Đà Nẵng: Gặp gỡ nhân chứng Hoàng Sa nhân ngày 19/1

VietTimes -- Chiều 19/1, UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) đã tổ chức buổi Gặp gỡ các nhân chứng, những người từng công tác, sinh sống trên quần đảo Hoàng Sa nhân ngày 19/1
Chiều 19/1, UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) đã tổ chức buổi Gặp gỡ các nhân chứng, những người từng công tác, sinh sống trên quần đảo Hoàng Sa nhân ngày 19/1
Chiều 19/1, UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) đã tổ chức buổi Gặp gỡ các nhân chứng, những người từng công tác, sinh sống trên quần đảo Hoàng Sa nhân ngày 19/1

Cách đây 43 năm (ngày 19/1/1974), Trung Quốc đã tấn công quân sự chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và chiếm giữ cho đến nay. Để nhắc nhở các thế hệ luôn ghi nhớ, hướng về Hoàng Sa, UBND huyện Hoàng Sa đã tổ chức nhiều sự kiện và hoạt động nhằm tuyên truyền về sự thật lịch sử liên quan đến cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa, cũng khơi gợi lòng yêu nước và ý thức về lịch sử dân tộc trong đông đảo người dân.

Trong đó, buổi Gặp gỡ các nhân chứng Hoàng Sa được tổ chức thường niên, như sự tri ân đối với những người con đất Việt đã ngã xuống để gìn giữ máu thịt của Tổ quốc.

Tại buổi gặp mặt, 12 nhân chứng sống, người có tuổi đời trẻ nhất cũng đã 65 tuổi vẫn đến dự đông đủ dù nhiều nhân chứng sức khỏe có phần giảm sút. Mở đầu buổi gặp mặt, ông Trần Hòa (65 tuổi, trú tại H.Duy Xuyên, Quảng Nam) xúc động chia sẻ tình cảm của mình đối với Hoàng Sa và những trăn trở đối với một phần máu thịt của Tổ quốc còn chưa trở về với đất mẹ. "Hoàng Sa là của Việt Nam, bằng mọi giá phải lấy lại đảo Hoàng Sa. Dù rằng 10 năm, 20 năm, 100 năm, thế hệ này không lấy lại được thì thế hệ sau sẽ lấy lại", ông Trần Hòa nói.

VietTimes, hải chiến, Hoàng Sa, Đà Nẵng, Trung Quốc, xâm chiếm, nhân chứng sống, ngày 19/1
TS.Trần Đức Anh Sơn (bìa phải) Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đã trao tặng UBND huyện Hoàng Sa 2 cuốn sách liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.

Chia sẻ những tâm tư tình cảm của mình với Hoàng Sa, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, ông Đặng Công Ngữ tâm huyết nói: "Hiện theo Luật chính quyền địa phương thì địa vị pháp lý của huyện đảo còn chông chênh lắm. UBND Hoàng Sa cần phải thành lập theo dạng là một đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để có cơ chế riêng. Theo quy định, Chủ tịch UBND huyện phải được HĐND bầu nên Nhà nước cần thành lập ngay huyện phải có dân, có đất để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của UBND huyện theo luật quy định. Phải củng cố việc này…”.

Cũng tại buổi gặp mặt, TS.Trần Đức Anh Sơn, Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đã trao tặng 2 cuốn sách liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam. Đặc biệt, trong số đó là ấn phẩm mới của một hiệp hội chuyên nghiên cứu về bản đồ tại TP.Wasinton (Mỹ) có bài nghiên cứu về tấm bản đồ nổi tiếng An Nam đại quốc họa đồ của Jean-Louis Taberd nói về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Vào chiều cùng ngày, các nhân chứng đã đến thắp hương cho 2 nhân chứng khác đã qua đời trong năm 2016 là ông Tạ Hồng Tấn và Ngô Tấn Phát. UBND H.Hoàng Sa cũng đã tổ chức xe đưa các nhân chứng đi thăm Nhà trưng bày Hoàng Sa hiện đã thi công xong phần thô.