Đà Nẵng: Tái đánh thức du lịch đường sông, biển đảo

VietTimes – Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư các điểm đến đối với 8 tuyến du lịch đường sông-biển trong giai đoạn 2019-2021, tạo sản phẩm du lịch đặc sắc cho địa phương.
Đà Nẵng đang nỗ lực đánh thức tiềm năng du lịch đường sông, biển đảo để phát triển thành sản phẩm du lịch đọc đáo, hấp dẫn du khách
Đà Nẵng đang nỗ lực đánh thức tiềm năng du lịch đường sông, biển đảo để phát triển thành sản phẩm du lịch đọc đáo, hấp dẫn du khách

Đầu tư 8 tour du lịch sông-biển

 Với chủ trương này, từ nay đến năm 2021, Đà Nẵng sẽ tập trung đầu tư và đưa vào khai thác các điểm đến, cùng 8 hành trình, tuyến du lịch trên sông-biển gồm: Tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý; Tuyến sông Hàn - cửa biển - Bán đảo Sơn Trà; Tuyến sông Hàn đi Hòn Chảo; Tuyến khu vực Bán đảo Sơn Trà; Tuyến sông Hàn đi Ngũ Hành Sơn; Tuyến Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai; Tuyến sông Cu Đê - Trường Định; và Tuyến sông Hàn - Cù Lao Chàm.

Đối với các tuyến đường sông, Đà Nẵng sẽ tập trung đầu tư nâng cấp cảng Sông Hàn thành cảng hành khách chính, trong đó có các dịch vụ bổ sung giải khát, mua sắm, ăn uống, giải trí... và cảng Sông Thu  thành cảng phụ gắn với công viên hai đầu cầu và cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi để hình thành điểm đến phục vụ khách.

Tiềm năng du lịch đường sông, biển đảo ven bở ở Đà Nẵng còn rất lớn
Tiềm năng du lịch đường sông, biển đảo ven bở ở Đà Nẵng còn rất lớn

Đối với Tuyến sông Hàn-cửa biển-Bán đảo Sơn Trà và Tuyến sông Hàn-Hòn Chảo, Đà Nẵng sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng điểm đến bãi Cát Vàng, lắp ghép cầu phao di động để cập tàu, nâng cấp bổ sung các dịch vụ nhà hàng ăn uống, khu cắm trại; các dịch vụ lặn ngắm san hô, câu cá, thể thao biển, cầu tàu... Các điểm đến khám phá sông-biển như: bãi Sụng Cỏ, bãi Mà Đa, bãi Cát Vàng,... sẽ nghiên cứu cho phép doanh nghiệp khai thác tạm thời phục vụ du khách để hình thành điểm đến như: dã ngoại, ăn uống, tắm biển, thể thao biển...

Riêng đối với tuyến khu vực Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng sẽ nỗ lực kêu gọi đầu tư và chính thức đưa vào sử dụng từ quý III/2019. Các hạng mục dịch vụ phục vụ cho du khách tại cầu tàu CT15 với các loại hình như: khu vực nhà chờ, dịch vụ ăn uống, phòng vé, nhà vệ sinh, điểm bán hàng lưu niệm, đặc sản địa phương, thể thao biển, lặn biển ngắm san hô tại Hòn Sụp, Bãi Nam, Mũi Nghê; đồng thời khai thác loại hình lồng bè đưa vào phục vụ khách. 

Với đặc thù loại hình du lịch sông-biển, Đà Nẵng tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư đóng mới tàu du lịch có cấp SB, các tàu có dịch vụ lưu trú về đêm trên vịnh Đà Nẵng để tham gia khai thác. Việc kêu gọi đầu tư sẽ thực hiện thường xuyên, dự kiến năm 2020 - 2021 sẽ đầu tư tàu lưu trú.

