Đà Nẵng: Phát triển IOC phục vụ điều hành chính quyền đô thị

VietTimes – Việc đưa Trung tâm IOC vào hoạt động được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng đô thị Đà Nẵng thân thiện và thông minh hơn; phục vụ triển khai chính quyền đô thị, đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số tại Đà Nẵng.
Đà Nẵng định hướng xây dựng Trung tâm IOC vào hoạt động kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng một đô thị Đà Nẵng thân thiện và thông minh hơn; phục vụ mục tiêu triển khai chính quyền đô thị

“Bộ dữ liệu tham mưu” ra quyết định điều hành

Ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng - cho biết, Đà Nẵng thực hiện quá trình chuyển đổi số bằng cách tiếp cận chính sách, khung kiến trúc để định hướng; hạ tầng, dữ liệu làm nền tảng; ứng dụng thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả nhằm hướng đến mục tiêu Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra cho địa phương.

“Đó là xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng “đến năm 2030, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN” – ông Thanh cho biết.

Chính vì vậy, để cụ thể hóa mục tiêu này, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển hạ tầng CNTT và truyền thông tiếp cận xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như triển khai chuyển đổi số trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Đà Nẵng xác định xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (hay còn gọi là Trung tâm IOC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

“Trung tâm IOC là một hợp phần quan trọng được xác định trong kiến trúc tổng thể thành phố thông minh của Đà Nẵng và khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh của Bộ TT&TT”- Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng chia sẻ.

Trung tâm IOC TP Đà Nẵng

Để thực hiện mục tiêu đề ra, từ năm 2020, TP Đà Nẵng đã hình thành thí điểm Trung tâm Giám sát dịch vụ đô thị thông minh (MiniIOC) với các dịch vụ đô thị thông minh cơ bản theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, và xem đây là tiền đề cho việc triển khai xây dựng Trung tâm IOC trên địa bàn. Đồng thời, Đà Nẵng còn triển khai thêm 2 trung tâm giám sát chuyên ngành là giao thông và an ninh trật tự.

IOC và mục tiêu điều hành chính quyền đô thị

“Khác với nhiều địa phương trên cả nước, Đà Nẵng xây dựng Trung tâm IOC theo mô hình kế thừa dữ liệu số hiện có, trang bị công cụ phân tích tại tập trung (IOC cấp TP); các quận, huyện, sở ngành (hay trung tâm điều hành - OC) được phân quyền dùng chung, cung cấp thông tin, số liệu, cảnh báo để chỉ đạo, điều hành theo mô hình chính quyền đô thị”- ông Nguyễn Quang Thanh chia sẻ.

Trong đó IOC TP là Trung tâm giám sát điều hành cấp cao nhất của TP, là đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu từ các OC chuyên ngành, quận huyện và các hệ thống ứng dụng, cảm biến IoT, phân tích, đưa ra số liệu tổng hợp về tình hình hoạt động của TP để lãnh đạo TP có thông tin chỉ đạo và điều hành, đồng thời chia sẻ thông tin cho các cơ quan liên quan phục vụ quản lý nhà nước, công khai, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp phục vụ triển khai chính quyền đô thị.

OC quận huyện, OC chuyên ngành là các trung tâm giám sát, điều hành theo địa bàn địa lý của quận, huyện hoặc theo lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành. Tuỳ vào chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước, các OC được phân cấp tiếp nhận các thông tin, dữ liệu do IOC TP phân tích và chia sẻ để phục vụ công tác giám sát, điều hành.

Với mô hình này, dữ liệu từ các hệ thống ứng dụng của các cơ quan, đơn vị được thu thập, sử dụng, kết nối tập trung và thực hiện giám sát trên hệ thống, tạo ra các nhóm dịch vụ đô thị thông minh từ nhiều nguồn khác nhau như dữ liệu từ ứng dụng chính quyền điện tử; dữ liệu từ các hệ thống quản lý đô thị thông minh và dữ liệu từ các doanh nghiệp, cộng đồng triển khai...

Việc giám sát, cảnh báo, điều hành vừa theo hình thức biểu diễn trực quan trên biểu đồ (dashboard) vừa trên bản đồ số với thông tin hiện trường của trên 300 thiết bị cảm biến IoT. Giai đoạn 1, Trung tâm IOC có 15 nhóm dịch vụ gồm các nhóm chức năng về giám sát, điều hành và nhóm chức năng về phân tích, cảnh báo; đặc biệt sẵn sàng cho triển khai các bài toán phục vụ điều hành phòng chống dịch và các tình huống khẩn cấp khác.

Đà Nẵng tích hợp các chức năng quản lý điều hành lên ứng dụng Da Nang Smart City

Thông qua các dữ liệu được gửi về để sử dụng phân tích, IOC TP sẽ phát hiện và cảnh báo sớm các vấn đề, sự kiện bất thường liên quan đến hoạt động của đô thị, thông tin cho các cơ quan chức năng để xử lý; hỗ trợ làm Trung tâm chỉ huy tập trung của TP trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh,…

Đối với người dân, ngoài thụ hưởng các nhóm dịch vụ đô thị thông minh do TP cung cấp; còn được trực tiếp sử dụng các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh trên ứng dụng Danang Smart City, kịp thời nhận thông báo khi có các tình huống xấu, khẩn cấp xảy ra trên địa bàn…góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho cộng đồng.

“Việc đưa Trung tâm IOC vào hoạt động được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng một đô thị Đà Nẵng thân thiện và thông minh hơn; phục vụ mục tiêu triển khai chính quyền đô thị, đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số tại Đà Nẵng.

"TP Đà Nẵng xác định xây dựng TP thông minh là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn trưởng thành và phát triển; cùng chiến lược tiếp cận theo 3 trục “Hạ tầng - Dữ liệu và Thông minh”.

"Với phương châm “Chính sách, khung kiến trúc để định hướng; hạ tầng, dữ liệu làm nền tảng; ứng dụng thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả”, Đà Nẵng phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN như Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đã đề ra” - Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng khẳng định.

Quy mô hiện tại của Trung tâm IOC là giai đoạn 1. Ở giai đoạn này, Đà Nẵng bước đầu triển khai công cụ/công nghệ 4.0 và sử dụng lại các dữ liệu hiện có để “tạo ra giá trị mới” theo chủ để năm 2023 của Uỷ ban quốc gia chuyển đổi số (tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới) và chủ đề năm 2023 của TP (tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội).

Trong thời gian đến, Trung tâm IOC sẽ là nơi thu nhập, phân tích hầu hết dữ liệu số của các ngành, địa phương; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động trong lộ trình xây dựng TP thông minh, phục vụ đắc lực cho tổ chức mô hình chính quyền đô thị.