‘Dạ cổ hoài lang’: Câu chuyện đẫm nước mắt về người Việt

 Từ sân khấu kịch lên màn ảnh rộng, “Dạ cổ hoài lang” vẫn khiến khán giả phải thổn thức trước nỗi cô đơn, buồn tủi của những “khúc ruột Lạc Hồng” phiêu bạt nơi xứ người.
Bộ phimDạ cổ hoài langmang đến cho đạo diễn Dũng "khùng" cả những lợi thế lẫn thách thức.
Bộ phimDạ cổ hoài langmang đến cho đạo diễn Dũng "khùng" cả những lợi thế lẫn thách thức.

Dạ cổ hoài lang là khúc vọng cổ vô cùng nổi tiếng của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và được nhiều người Việt Nam biết tới. Song, trên thực tế, vở kịch Dạ cổ hoài lang do Thanh Hoàng chấp bút không phải là bản chuyển thể của khúc ca, mà là những cảm xúc “dứt ruột” về cuộc sống nơi đất khách quê người của hai ông già tại nước Mỹ xa xôi.

Ra đời từ năm 1994, trải qua 23 năm với hàng nghìn suất diễn, hàng chục thế hệ diễn viên thay phiên nhau sắm vai, Dạ cổ hoài lang dần trở thành tượng đài quý giá của kho tàng kịch sân khấu Việt Nam.

Do đó, đưa Dạ cổ hoài lang lên màn ảnh rộng vừa là thuận lợi, vừa là thử thách dành cho đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Thuận lợi trước hết bởi anh sở hữu hai diễn viên chính kỳ cựu: Hoài Linh và Chí Tài - hai người bạn, hai người đồng nghiệp đã có hàng chục năm cộng tác ăn ý cùng nhau.

Tiếp theo, anh có được sự hỗ trợ từ nhạc sĩ danh tiếng Đức Trí, người nghiên cứu rất kỹ lưỡng bản Dạ cổ hoài lang và nay hòa âm khúc vọng cổ trên nền nhạc hiện đại. Và trên hết, vở kịch của Thanh Hoàng vốn đã rất nổi tiếng đối với đại chúng và giúp bộ phim gây ra được sự tò mò lớn trước giờ ra rạp.

Tuy nhiên, thử thách dành cho đạo diễn Dũng “khùng” cũng không nhỏ, bởi anh phải “làm mới” mà vẫn bảo tồn vẹn nguyên giá trị của một thiên kịch có tuổi đời lên đến hơn hai thập kỷ.

Trong bối cảnh sân khấu nhỏ hẹp, những tình tiết trong tác phẩm rất phù hợp. Nhưng khi mang tất cả lên màn ảnh rộng, chúng sẽ bị đưa ra so sánh với nguyên tác kịch nghệ bởi những người đã gắn bó và theo dõi Dạ cổ hoài lang suốt từ năm 1994 đến nay.

Đưa câu chuyện quen thuộc lên màn ảnh

Thời gian quay của Dạ cổ hoài lang là ba năm, một con số hiếm thấy trong làng phim Việt. Điều đó càng trở nên khó hiểu khi tác phẩm có rất ít bối cảnh và nhân vật. Nhưng khi theo dõi bộ phim, người xem hoàn toàn có thể hiểu được dụng công của đoàn làm phim.

Hai đại cảnh hoành tráng nhất bộ phim là ngọn đồi nước Mỹ với tuyết rơi trắng xóa và vùng đồng quê Việt Nam với lúa nước xanh rì, mang đến trải nghiệm mãn nhãn cho khán giả. Đồng thời, sự đối lập giữa hai bối cảnh: một bên lạnh lẽo, lẻ loi, với một bên ấm áp, quây quần tạo ra ấn tượng về cả thị giác lẫn tâm trí.

Theo dõiDạ cổ hoài lang, khán giả phần nào có thể lập tức hiểu được tại sao ê-kíp làm phim mất tới ba năm mới có thể hoàn thành bộ phim.
Theo dõiDạ cổ hoài lang, khán giả phần nào có thể lập tức hiểu được tại sao ê-kíp làm phim mất tới ba năm mới có thể hoàn thành bộ phim.

Để ghi hình cảnh tuyết rơi hoàn toàn không dễ dàng bởi đoàn làm phim có lần đã sang Canada, “ăn không ngồi không” suốt nhiều tuần lễ mà vẫn chẳng thấy tuyết đâu. Cứ thế, quá trình thực hiện Dạ cổ hoài lang bị kéo dài hơn rất nhiều so với dự kiến.

Đảm nhiệm vai Tư Lành là nghệ sĩ Hoài Linh. Còn Chí Tài hóa thân thành Năm Triều - người bạn chí cốt, đồng thời là tình địch lâu năm của ông Tư. Thời còn trẻ, hai người cùng yêu mến cô Út Trong, nhưng nhờ giọng ca “ngọt như mía lùi” mà Tư Lành chiếm trọn trái tim người thôn nữ.

