Cựu Thứ trưởng Trung Quốc phê phán chính phủ sai lầm trong sách lược với Mỹ

VietTimes -- Cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung sau 5 tháng bùng phát hiện đang khiến Bắc Kinh lâm vào tình trạng khó khăn, nội bộ luôn diễn ra tranh luận gay gắt về việc làm thế nào để đối phó với những đòn tấn công của ông Donald Trump. Nhưng các ý kiến công khai nhìn chung khá kín đáo. Vì vậy, ông Long Vĩnh Đồ, nguyên trợ lý của cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ đã gây xôn xao dư luận khi phát biểu tại cuộc hội thảo trên mạng Tài Tân công khai phê phán Bắc Kinh dùng thủ đoạn chính trị để xử lý vấn đề mậu dịch, khinh suất trong việc đánh thuế đối với mặt hàng đậu tương Mỹ.
Ông Long Vĩnh Đồ, người công khai phê phán chính phủ dùng thủ đoạn chính trị xử lý vấn đề mậu dịch và khinh suất trong việc đánh thuế đậu tương Mỹ.
Ông Long Vĩnh Đồ, người công khai phê phán chính phủ dùng thủ đoạn chính trị xử lý vấn đề mậu dịch và khinh suất trong việc đánh thuế đậu tương Mỹ.

Ông Long Vĩnh Đồ là một chính khách, nhà ngoại giao nổi tiếng. Sinh năm 1943 ở Hồ Nam, ông đã tốt  nghiệp các trường Đại học Ngoại ngữ Quý Châu, Học viện kinh tế chính trị London và giữ các chức Viện trưởng Học viện quốc tế và hành chính công Đại học Phục Đán, Thứ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại, Tổng thư ký Diễn đàn kinh tế Bác Ngao (Hải Nam). Hiện ông đang giữ chức Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa (Center for China and Globalization – CCG), một cơ quan nghiên cứu tư vấn độc lập hàng đầu của Trung Quốc.

Long Vĩnh Đồ nguyên là trợ thủ của ông Chu Dung Cơ, được thăng chức Thứ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại trong thời kỳ ông Chu Dung Cơ nắm Quốc Vụ viện và được ông Chu giao làm trưởng đoàn đại biểu đàm phán Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hiện ông vẫn đang giữ các chức vụ quan trọng trong các tổ chức quan hệ đối ngoại và cơ quan tư vấn, Ủy viên độc lập của Hội đồng quản trị Tập đoàn bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc và Ủy viên độc lập của Hội đồng quản trị Tập đoàn Alibaba, Giáo sư kiêm chức và thỉnh giảng của các trường danh tiếng như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Nhân dân Trung Quốc, Đại học Nam Khai, Đại học Chiết Giang, Đại học Vũ Hán, Đại học Kinh tế Tài chính Thượng Hải…

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 9 mạng Tài Tân – một cơ quan truyền thông lớn về tài chính tiền tệ của Trung Quốc tổ chức ngày 18.11, ông Long Vĩnh Đồ nhà đàm phán hàng đầu giúp Trung Quốc gia nhập WTO cho rằng: “Đàm phán mậu dịch cần phải đi vào vấn đề cụ thể, đàm phán thuế quan thì bàn về thuế quan, nếu Bắc Kinh cứ đưa chính trị chen vào đàm phán mậu dịch thì Trung Quốc và Mỹ mãi mãi không cách nào đạt được hiệp nghị”.

Ông Long còn nói: “Biện pháp lấy đánh thuế đậu tương Mỹ để phản kích đòn thuế quan của ông Donald Trump là rất không sáng suốt. Đó là vì nông sản là thứ rất nhậy cảm trong mậu dịch. Đánh vào nông sản lẽ ra là biện pháp cuối cùng mới tính đến nhưng Bắc Kinh ngay từ đầu đã chọn nông sản để trả đũa Mỹ. Theo ông, hành vi chọn đậu tương để đánh thuế là một quyết định chính trị khinh suất.

