|
Chủ tịch Tập Cận Bình khi tiếp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã nhắn gửi tới Donald Trump thông điệp ủng hộ ông Trump tiếp tục nắm quyền. Ảnh: Đa Chiều. |
Theo kênh Kinh tế tài chính (CNBC) của Tập đoàn Phát thanh Quốc gia ngày 18/12, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow tiết lộ vào cùng ngày rằng trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 11 năm nay, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới hai lần.
Ông Kudlow từ chối cho biết liệu ông Kissinger, năm nay 96 tuổi, có phải là một phần của kênh liên lạc bí mật giữa Bắc Kinh và Washington hay chỉ là một kênh riêng biệt. Ông Kudlow nói trong chuyến ở thăm kéo dài một tuần lễ ở Trung Quốc, ông Kissinger đã gặp ông Tập Cận Bình hai lần và còn gặp những “nhân vật lớn” khác.
|
Ông Tập Cận Bình đón ông Henrry Kissinger và các đại biểu quốc tế tham dự Diễn đàn đổi mới kinh tế tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hôm 22/11.
|
Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều nói, theo truyền đạt của Kudlow, ông Kissinger đã tiết lộ: Trong các cuộc trao đổi, ông Tập Cận Bình đã bày tỏ ông muốn kết giao với ông Trump hơn là phía Đảng Dân chủ, bởi vì Đảng Dân chủ “sẽ không thảo luận về các vấn đề thương mại mấu chốt mà sẽ tiếp tục thảo luận về nhân quyền và các vấn đề khác”.
Trước đó, ông Trump đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc đang trì hoãn các cuộc đàm phán thương mại, nói rằng Bắc Kinh muốn kết giao với một tổng thống người của Đảng Dân chủ.
Trong nhiều năm qua, trong quan hệ Mỹ - Trung, Đảng Cộng hòa đã quan tâm nhiều hơn đến kinh tế thương mại, trong khi Đảng Dân chủ tập trung nhiều hơn vào các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc. Ông Trump luôn nhấn mạnh rằng mấy tổng thống trước đây đã để mặc cho Trung Quốc “xâm lược kinh tế” đối với Mỹ trong nhiều năm và nhắm mắt làm ngơ trước quan hệ thương mại không công bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Trump được coi là tổng thống Mỹ đầu tiên chống lại Trung Quốc sau Reagan.
Nhưng ông Kudlow cũng nói thêm rằng Tổng thống Donald Trump đã nói rất rõ: “Chúng ta ủng hộ tự do, dân chủ và giải quyết hòa bình (vấn đề) Hồng Kông. Tất nhiên, chúng ta phản đối việc “đối xử thô bạo” đối với người Hồi giáo và người Duy Ngô Nhĩ”.
Ông Kudlow cho biết, ông Kissinger đã tới Nhà Trắng vào hai tuần trước để truyền đạt cho ông lại những thông tin nhận được từ ông Tập Cận Bình. Larry Kudlow nói rằng ông đã “ngay lập tức” đã viết lại những thông tin nhận được từ ông Kissinger và chuyển nó cho Tổng thống Donald Trump.
|
Ông Tập Cận Bình chụp ảnh lưu niệm cùng ông Kissinger và các đại biểu tham dự Diễn đàn đổi mới kinh tế.
|
Người phát ngôn của ông Kissinger đã không bình luận gì về những lời lẽ trên đây của Kudlow.
Theo Đa Chiều, trong 50 năm qua, ông Kissinger – nhân vật được coi là người thúc đẩy phá băng quan hệ Trung – Mỹ thời kỳ Chiến tranh Lạnh và nhân chứng trong quan hệ hai nước - đã tiến hành gần 100 chuyến thăm tới Trung Quốc. Cuối tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã mời ông sang thăm và tham dự Diễn đàn về đổi mới kinh tế 2019 và Chủ tịch Trung Quốc đã tiếp kiến, trao đổi với ông hai lần.
Đa Chiều nhận xét, sự bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Hồng Kông và Tân Cương gần đây ngày càng mở rộng và sự căng thẳng trong quan hệ song phương đã tăng lên. Vào ngày 27/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành thành luật hai văn bản “Luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông” và “Đạo luật Bảo vệ Hồng Kông” được cả hai viện của Quốc hội nhất trí thông qua trước đó. Bắc Kinh đã lên án mạnh mẽ điều này và tuyên bố các biện pháp trả đũa.
Hôm 4/12, theo giờ Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tại cuộc họp báo thường kỳ, khi nói về việc Hạ viện Hoa Kỳ thông qua “Dự luật Chính sách Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ 2019” đã nói, dự luật này cố tình bôi đen tình hình nhân quyền ở Tân Cương, can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc; Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ mạnh mẽ và kiên quyết phản đối.