Còn Năm Triều khi ấy tuy gia cảnh giàu sang hơn bạn thân, thậm chí đã mang trầu cau sang dạm hỏi Út Trong, nhưng vì cảm động trước tình yêu của hai người, anh chấp nhận từ hôn để cô Út đến với cậu Tư.

Nhiều năm sau, bà Út qua đời. Tư Lành và Năm Triều gặp lại nhau trên đất Mỹ xa xôi. Không biết tiếng, không rành phong tục tập quán, ông Tư Lành cô đơn, lạc lõng dù có con cháu ở bên. Ông trốn khỏi viện dưỡng lão về nhà, định tổ chức đám giỗ cho bà Út nhưng bị cô cháu nội ngăn cản.

Chán chường, ông bỏ nhà cùng Năm Triều và hai người cứ thế cùng nhau ôn lại chuyện xưa, nhớ lại những tháng năm tuổi trẻ cơ cực mà đầm ấm nơi quê nhà .Và câu ca “Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phán lên đàng…” cứ thế vang lên day dứt trong tiết trời đông lạnh giá.

Sự tinh tế về mặt nội dung

Đạo diễn Quang Dũng đã mạnh dạn thay đổi một số chi tiết trong phiên bản kịch mà anh cảm thấy chưa hợp lý, như nhân vật bạn trai của cô cháu gái vốn là nút thắt khá quan trọng ở vở kịch, nhưng nay biến thành một chàng trai da màu không hiểu tiếng Việt, không giữ vai trò đáng kể trong phim.

Anh giải thích rằng một ngôi nhà có quá nhiều người Việt trên đất Mỹ sẽ mang đến cảm giác nhàm chán, và sự xuất hiện của một chàng trai đến từ cộng đồng thiểu số, bị kỳ thị, hẳn sẽ giúp người xem dễ dàng đồng cảm với ông Tư Lành hơn.

Nội dungDạ cổ hoài langrất tinh tế, cảm động và chạm đến con tim khán giả bởi thông điệp xúc động.
Nội dungDạ cổ hoài langrất tinh tế, cảm động và chạm đến con tim khán giả bởi thông điệp xúc động.

Ngoài ra, Dũng “khùng” còn khai thác rất rõ ràng mối quan hệ giữa ba nhân vật Tư, Năm và Út khi họ còn trẻ, giúp khán giả hiểu sâu hơn về nhóm người, qua đó giúp tô đậm thêm sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại.

Với những người xa quê, Dạ cổ hoài lang lột tả đúng tâm trạng “khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Vốn quen diễn hài nhưng cả Hoài Linh lẫn Chí Tài đều lột tả xuất sắc cảm xúc buồn bã, lạc lõng của hai ông già nơi xứ lạ.

Ông Tư Lành đôn hậu nhưng nghiêm khắc, còn ông Năm Triều vẫn phảng phất chút kiêu ngạo của cậu công tử năm nào. Khi ở bên nhau, họ tạo thành bộ đôi hoàn hảo, bù trừ khuyết thiếu, mang đến cho khán giả cả tiếng cười lẫn những giọt nước mắt.

Tuy thời lượng không dài, bối cảnh không đa dạng, nhân vật không phong phú nhưng câu chuyện của Dạ cổ hoài lang rất chân thực, giàu ý nghĩa. Từ sự khác biệt thế hệ, lối sống Việt - Mỹ, già - trẻ cho đến tình bạn, tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đều được khắc họa đầy tinh tế.

Trong nhiều năm, luôn tồn tại định kiến cho rằng cộng đồng Việt kiều là những người may mắn, sung sướng. Nhưng liệu có ai hay nỗi cô quạnh mà họ phải chịu đựng khi rời xa quê cha đất tổ?

Bởi ai mà không muốn “lá rụng về cội”, chan chứa nỗi nhớ thương ngôi nhà mình từng gắn bó, thay vì lưu lạc ở nơi xa lạ, từ ngôn ngữ, văn hóa cho đến con người?

Cái kết buồn của Dạ cổ hoài lang giống như chính những phận đời đang tha hương cầu thực khắp muôn phương. Tiền bạc có thể dư dả hơn, nhưng chắc chắn trong lòng họ luôn đau đáu nỗi nhớ quê.

Bộ phim không chỉ làm rung động người xa xứ, mà còn là lời nói thức tỉnh những ai đang may mắn vẫn đang ở gần bên gia đình rằng hãy trân trọng điều gần gũi mà mình đang có.

Theo Zing

http://news.zing.vn/da-co-hoai-lang-cau-chuyen-dam-nuoc-mat-ve-nguoi-viet-post731298.html