Ông đặt câu hỏi: “Trung Quốc cần nhập khẩu đậu tương cấp thiết. Vì sao ngay bắt đầu đã lựa chọn đậu tương? Đó mà là quyết định được đưa ra sau khi suy xét kỹ lưỡng sao?”. Ông nói: “Với kinh nghiệm của tôi trong đàm phán mậu dịch với Mỹ, nông sản là thứ rất nhạy cảm”. Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, khi Mỹ yêu cầu đưa cả chính trị vào nội dung thảo luận, ông đã cảnh báo họ: “Nếu đưa chính trị vào thì mãi mãi sẽ không đạt được hiệp nghị”.

Trung Quốc hiện đang tích cực tìm kiếm việc triển khai đàm phán và hòa giải về mậu dịch với Mỹ. Việc ông Long Vĩnh Đồ trực tiếp phê phán, chê trách chiến lược, sách lược mậu dịch của Bắc Kinh đã gây nên sự chú ý lớn của dư luận trong, ngoài Trung Quốc.

Cơ quan tổ chức cuộc hội thảo lần này – Tạp chí Tài Tân là một cơ quan truyền thông có quan hệ đặc biệt mật thiết với ông Vương Kỳ Sơn, từng được gọi là “phong vũ biểu của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương” bởi đăng những bài viết, những thông tin có tính định hướng, dự báo rất chính xác về cuộc chiến chống tham nhũng hủ bại và chỉnh đốn đảng phong…

Thực tế, trong nội bộ Trung Quốc luôn tồn tại ý kiến phê phán đối sách của chính quyền trong cuộc chiến mậu dịch với Mỹ, có điều trước đây không ai công khai và trực tiếp bày tỏ như ông Long Vĩnh Đồ.

Ngay hồi đầu năm nay, khi Mỹ đang ráo riết chuẩn bị phát động chiến tranh thương mại, các chuyên gia Trung Quốc đã cảnh báo, nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với đậu tương Mỹ quá lớn, không thể sử dụng đậu tương làm công cụ trong cuộc chiến mậu dịch. Nhưng Bắc Kinh xuất phát từ việc xem xét về lĩnh vực chính trị, ngay vòng đấu thuế quan đầu tiên hôm 6.7 đã đưa đậu tương vào danh sách các mặt hàng đánh thuế 25% với mục đích nhắm đến là đánh vào “thùng phiếu” của Donald Trump để buộc ông phải đình chỉ cuộc chiến mậu dịch.

Nào ngờ hành động này của Bắc Kinh đã khiến Donald Trump nổi giận lôi đình. Tổng thống Mỹ viết trên Twitter, gọi đó là “thủ đoạn bỉ ổi” và cảnh cáo “sẽ không khách khí với Trung Quốc”. Sau đó, chính phủ Donald Trump đã chi 12 tỷ USD trợ cấp cho nông dân Mỹ và bắt đầu tìm kiếm thị trường quốc tế mới cho nông sản Mỹ.

Theo ông Long Vĩnh Đồ, biện pháp đánh thuế đậu tương Mỹ để phản kích đòn thuế quan của Donald Trump là rất không sáng suốt.
Theo ông Long Vĩnh Đồ, biện pháp đánh thuế đậu tương Mỹ để phản kích đòn thuế quan của Donald Trump là rất không sáng suốt.

Kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tháng 11 vừa qua cho thấy, việc Trung Quốc đánh vào nông sản Mỹ đã không khiến ông Donald Trump và Đảng Cộng hòa mất đi sự ủng hộ của các bang nông nghiệp Mỹ. Nhưng đối với phía Trung Quốc thì hành động này đã tạo thành nạn khan hiếm đậu tương khiến thị trường trong nước lao đao.

Ngoài sử dụng đậu tương, việc Bắc Kinh chơi “con bài Triều Tiên” và “Liên Âu kháng Mỹ” cũng bị coi là thủ đoạn chính trị khiến cuộc chiến mậu dịch thêm gay gắt. Khi đó cũng đã có ý kiến phân tích gọi đó là những “nước cờ bẩn”, là chủ động chính trị hóa vấn đề mậu dịch, buộc người Mỹ leo thang trong cuộc chiến với Trung Quốc.

Tuy nhiên, mặc dù phê phán chính sách của Bắc Kinh, song ông Long Vĩnh Đồ cũng bày tỏ thái độ “lạc quan thận trọng” về tương lai của việc giải quyết tranh chấp mậu dịch Mỹ - Trung bởi chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump cũng gây tổn hại đến lợi ích của chính nước Mỹ.