Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak bị điều tra rửa tiền liên quan đến các công ty Trung Quốc

VietTimes -- Theo BBC, ngày 16/7, một quan chức cao cấp Malaysia cho biết: công ty Trung Quốc có thể đã giúp cựu Thủ tướng Najib Razak – người đang bị cáo buộc phạm tội nhận hối lộ - rửa tiền. Chính phủ mới của Thủ tướng Mahathir Mohamad tin rằng, vụ bê bối tiền bạc của quỹ “Một Malaysia” (1MDB) liên quan đến các công ty Trung Quốc.
Ông Najib Razak  (giữa) hiện đang bị khởi tố điều tra vì tham nhũng.
Ông Najib Razak (giữa) hiện đang bị khởi tố điều tra vì tham nhũng.

Cách đây ít lâu, Bộ Tài chính Malaysia đã đình chỉ 3 dự án lớn do các công ty Trung Quốc nhận thầu xây dựng, bao gồm 2 dự án đường ống dẫn khí đốt và 1 công trình đường sắt với tổng giá trị lên tới hơn 22 tỷ USD.

Vị quan chức cao cấp chính phủ Malaysia cho BBC biết: các dự án đường ống dẫn khí đốt này bị nghi liên quan đến hoạt động rửa tiền của chính phủ Najib Razak. Ông Najib Razak đã thất bại trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5/2018. Hôm 5/7, ông đã bị khởi tố về 4 tội danh, liên quan đến việc rút từ công ty trực thuộc Quỹ “1MDB” 10 triệu USD để chuyển vào tài sản cá nhân. Tuy nhiên ông Najib Razak đã phủ nhận tội danh này cùng mọi cáo buộc ông có liên quan đến “1MDB”.

Bản đồ Dự án Đường sắt bờ biển phía Đông đang bị Malaysia đình chỉ thi công
 Bản đồ Dự án Đường sắt bờ biển phía Đông đang bị Malaysia đình chỉ thi công

Việc điều tra của Bộ Tài chính Malaysia đã phản ánh những thay đổi lớn trong quan hệ Malaysia – Trung Quốc sau khi ông Najib Razak thất cử. Ngày 6/7/2018, Bộ này ra tuyên bố tạm đình hoãn việc thực hiện 3 hợp đồng lớn liên quan đến các công ty Trung Quốc.

Hai dự án đường ống dẫn khí đốt có tổng giá trị lên tới 2,3 tỷ USD. Lãnh đạo mới của Bộ Tài chính Malaysia kinh ngạc phát hiện ra rằng, tuy phía Malaysia đã chuyển trả tới 88% tổng giá trị hợp đồng xây dựng cho Tập đoàn công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (China National Petroleum Corporation – CNPC), nhưng họ mới chỉ hoàn thành được 13% công việc.

Ông Tony Pua quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Malaysia nói với BBC, các phần căn bản của công trình hiện vẫn chưa được bắt đầu, hiện mới chỉ xong công tác nghiên cứu, tư vấn mà thôi. Ông nói: “Toàn bộ hạng mục đều là một  màn kịch lừa đảo, rõ ràng liên quan đến hoạt động rửa tiền. Khi mà chúng tôi trả tiền cho công ty Trung Quốc thì chúng tôi cũng nghi ngờ số tiền đó đã chảy vào túi các đảng chính trị của chính phủ trước”.

Một quan chức Malaysia bên sơ đồ Tuyến đường sắt ECRL bị đình chỉ thi công
Một quan chức Malaysia bên sơ đồ Tuyến đường sắt ECRL bị  đình chỉ thi công 

Tony Pua nói, Bộ Tài chính tin chắc khoản tiền này được dùng vào việc trả nợ của Quỹ “1MDB”. “1MDB” được ông Najib Razak lập ra năm 2009 với mục đích trợ giúp kinh tế Malaysia phát triển. Ông Tony Pua cho biết, hiện nay quỹ này đang mắc nợ tới 12 tỷ USD.

Hiện CNPC chưa hồi đáp lại bức thư điện tử với nội dung cáo buộc của ông Tony Pua, nhưng Đại sứ quán Trung Quốc tại London đã lên tiếng. Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc nói: “Chúng tôi lưu ý đến các tin tức liên quan. Từ trước đến nay Trung Quốc tiến hành hợp tác kinh tế, mậu dịch với Malaysia và các nước đều xuất phát từ nguyên tắc hai bên cùng có lợi”.

Bộ Tài chính Malaysia cũng đã đình chỉ hạng mục Tuyến đường sắt Bờ biển phía Đông (ECRL) do Công ty xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) là tổng thầu. Dự án này có tổng vốn đầu tư tới 20 tỷ USD. Nguyên nhân của việc đình chỉ thực hiện công trình này được đưa ra là do giá thành quá cao, việc đàm phán để giảm giá thành công trình bị thất bại; phía Malaysia cho rằng đình chỉ dự án này là cách tốt nhất để giảm bớt gánh nặng tài chính. Bộ Tài chính Malaysia nói: việc tạm dừng thi công các dự án đường ống khí đốt và đường sắt là nhằm vào các hãng thầu chứ “không nhằm vào cá biệt quốc gia nào”.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng thái độ của chính phủ mới ở Malaysia đối với Trung Quốc rõ ràng đã có sự thay đổi lớn. Việc ông Mahathir Mohamad quyết định chọn Nhật Bản – đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực – là quốc gia ông đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức, chính là thể hiện sự thay đổi về thái độ đó. Ông Mahathir dự kiến sẽ thăm Trung Quốc vào tháng 8 tới đây và sẽ đàm phán lại về các dự án bị đình hoãn.

Ông Tony Pua
Ông Tony Pua 

Tuy nhiên, cách đây ít lâu, tờ “Thời báo Hoàn cầu”, một ấn phẩm của “Nhân dân Nhật báo” đã đăng bài cảnh cáo: “Malaysia đừng bức bách Trung Quốc quá đáng!”. Bài xã luận trên bản tiếng Anh của “Thời báo Hoàn cầu” viết: “Nếu Mahathir muốn xem xét lại các hạng mục lớn mà chính phủ trước đã đồng ý, phá hoại lợi ích của các công ty Trung Quốc thì các công ty Trung Quốc giành quyền đòi bồi thường mọi thiệt hại”.

Giáo sư Terence Gomez ở Đại học Châu Á, Malaysia nhận xét, quan hệ Malaysia – Trung Quốc gắn bó bắt đầu từ năm 2013. Khi đó, ông Najib Razak vừa đăc cử Thủ tướng đã tìm kiếm đầu tư từ Trung Quốc, phía Trung Quốc thì sẵn lòng hợp tác, do Trung Quốc bắt đầu xúc tiến kế hoạch “Một vành đai, một con đường”, đang rất muốn tăng cường quan hệ với các nước châu Á và ngoài châu Á.

Ông Gomez tin rằng, tuy hiện nay giữa Malaysia và một số công ty Trung Quốc xảy ra một số vấn đề, nhưng các mối liên hệ về thương mại khác vẫn rất chặt chẽ. Ví dụ, sau khi ông Mahathir Mohamad lên nắm quyền, một trong số những thương gia đầu tiên đến chúc mừng ông là tỷ phú Trung Quốc Mã Vân (Jack Ma).