 29/3.

Hội nghị được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến, tìm giải pháp giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, từ đó tìm giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp CNTT và truyền thông cho TP Đà Nẵng trong thời gian tới. Đặc biệt trong bối cảnh UBND TP Đà Nẵng vừa ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Sembcorp Development của Singapore về việc hợp tác nghiên cứu khả thi dự án xây dựng Khu Công viên phầm mềm số 2 tại khu vực cầu Thuận Phước (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Theo thống kê của TP Đà Nẵng, hiện thành phố này có gần 700 doanh nghiệp CNTT đầu tư, phát triển với nhiều dịch vụ khác nhau trên địa bàn. Doanh thu giữ được tốc độ tăng trưởng cao qua các năm từ 25-30%. Riêng năm 2016 đạt 12.035 tỷ đồng, nộp ngân sách 114,8 tỷ đồng. Và Đà Nẵng dần trở thành địa chỉ đầu tư, kinh doanh đáng tin cậy cho cộng đồng doanh nghiệp CNTT. 

Để thu hút các doanh nghiệp CNTT, TP Đà Nẵng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp có không gian hoạt động tốt với chi phí ưu đãi, đã và đang hình thành các Khu Công viên phầm mềm (CVPM) và Khu CNTT tập trung. Đồng thời đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao có quy mô với tổng diện tích 1.129 ha, cùng tổng đầu tư 8.842 tỷ đồng. Và được xem là khu công nghệ cao thứ 3 của của nước, sau Hà Nội và TPHCM.

Tuy nhiên, tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT đang hoạt động trên địa bàn Đà Nẵng cho rằng, vẫn còn nhiều vướng mắc khó khăn trong đầu tư kinh doanh trên địa bàn. Điển hình nhất là khó khăn về hạ tầng, mặt bằng và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo thống kê, hiện nguồn nhân lực CNTT của Đà Nẵng ước đạt 20.000 người, chủ yếu được đào tạo ở các cơ sở trên địa bàn như Đại học Bách Khoa, Đại học Sư phạm, Đại học Duy tân, Đại học FPT, Cao đẳng CNTT…Trong khi nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này đang rất cần. “Lao động không thiếu, nhưng trình độ chuyên môn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; chương trình đào tạo CNTT ở Đà Nẵng chủ yếu kế thừa các chương trình đào tạo chung của cả nước, chưa có tính đột phá; chất lượng giảng dạy chưa có nhiều thay đổi, mặc dù đã có nhiều đổi mới về cơ sở vật chất”, các doanh nghiệp cho biết.

Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định, với vai trò là thành phố động lực của miền Trung, Đà Nẵng đã và đang thu hút các hoạt động KT-XH, thu hút các doanh nghiệp đến tìm cơ hội kinh doanh, thu hút nguồn nhân lực trẻ về sinh sống, làm việc. Đó chính là điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển công nghiệp CNTT.

Trong lĩnh vực CNTT, TP Đà Nẵng đã đầu tư một số nguồn lực đáng kể để khởi động phát triển ngành CNTT, khởi đầu bằng việc xây dựng Trung tâm phần mềm Đà Nẵng (2000) tiếp sau đó là ra đời Khu công viên phầm mềm Đà Nẵng (2008), xây dựng và chính thức đưa vào hoạt động Hệ thống thông tin chính quyền điện tử Thành phố Đà Nẵng năm 2014. Đến nay trên Thành phố đã thu hút đông đảo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT và truyền thông từ các địa phương và quốc tế đến đầu tư, hoạt động kinh doanh tại Đà Nẵng.

Trong năm 2017, Thành phố sẽ cập nhật, hoàn thiện Đề án phát triển công nghiệp CNTT Thành phố đến năm 2020; làm việc với các trường đại học, cao đẳng để triển khai các giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng đầu ra của sinh viên CNTT; đề xuất cơ chế hỗ trợ, thu hút chuyên gia CNTT các nơi về Đà Nẵng làm việc; tiếp tục triển khai công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư cho doanh nghiệp CNTT, kết nối doanh nghiệp CNTT Đà Nẵng với doanh nghiệp CNTT các tỉnh thành trong và nước ngoài; hỗ trợ các nguồn lực về tài chính, thuế.