Cựu Bí thư Hội An Nguyễn Sự: 'Nếu làm lại, dứt khoát không cấp phép công trình sát biển'

Trong khi nhiều tỉnh miền Trung cấp phép cho nhà đầu tư xây khách sạn, resort tạo "bức tường cao ốc" sát biển từ lâu Hội An đã sớm quy hoạch đô thị thông thoáng hướng ra biển.
Du khách quốc tế trải nghiệm quăng chài lưới đánh cá ở vùng biển Hội An. Ảnh: M.Hoàng.
Du khách quốc tế trải nghiệm quăng chài lưới đánh cá ở vùng biển Hội An. Ảnh: M.Hoàng.

Năm 1997, tỉnh Quảng Nam từng quy hoạch "trải thảm" mời gọi doanh nghiệp đầu tư khách sạn, resort dày đặc dọc ven biển, trong đó có bờ biển phố cổ Hội An.

"Thời đó, tôi còn làm Chủ tịch UBND TP Hội An nghe tỉnh quy hoạch các dự án ven biển sát với nhau đã phản đối, không đồng tình. Bởi lẽ bãi biển là tài sản chung, nếu cấp phép xây resort chắn hết thì dân sẽ có có lối ra biển", ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An chia sẻ. 

Cựu Bí thư Hội An thuật lại, thời điểm ấy, ông không đồng ý dự án sát dự án mà đề xuất điều chỉnh quy hoạch mỗi công trình cách nhau ít nhất 80m, một số dự án cách nhau 200m nhường đất làm khu công cộng ven biển.

"Nếu ngày ấy, tôi để xây resort che chắn, bít hết thì đến nay dân không còn lối đi ra bãi tắm biển nữa", ông Sự nói.

Vị cựu lãnh đạo Hội An dẫn chứng, ví như bãi biển An Bàng nếu hơn 15 năm trước "cào bằng" cấp hết cho nhà đầu tư thì giờ đây nó bị phá hết. Đến nay, bãi biển An Bàng vẫn còn giữ vẻ đẹp hoang sơ có đồi cát nhấp nhô, rừng dương... mang dáng dấp vốn có bãi biển miền Trung....

'Neu lam lai, dut khoat khong cap phep cong trinh sat bien' hinh anh 2
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An trong một lần tuyên truyền người dân không sử dụng túi nilon bảo vệ môi trường biển đảo ở xã đảo Tân Hiệp(đảo Cù Lao Chàm), TP Hội An. Ảnh:M.Hoàng.

Trải thảm đầu tư với tầm nhìn hạn chế

Giờ đây về nghỉ hưu, ông Sự vẫn còn đau đáu món nợ với dân Hội An. Vị cựu Bí thư thừa nhận, dù đã sớm nhận thức quy hoạch nhường đất mở không gian thông thoáng ra biển cho dân nhưng bối cảnh lịch sử ngày ấy tập trung "trải thảm đầu tư" nên tầm nhìn vẫn còn hạn chế. Dọc bãi biển Hội An, địa phương từng giao đất cho 11 dự án thì đến nay 50% trong số này chậm trễ tiến độ gây tác động xấu cảnh quan bãi biển.

"Đây là sai lầm cả vấn đề tự nhiên, con người đã can thiệp vào tự nhiên quá thô bạo. Những nhà đầu tư không có lỗi, lỗi là những nhà quản lý. Giờ đây, tầm nhìn của mình sâu xa hơn thì đã muộn màng", ông Sự trăn trở.

Theo ông, nếu cho làm lại thì dứt khoát mình không cấp phép cho công trình nào xây sát biển nữa. Có cấp thì cấp phía đối diện bờ biển thôi. Nếu các công trình nào xây sát biển thì chỉ lợi cho bản thân các dự án đó chứ không thể làm cho nền kinh tế du lịch cả vùng đất phát triển được. 

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế tài chính đề xuất, nếu Việt Nam xem ngành công nghiệp không khói là thế mạnh, cần mạnh dạn quy hoạch lại bờ biển theo hướng phát triển bền vững để thu hút du lịch về lâu dài hơn là cái lợi trước mắt.

Theo các chuyên gia, bãi biển là loại tài sản quốc gia. Nó gắn bó bao đời thế hệ cha ông cũng như của thế hệ mai sau. Thế nhưng hiện tượng phân lô bãi biển rồi giao cho tư nhân đầu tư resort, khách sạn… đã và đang diễn ra khá phổ biến ở dọc bờ biển, đảo Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần học hỏi Campuchia về quy hoạch bờ biển. Cụ thể, chính quyền Sihanoukville quy hoạch một con đường chạy dọc bờ biển nhưng cách bãi biển cả trăm mét.

Phía bên trong con đường, họ cấp phép cho các dự án khách sạn, resort; còn phía ngoài họ xây dựng công viên cây xanh - công cộng rộng hàng chục mét chạy dài theo bãi biển. Khoảng giữa công viên với bãi biển có nhiều lối đi dẫn ra biển và dãy ki-ốt phục vụ các nhu cầu của người dân, du khách tiếp cận bãi biển.

Theo cách này, Sihanoukville vẫn thu hút được nhà đầu tư vào các dự án khách sạn, resort; chính quyền vẫn thu được thuế nhưng không gian bờ biển vẫn được bảo đảm cho mọi người dân và du khách đến vui chơi và tiếp cận thoải mái.

Môi trường kinh doanh chính quyền Sihanoukville tạo ra cho các nhà đầu tư là công bằng - không có nhà đầu tư nào chiếm được vị trí bờ biển đẹp để xây resort và cũng không có nhà đầu tư nào bị thiệt vì khách sạn của mình nằm ở vị trí bãi biển xấu.

Theo Zing