Đả hổ diệt ruồi, Trung Quốc dùng “bàn tay sắt”

VietTimes -- Trung Quốc đã dùng "bàn tay sắt", tăng cường giám sát, siết chặt kỷ luật, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tăng cường hệ thống chế độ, tập trung xây dựng cơ chế, thể chế "không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng".
Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc. Ảnh: Thời báo New York.
Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc. Ảnh: Thời báo New York.

Tân Hoa xã ngày 5/10 đã có bài viết về việc hình thành trạng thái "áp đảo" trong cuộc chiến chống tham nhũng trong những năm qua ở Trung Quốc.

Từ Đại hội 18 đến nay, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc do ông Tập Cận Bình đứng đầu đã sử dụng "bàn tay sắt" trong cuộc chiến chống tham nhũng, tăng cường giám sát, siết chặt kỷ luật, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tăng cường hệ thống chế độ, tập trung xây dựng cơ chế, thể chế "không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng", thúc đẩy hình thành trạng thái "áp đảo" trong cuộc chiến chống tham nhũng, phù hợp với "ý Đảng, lòng dân".

Ra tay mạnh, tạo được khả năng răn đe lớn

Ngày 27/8, Trưởng ban kiểm tra kỷ luật Bộ Tài chính, ông Mạc Kiến Thành – người được Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương cử đến thường trực ở Bộ Tài chính đã bị điều tra vì tình nghi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

Trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, mức độ chống tham nhũng không hề giảm đi, "nhịp điệu" không thay đổi. Từ Đại hội 18 đến nay, Trung Quốc đã "ra tay rất mạnh" đối với tội tham nhũng, kiên quyết "trị Đảng" toàn diện và nghiêm minh, triển khai triệt để việc xây dựng Đảng trong sạch và đấu tranh chống tham nhũng.

Trung Quốc không hề "chùn tay" trong việc xét xử "thiểu số quan trọng" (các quan chức cấp cao hay gọi là "hổ lớn"). Tính đến cuối tháng 6/2017, từ Đại hội 18 đến nay, tổng cộng xét xử hơn 280 cán bộ do trung ương quản lý, hơn 8.600 cán bộ cấp cục, 66.000 cán bộ cấp huyện.

Mức độ trừng phạt "thiểu số quan trọng" không ngừng tăng cường, xét xử nghiêm minh, tạo được khả năng răn đe to lớn, vừa làm cho các phần tử tham nhũng phải khiếp sợ, vừa làm cho đông đảo cán bộ đảng viên hiểu rõ quy củ, biết kính sợ.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng không buông lỏng việc trừng trị những "quan tham nhỏ" ở gần với quần chúng nhân dân. Cơ quan kiểm tra giám sát các cấp tập trung vào diệt quan tham trong các lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, tham ô, tiêu xài hoang phí, tiếp tục gia tăng mức độ xét xử đối với những vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích của người dân.

Từ Đại hội 18 đến cuối tháng 6/2017, đã trừng trị tổng cộng 1,343 triệu cán bộ đảng viên cấp xã, phòng, trừng trị 648.000 cán bộ đảng viên ở nông thôn, làm cho công tác xây dựng Đảng trong sạch và chống tham nhũng đi sâu xuống cơ sở.

Trung Quốc đã tiến hành ráo riết việc truy bắt quan tham, truy tìm tang vật ở cấp độ quốc tế, cho dù tội phạm có trốn ở "chân trời góc bể". Trung Quốc tiến hành "chiến dịch Lưới Trời" trong 4 năm liên tục, phát lệnh truy nã "đỏ" đối với các phần tử tham nhũng chạy ra nước ngoài.

Những tội phạm như Dương Tú Châu, Lý Hoa Ba đã lần lượt bị đưa về quy án hoặc tự ra đầu thú, tổng cộng có 2.566 quan tham chạy ra nước ngoài đã đưa trở về nước xét xử, thu được 8,64 tỷ nhân dân tệ, một loạt phần tử tham nhũng chạy ra nước ngoài đã bị sa lưới, chúng vĩnh viễn không có chống dung thân.

Ông Tôn Chính Tài, ngôi sao chính trị đang lên ở Trung Quốc bỗng
Ông Tôn Chính Tài, ngôi sao chính trị đang lên ở Trung Quốc bỗng "vụt tắt". Ảnh: Dwnews.

"Trạng thái áp đảo của cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã hình thành" - cuối năm 2016, hội nghị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra đánh giá như vậy đối với tình hình đấu tranh chống tham nhũng ở Trung Quốc.

Tăng cường giám sát, truy cứu trách nhiệm một cách nghiêm túc

Làm chính trị quan trọng ở hành động, sự việc thành công dựa vào thực tế. Từ Đại hội 18 đến nay, xuất phát từ chủ trương "đánh thắng" cuộc chiến chống tham nhũng, cơ quan kiểm tra kỷ luật các cấp của Trung Quốc đã không ngừng thúc đẩy cải cách, đổi mới phương thức, phương pháp giám sát trong Đảng, thực hiện giám sát toàn diện, bao quát trong Đảng.