Câu cá là một trong những sản phẩm du lịch khiến du khách thích thú
Câu cá là một trong những sản phẩm du lịch khiến du khách thích thú

Các tuyến còn lại như: sông Hàn đi Ngũ Hành Sơn, tuyến Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai, tuyến Sông Cu Đê - Trường Định sẽ kêu gọi đầu tư, gắn với phát triển các dich vụ tại điểm đến như: Di tích cách mạng K20, trải nghiệm làng nghề, mua sắm, ẩm thực các loại sản phẩm đặc trưng của địa phương, các sản phẩm du lịch văn hóa - cộng đồng,…

Riêng đối với Tuyến sông Hàn - Cù Lao Chàm, Đà Nẵng kêu gọi, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư tàu du lịch để phục vụ khách có nhu cầu tham quan tuyến theo tiêu chuẩn quy định, chú trọng loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng trên tàu…

Nhiều tiềm năng vượt trội

Ông Đào Đặng Công Trung - Giám đốc Công ty CP Du lịch Danang Ocean Tour cho biết, việc TP Đà Nẵng chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đường sông, biển đảo cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng của loại hình du lịch này.

Ngắm toàn cảnh thành phố nhìn từ vịnh Đà Nẵng cũng đem lại những trải nghiệm thú vị
Ngắm toàn cảnh thành phố nhìn từ vịnh Đà Nẵng cũng đem lại những trải nghiệm thú vị

“Đà Nẵng có rất nhiều lợi thế để xây dựng sản phẩm du lịch đường sông, ven biển mang tính khác biệt và hấp dẫn như sản phẩm đa dạng, nhiều điểm đến, cự ly vận chuyển ngắn... Nên đây là bước đi mới trong việc phát triển sản phẩm du lịch trong tương lai"- ông Trung cho biết.

Theo ông Trung, từ năm 2014, Đà Nẵng cũng đã hình thành một loạt các tour, dịch vụ du lịch đường sông và biển đảo ven bờ nhằm khai thác tiềm năng du lịch và tạo sản phẩm du lịch khám phá, trải nghiệm phục vụ du khách, và cũng có rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, sau sự việc chìm tàu Thảo Vân 02 trên sông Hàn vào năm 2016 đã khiến các hoạt động du lịch đường sông và biển đảo ven bờ bị siết chặt và gần rơi vào quên lãng.

Và đến hiện nay, dù đã chú ý đến sản phẩm du lịch này, nhưng Đà Nẵng chỉ mới chấp thuận cho hoạt động 2 tuyến gồm: Du thuyền trên sông Hàn về đêm và Tour dã ngoại  khám phá từ sông Hàn đi Vịnh Đà Nẵng – Hòn Chảo – Bán đảo Sơn Trà đi về trong ngày nên sản phẩm du lịch này chưa thật sự phát triển. Bên cạnh đó, các dịch vụ hậu cần, điểm đến còn chưa được đầu tư đúng mức, nên trong tương lai, nên chưa thật sự tạo điểm nhấn trong du lịch Đà Nẵng như Tour Cù Lao Chàm ở Hội An, song với định hướng mới này Đà Nẵng sẽ có những sản phẩm du lịch chất lượng, hấp dẫn.

“Đối với Danang Ocean Tour, đơn vị cũng đang kịp thời đầu tư, đóng mới tàu đạt tiêu chuẩn, cùng với đó là trang thiết bị hải trình, huấn luyện thuyền viên để đáp ứng yêu cầu dịch vụ và an toàn cho du khách đến với các tour khám phá dã ngoại sông, nước biển đảo”- ông Đào Đặng Công Trung chia sẻ thêm.

Du lịch biển đảo Đà Nẵng sở hữu những ưu thế vượt trội và cần được đầu tư đúng mức
Du lịch biển đảo Đà Nẵng sở hữu những ưu thế vượt trội và cần được đầu tư đúng mức

Như vậy, sau 3 năm tạm lắng, sản phẩm du lịch đường sông-biển ở Đà Nẵng đã bắt đầu có cơ hội phát triển xứng tầm trở lại nhằm tạo dựng những sản phẩm du lịch khác biệt, hướng đến duy trì là điểm đến của du khách trong năm 2019 và tương lai.