Cựu Tổng thống Nga: Các chính trị gia EU đang muốn có chiến tranh trên đất của họ

Cựu Tổng thống Nga chỉ trích chính trị gia người Đức Friedrich Merz vì cho rằng ông sẽ đe dọa Moscow nếu được bầu làm Thủ tướng.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev (Ảnh: Sputnik)

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm 112/11 tuyên bố rằng một số chính trị gia ở EU dường như đang có ý định gây ra một cuộc chiến toàn diện với Nga trên lãnh thổ của họ.

Bình luận này được đưa ra sau khi nghị sĩ Đức Friedrich Merz - lãnh đạo Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và là ứng cử viên Thủ tướng - cho biết ông sẽ ủng hộ gửi tối hậu thư cho Nga, trong đó Ukraine sẽ đe dọa sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp trừ khi Moscow đồng ý ngừng bắn.

Chính trị gia người Đức trước đây đã cáo buộc Thủ tướng hiện tại Olaf Scholz quá ôn hòa với Nga, đồng thời chỉ trích ông Scholz vì từ chối cung cấp tên lửa Taurus phóng từ trên không cho Kiev.

Ông Scholz lập luận rằng động thái như vậy sẽ khiến Đức trở thành bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột Ukraine. Ngược lại, ông Merz nói rằng nếu được bầu làm Thủ tướng, ông có ý định sử dụng vũ khí do Kiev yêu cầu làm đòn bẩy với Moscow. Ông nói với tạp chí Stern trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước rằng ông sẽ giao tên lửa trong vòng một tuần nếu Nga từ chối yêu cầu của Ukraine.

Trả lời phỏng vấn hôm 12/11, ông Medvedev lập luận rằng tên lửa sẽ không thay đổi cục diện cuộc xung đột mà thay vào đó sẽ “làm tăng gấp nhiều lần nguy cơ xung đột bước vào giai đoạn nguy hiểm nhất”.

“Nói chung, thật đáng ngạc nhiên khi thế hệ chính trị gia châu Âu hiện tại lại háo hức mời chiến tranh vào lãnh thổ của họ. Đáng chú ý là điều này làm người Mỹ hài lòng và đi ngược lại mong muốn của chính người dân họ”, ông Medvedev, người hiện đang giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nói thêm.

Ông tuyên bố, cái tôi bị thổi phồng đã thay thế sự khôn ngoan và kinh nghiệm mà các chính trị gia châu Âu từng thể hiện.

Moscow coi cuộc xung đột ở Ukraine là một cuộc chiến ủy nhiệm do Mỹ dẫn đầu chống lại Nga, điều mà phương Tây có ý định tiến hành “đến người Ukraine cuối cùng”. Kiev từ lâu đã xin phép thực hiện các cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa được tài trợ vào sâu trong lãnh thổ Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng chính phủ của ông sẽ coi bất kỳ hoạt động nào như vậy là một cuộc tấn công trực tiếp vào nhà cung cấp vũ khí liên quan.

Đầu tháng này, liên minh cầm quyền ở Đức đã sụp đổ trong bối cảnh các đảng thành viên bất đồng về chi tiêu chính phủ trong tương lai. Ông Scholz đã kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Tùy thuộc vào kết quả, ông sẽ lãnh đạo một chính phủ thiểu số hoặc triệu tập một cuộc tổng tuyển cử nhanh chóng.