Cựu Chủ tịch PIV thao túng cổ phiếu bằng 42 tài khoản: Không truy cứu hình sự, chỉ phạt hành chính 600 triệu đồng

VietTimes -- Theo kết quả xác minh của cơ quan công an, hành vi vi phạm của bà Hoàng Thị Hoài - cựu Chủ tịch HĐQT của CTCP PIV (Mã CK: PIV) - chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ảnh chụp màn hình (Nguồn: PIV)
Ảnh chụp màn hình (Nguồn: PIV)

Cổng thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Hoàng Thị Hoài (địa chỉ: Phòng 306 ĐN1, 2A Vinaconex 7 Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Theo đó, căn cứ kết quả giám sát, kiểm của UBCKNN và kết quả xác minh của cơ quan công an cho thấy, bà Hoài đã sử dụng 42 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu PIV. Khoảng thời gian diễn ra hành vi thao túng giá cổ phiếu không được tiết lộ cụ thể.

Tuy nhiên, UBCKNN cũng cho biết quá trình kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm cho thấy bà Hoàng Thị Hoài không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm này.

Mặt khác, kết quả xác minh của nhà chức trách xác định hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu PIV của bà Hoài gây ra chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự

Do đó, ngày 31/5 vừa qua, UBCKNN ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Hoàng Thị Hoài với số tiền 600 triệu đồng. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 31/5/2019.

Được biết, bà Hoàng Thị Hoài (sinh năm 1983) bắt đầu tham gia HĐQT CTCP PIV (Mã CK: PIV) kể từ tháng 8/2015 và trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Đến ngày 29/6/2018, HĐQT PIV đã bổ nhiệm ông Ngô Tiến Cương thay thế bà Hoài đảm nhiệm vị trí này.  

Trong khoảng thời gian bà Hoài đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT PIV, từ tháng 12/2016 - 10/2017, cổ phiếu PIV chứng kiến giao dịch đột biến cả về giá và thanh khoản. Thị giá tăng mạnh từ mức quanh 6.000 đồng/cổ phiếu lên tới gần 50.000 đồng/cổ phiếu.

Sau đó mức giá cổ phiếu nhanh chóng giảm sâu và tới nay chỉ còn giao dịch quanh mức 800 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu PIV cũng bị hủy niêm yết bắt buộc trên Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội và chuyển giao dịch tại sàn UPCoM kể từ ngày 30/8/2018. Sau đó, cổ phiếu này tiếp tục bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Diễn biến giao dịch cổ phiếu PIV kể từ năm 2016 - nay (Nguồn: VNDS)
Diễn biến giao dịch cổ phiếu PIV kể từ năm 2016 - nay (Nguồn: VNDS)

Vì sao PIV buộc phải chuyển sàn?

PIV hoạt động kinh doanh chính trong 3 lĩnh vực chính là thương mại vật liệu xây dựng, cung cấp thiết bị y tế và thiết bị dạy nghề (đối tượng khách hành là một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và các bệnh viện lớn) và hoạt động tạm nhập tái xuất. Dù một số năm gần đây hoạt động kinh doanh của PIV chưa hoàn thành kế hoạch nhưng vẫn có lãi.

Giải trình về việc hủy niêm yết cổ phiếu, PIV cho biết nguyên nhân là do tổ chức kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C đã từ chối đưa ra ý kiến đối với Báo cáo tài chính (BCTC) năm 2017 của công ty này. Trong đó, kiểm toán viên cho biết chưa thu thập đủ chứng từ liên quan đến một loạt các giao dịch của PIV, không được tham gia chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho…

Kiểm toán viên cũng từ chối đưa ra ý kiến đối với các BCTC bán niên 2018 và BCTC năm 2018 của PIV dù công ty đã đổi sang hãng kiểm toán mới là Công ty TNHH Kiểm toán UHY.

Trong đó, kiểm toán viên không đánh giá được giá trị hợp lý của giao dịch giữa PIV và các cá nhân để đầu tư vào CTCP BOT Thái Hà. Được biết, PIV đã chi ra hơn 151 tỷ đồng để mua lại 4.443.000 cổ phần BOT Thái Hà từ 2 cá nhân với mức giá mua là 34.000 đồng/cổ phiếu./.