Chú trọng áp dụng "4 hình thái" giám sát, kỷ luật. Cơ quan kiểm tra, giám sát các cấp ở Trung Quốc đã vận dụng có hiệu quả các hình thái này, xuất phát từ những vấn đề "nhỏ" và "thường ngày", kịp thời xử lý những vấn đề mang tính "manh mối", "khuynh hướng" do cán bộ đảng viên phản ánh, giảm lượng tồn đọng, ngăn chặn tiêu cực tăng lên, ngăn chặn tham nhũng lan tràn.

Từ Đại hội 18 đến cuối tháng 6/2017 đã tổng cộng xử lý 2,362 triệu manh mối, lập hồ sơ 1,418 vụ án, xử phạt 1,409 triệu người, chuyển cho cơ quan tư pháp xử lý theo pháp luật 54.000 người.

Đối với cán bộ lãnh đạo thực hiện "2 trách nhiệm" không có hiệu quả, cơ quan kiểm tra, kỷ luật các cấp đã truy cứu trách nhiệm, xử lý nghiêm túc, tăng cường mức độ "kính sợ" đối với đông đảo đảng viên về kỷ luật Đảng.

Trung Quốc đã kiên quyết xử lý những vấn đề tham nhũng có hệ thống và nghiêm trọng ở tỉnh Sơn Tây; truy cứu trách nhiệm nghiêm túc đối với vụ án phá hoại bầu cử ở Hoành Dương, tỉnh Hồ Nam; xử lý nghiêm khắc 477 người liên quan đến vụ án lôi kéo phiếu bầu ở Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên; xử lý nghiêm khắc vấn đề lôi kéo phiếu bầu có hệ thống ở tỉnh Liêu Ninh, truy cứu trách nhiệm 955 cán bộ; truy cứu trách nhiệm nghiêm túc đối với cơ quan đảng ở Bộ Tài chính do "trị Đảng" không tốt, Thứ trưởng và Trưởng ban kiểm tra kỷ luật của bộ này bị truy cứu trách nhiệm.

Tăng cường tự giám sát. Đối với những vấn đề quan trọng và rủi ro trong giám sát, kỷ luật, Trung Quốc đã tiến hành lập ra quy củ, làm nghiêm kỷ luật, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong giám sát, kỷ luật, đề phòng chặt chẽ những lỗ hổng.

Từ Đại hội 18 đến cuối năm 2016, Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương đã truy hỏi 218 cán bộ, tổ chức điều chỉnh 21 người, lập hồ sơ xét xử 17 người. Trên toàn quốc truy hỏi 5.800 lượt người, xử lý 2.500 người, xử phạt 7.900 người.

Ông Mạc Kiến Thành, Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật Bộ Tài chính Trung Quốc đã bị ngã ngựa. Ảnh: Dwnews.
Ông Mạc Kiến Thành, Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật Bộ Tài chính Trung Quốc đã bị ngã ngựa. Ảnh: Dwnews.

Cơ quan kiểm tra, kỷ luật các cấp tăng cường tự giám sát, phát hiện ra cán bộ nào tư lợi thì lập tức xử cán bộ đó, kiên quyết làm trong sạch bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra, kỷ luật, giám sát trung thành, trong sạch và có trách nhiệm.

Trị cả gốc lẫn ngọn, tạo ra "lồng giam" chặt chẽ

Từ Đại hội 18 đến nay, dựa vào chỉ đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương đã kiên trì tìm tòi thực tiễn, tổng kết kinh nghiệm trong "quản Đảng, trị Đảng", xây dựng tác phong và chống tham nhũng, nhất là thực tiễn mới từ Đại hội 18 đến nay, kịp thời chuyển hóa thành thành quả "chế độ", không ngừng xây dựng, kiện toàn cơ chế có hiệu quả, làm cho chế độ trở thành vũ khí lợi hại trong xây dựng tác phong, chống tham nhũng.

Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra và sửa đổi hơn 80 bộ pháp quy trong Đảng, đặc biệt là "Quy tắc tự làm trong sạch Đảng Cộng sản Trung Quốc", "Điều lệ truy cứu trách nhiệm Đảng Cộng sản Trung Quốc", sửa đổi "Điều lệ xử phạt, kỷ luật Đảng Cộng sản Trung Quốc", Điều lệ công tác thanh tra Đảng Cộng sản Trung Quốc", thông qua "Một số quy tắc về sinh hoạt chính trị trong Đảng trong tình hình mới" và "Điều lệ giám sát trong Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc"...

Trên cơ sở đó, "lồng giam" kỷ luật Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng siết chặt, đã tạo cơ sở vững chắc về chế độ để củng cố và phát triển trạng thái "áp đảo" trong đấu tranh chống tham nhũng.

Trị cả ngọn lẫn gốc mới có thể phòng họa khi chưa xảy ra, giành được thế chủ động. Các chuyên gia chống tham nhũng cho rằng phải bắt tay từ xây dựng chế độ đầy đủ, dùng chế độ để điều chỉnh hành vi của các tổ chức đảng và đảng viên, lấy chế độ làm thước đo cho mọi hoạt động của Đảng, làm cho các quy định "thép" phát huy tác dụng, các lệnh cấm có khả năng răn đe, kiên quyết đánh thắng cuộc chiến chống tham nhũng và xây dựng tác phong trong sạch của Đảng, tiến hành "đánh lâu dài", thúc đẩy hình thành môi trường chính trị tốt đẹp với tác phong trong sạch, đề cao liêm khiết, tôn trọng kỷ luật và pháp luật.