Sáng 6/8, tại buổi Họp báo 6 tháng đầu năm 2024 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng đang phải tập trung xử lý 4 kết luận của Thanh tra Chính phủ từ năm 2012 đến nay, từ Kết luận 2852, khu biệt thự Sơn Trà, đến các kết luận về nhà đất công sản… Bên cạnh đó, Đà Nẵng phải tập trung giải quyết 3 bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực trên địa bàn TP.
Sau khi tiếp nhận các kết luận, bản án nói trên, Đà Nẵng đã triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thực hiện đã gặp phải những vướng mắc. Đó là đối diện của tình hình thực tế, xung đột của pháp luật để giải quyết các vấn đề tồn tại mang tính lịch sử trước đây để lại.
Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, ngày 2/5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 77 tháo gỡ cơ bản về thể chế. Tuy nhiên, đây là kết luận mật nên ông sẽ không nói cụ thể, chi tiết từng nội dung.
"Hiện nay, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ và Ban cán sự Đảng Chính phủ đã xây dựng đề án tháo gỡ các khó khăn cho địa phương với 10 nội dung cơ bản đã được phân công cụ thể cho từng cơ quan liên quan.
Trong đó, nhiệm vụ của Quốc hội có 4 nội dung tháo gỡ, Chính phủ có 1 nội dung và TP Đà Nẵng có 5 nội dung. Với 10 nội dung nhưng khối lượng công việc rất lớn”, ông Chương thông tin.
Ông Chương cho biết, nội dung thứ nhất của địa phương là tập trung truy thu nghĩa vụ tài chính nhà nước đối với các khoản thất thu được nêu trong các kết luận thanh tra trước đây. Theo nội dung này, nhà đầu tư sơ cấp là người được thụ hưởng quyền lợi này nên đây là đối tượng truy thu. Hiện danh sách này đã được xác định.
Nội dung thứ hai là xử lý các trường hợp chậm đưa đất đưa vào sử dụng theo thời hạn quy định của Luật Đất đai. Trong quá trình gia hạn mà chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng thì phải nộp tiền gia hạn theo quy định.
Nội dung tiếp theo là Đà Nẵng xác định giá thu tiền sử dụng đất đối với 15 cơ sở nhà đất, chủ yếu là nhà đất công sản.
Nội dung thứ tư là phối hợp với Bộ Công an, điều tra xử lý sai phạm liên quan đến các dự án Ghềnh Bàng, Bãi Đa và lô đất L09 Khu biệt thự Suối Đá. Nội dung này cũng đã chuyển cơ quan công an, tuy nhiên ở đề án lần này Trung ương giao cho TP Đà Nẵng căn cứ tình hình thực tế địa phương để xử lý theo quy định. Nội dung thứ năm là thu hồi dự án 181ha đường Nguyễn Tất Thành trên địa bàn quận Hải Châu và quận Thanh Khê.
“Hiện đã có từng phương án xử lý cụ thể cho từng nội dung và nhóm nội dung. Sau khi đủ điều kiện công khai thì Sở TN&MT TP sẽ công khai để dư luận được biết”, ông Chương nói.
Trong khi chờ Trung ương phê duyệt thì Đà Nẵng cũng chủ động thực hiện các giải pháp để tháo gỡ cho các chủ đầu tư và khai thác hiệu quả các khu đất công trên địa bàn.
Theo thống kê, của Sở TN&MT, hiện toàn TP Đà Nẵng có 345 khu đất lớn và 20.166 lô đất tái định cư. Để tránh lãng phí, Đà Nẵng đã xây dựng phương án khai thác các quỹ đất công hiện có theo 5 hướng cụ thể gồm: Đấu giá quyền sử dụng các lô đất; đấu giá cho thuê mặt bằng có thời hạn các khu đất; rà soát quỹ đất công để ưu tiên xây dựng công viên, vườn dạo và công trình tiện ích công cộng; xây dựng và trình UBND TP xây dựng phương án đổi đất cho người dân để vừa tối ưu trong khai thác quỹ đất, vừa đảm bảo tiện ích sinh sống cho người dân; đề xuất hợp thửa các lô tái định cư nhỏ lẻ nhằm phục vụ xây dựng các thiết chế văn hoá tại khu dân cư.