Ông Phan Vinh Quang - Trưởng nhóm chuyên gia của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). |
Trưởng nhóm chuyên gia của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Phan Vinh Quang đề xuất như vậy, trong bối cảnh Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) sẽ được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội vào sáng mai (28/5).
Theo đó, để một dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) thành công, việc chuẩn bị dự án có ý nghĩa mang tính quyết định.
Điều này được ví như ra đề thi đại học, nếu khâu ra đề và triển khai không tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng đầu vào.
Thực tế tại các dự án BOT, BT ở Việt Nam thời gian qua đang cho thấy nhiều vấn đề. Việc phải hủy thầu sơ tuyển dự án cao tốc Bắc - Nam là do khâu chuẩn bị dự án và tìm hiểu thị trường chưa tốt, chưa thu hút được nhà đầu tư như mong muốn, dẫn đến việc phải hủy thầu sau khi tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực xây dựng hồ sơ.
Một phần nguyên nhân do chúng ta dựa quá nhiều vào các “cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, bao gồm cả chuyên môn lẫn trách nhiệm, đạo đức công vụ.
Các chuyên gia cơ sở hạ tầng thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) cũng chỉ ra rằng, các dự án PPP ở Việt Nam kém thu hút khu vực tư nhân do thiếu các dự án chất lượng. Điều này xuất phát từ chính năng lực hạn chế của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, họ thiếu khả năng soạn lập và đàm phán hợp đồng, trong khi đây lại là yêu cầu quan trọng bởi các dự án PPP mang tính chất dài hạn và chi phí giao dịch lớn.
Mặt khác, theo đánh giá, dữ liệu thu thập được qua các cuộc khảo sát để xây dựng dự án PPP có vấn đề, kém chính xác khiến nhiều dự án bị giảm vốn đầu tư, ảnh hưởng đến phương án tài chính và phải ký lại hợp đồng. Thậm chí, rất nhiều dự án còn phải đối mặt với tình trạng thua lỗ và nguy cơ phá sản.
Trên thực tế, để chuẩn bị dự án thật tốt, Nghị định 63/2018/NĐ-CP về PPP quy định trong trường hợp cần thiết, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ chọn tổ chức tư vấn độc lập để hỗ trợ triển khai một số nhiệm vụ. Ngoài ra, khi cần, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể thuê một tổ chức tư vấn có năng lực để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ nhất định.
Tuy nhiên, do quá trình phân bổ ngân sách dành cho mua sắm và chi trả cho các tổ chức tư vấn thường rất tốn thời gian hoặc vượt quá khả năng chi trả của Chính phủ nên điều này không phổ biến.
Các chuyên gia cơ sở hạ tầng thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) cũng chỉ ra rằng, các dự án PPP ở Việt Nam kém thu hút khu vực tư nhân do thiếu các dự án chất lượng. Ảnh minh họa: VEC
|
Các chuyên gia về PPP chỉ rõ, trong điều kiện nguồn nhân lực và vật lực hạn chế, việc thành lập đơn vị chuyên nghiệp để chuẩn bị dự án, xây dựng hồ sơ mời thầu và chấm thầu minh bạch sẽ khắc phục được những bất cập trong việc triển khai thực hiện dự án. Điều này sẽ góp phần bảo đảm các dự án PPP được triển khai thành công.
Bài học kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, việc phải có cơ quan xây dựng dự án PPP chuyên trách là nhu cầu cấp thiết, thay vì chỉ dựa vào năng lực của cơ quan nhà nước. Đây gần như là trung tâm khảo thí PPP giúp chủ đầu tư ra đề bài, chấm bài theo chuẩn quốc tế.
Dẫn kinh nghiệm tại Philippines, chuyên gia Phan Vinh Quang cho biết, Cơ quan phát triển dự án PPP (hoạt động như một trung tâm khảo thí) thành lập từ năm 2010. Hiện, trung tâm đã hỗ trợ xây dựng đề thi và chấm thi cho 38 dự án với tổng giá trị hàng tỷ USD. Toàn bộ chi phí ra đề và chấm thi với từng dự án sẽ được nhà đầu tư thắng thầu hoàn trả. Như vậy, Nhà nước bỏ ra một lượng vốn rất ít; một số nhà tài trợ như ADB, Australia hỗ trợ cấp vốn cho cơ quan này.
Cơ quan này có mối liên hệ mật thiết với các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để biết thị trường cần gì và Nhà nước có gì, từ đó ghép nối và đưa ra các dự án có chất lượng đúng nhu cầu của thị trường, tăng khả năng thành công và triển khai dự án.
“Trong bối cảnh chúng ta còn đang loay hoay với nhiều vấn đề sự vụ trong Luật PPP như trần bảo lãnh, quy mô dự án PPP,... thì đối thủ cạnh tranh đang tận dụng trung tâm khảo thí PPP để thu hút đầu tư. Tại sao Việt Nam không nghĩ đến trung tâm khảo thí PPP trước thực tế việc ra đề, chấm thi trong các dự án PPP còn quá nhiều bất cập như thời gian qua?” - ông Quang đề xuất./.