Cứu “Bầu Đức”, Hoàng Anh Gia Lai nhẹ gánh, rồi sao?

Ngày 17/5/2016, thông tin CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG) nhận được sự đồng thuận từ các chủ nợ và NHNN trong việc trình Chính phủ phương án tái cấu trúc nợ đã khiến giá cổ phiếu HAG và HNG tăng kịch trần. Sau giải cứu, HAGL được gì và những DN nào có quyền hy vọng...
Cứu “Bầu Đức”, Hoàng Anh Gia Lai nhẹ gánh, rồi sao?

Áp lực trả nợ đến nhanh

Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý I/2016 của HAGL chưa đủ chi tiết để nhà đầu tư nhìn vào bức tranh tài chính rõ nét hơn của Công ty tại thời điểm 31/3/2016. Thế nhưng, những con số được phản ánh trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2015 của HAGL lại nói lên nhiều điều, thậm chí là những câu chuyện liên quan đến lý do vì sao cần tái cấu trúc nợ, dù Công ty vẫn liên tục báo lãi lớn.

Kết thúc năm 2015, HAGL ghi nhận con số lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 502,343 tỷ đồng. Nhờ vậy, Công ty đưa vốn chủ sở hữu hạch toán lên mức gần 16.266 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần vốn điều lệ hiện tại là gần 7.900 tỷ đồng, tương đương giá trị sổ sách vượt qua mức 20.000 đồng/cổ phiếu, gấp trên 2,5 lần thị giá HAG trên sàn niêm yết hiện nay.

Với cơ cấu tổng vay, nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu ở mức hơn 2 lần, đây là con số không tốt, nhưng cũng không quá tệ so với một doanh nghiệp hoạt động đầu tư ở nhiều lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu dài gồm bất động sản, cao su… như HAGL. Vậy, điều gì khiến HAGL rơi vào tình cảnh cần “giải cứu”, cần tái cấu trúc nợ?

Thuyết minh chi tiết BCTC hợp nhất kiểm toán cuối năm 2015 cho thấy, số dư nợ phải trả đến hạn thanh toán của HAGL là 6.839 tỷ đồng. Đây là con số lớn so với dòng tiền đầu vào của HAGL, nhưng không phải là quá áp lực. Thứ tạo áp lực lớn hơn cho HAGL trong trả nợ, chính là việc nhiều khoản nợ vay của Công ty dù có thời gian đáo hạn còn dài, nhưng đã chạm vào các điều khoản cam kết, do tài sản đảm bảo không đáp ứng tỷ lệ, hoặc các tỷ lệ tài chính yêu cầu theo hợp đồng.

Chẳng hạn, hai khoản trái phiếu phát hành cho NIMP với tổng giá trị 2.230 tỷ đồng đều đang rơi vào tình trạng vi phạm các quy định tại hợp đồng, dù đã được điều chỉnh thời gian đáo hạn tới năm 2017. Sự vi phạm này được nêu công khai trên thuyết minh BCTC hợp nhất đã kiểm toán 2015 của HAGL.

Cụ thể, 1.100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi hiện đã được điều chỉnh điều khoản với lãi suất 3%/năm, giá chuyển đổi 19.645 đồng/cổ phiếu có điều kiện chống pha loãng, thời gian đáo hạn 31/8/2017 đã vi phạm quy định trong hợp đồng về tổng nợ thuần trên vốn chủ sở hữu. Khoản trái phiếu hoán đổi 1.130 tỷ đồng, lãi suất 5%/năm có tính chênh lệch tỷ giá hoái đổi USD/VND, vi phạm về quy định về tỷ lệ nợ ngắn hạn trên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao tài sản cố định.

Ngoài 2 khoản này, HAGL và công ty con còn có nhiều khoản vay khác được đảm bảo bằng cổ phiếu, hiện đều vi phạm yêu cầu về tỷ lệ tài sản ký quỹ trên vay nợ, theo thông tin tại BCTC của HAGL.

Theo đó, tại ngày 31/12/2015, trái phiếu do Công ty Chứng khoán ACBS là nhà thu xếp phát hành trị giá 2.500 tỷ đồng, hiện còn 1.760 tỷ đồng gồm Ngân hàng Bắc Á (520 tỷ đồng), HDBank (200 tỷ đồng), Ngân hàng Bản Việt (240 tỷ đồng), Eximbank (800 tỷ đồng) đều có giá trị tài sản cầm cố trên tổng mệnh giá trái phiếu không đạt yêu cầu quy định tại hợp đồng là 130% với khoản trái phiếu của Ngân hàng Bắc Á; 120% và 100% với khoản của HD Bank và Bản Việt.

Các khoản vay này được đảm bảo bởi 74,696 triệu cổ phiếu HAG do ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT nắm giữ và 196,3689 triệu cổ phiếu HNG do HAGL nắm giữ. Tại điểm 31/12/2015, giá cổ phiếu HNG và HAG lần lượt là 28.800 đồng/cổ phiếu và 10.400 đồng/cổ phiếu. Hiện nay, giá HNG và HAG đều dưới 8.000 đồng/cổ phiếu, khiến cho tài sản đảm bảo cho các khoản vay bị giảm giá trị nghiêm trọng.

Cũng tại thời điểm cuối năm 2015, HAGL có khoản trái phiếu 1.000 tỷ đồng phát hành cho VPBank, với tài sản đảm bảo là 110,628 triệu cổ phiếu HNG do HAGL nắm giữ và 4,7 triệu cổ phiếu HAG do ông Đức nắm giữ. Tại thời điểm trên, dù giá các cổ phiếu này còn rất cao, nhưng tổng giá trị tài sản trên tổng mệnh giá trái phiếu đã vi phạm quy định tối thiểu 145% trong hợp đồng.

Tương tự với khoản 1.000 tỷ đồng này, khoản vay 1.700 tỷ đồng của công ty con Nông nghiệp Quốc tế HAGL bằng trái phiếu tại 3 ngân hàng là PVCombank (300 tỷ đồng), Tiên Phong Bank (200 tỷ đồng) và VPBank (1.200 tỷ đồng) được thế chấp bằng cổ phiếu HNG của HAGL cũng vi phạm quy định tỷ lệ giá trị tài sản đảm bảo trên tổng giá trị mệnh giá trái phiếu tối thiểu 200%.

Trong quý I/2016, Ngân hàng Bản Việt và Ngân hàng ACB đã lần lượt bán giải chấp gần 2,626 triệu cổ phiếu HNG và hơn 20 triệu cổ phiếu HNG để xử lý nợ. Điều này có nghĩa, nếu không có sự nhân nhượng từ phía các chủ nợ, HAGL và cả bầu Đức có thể sẽ bị bán tháo lượng lớn cổ phiếu để thu hồi nợ, do không đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ tài sản cầm cố/đảm bảo cho các khoản vay. 

HAGL nhẹ gánh nợ lãi, giải chấp cổ phiếu

Thống kê cho thấy, trong 2 năm 2014, 2015, HAGL hạch toán tương ứng 604,7 tỷ đồng và 1.078,7 tỷ đồng chi phí lãi vay vào kết quả kinh doanh trong kỳ. Con số này lớn hơn tương ứng khoảng 60 tỷ đồng và 140 tỷ đồng chi phí lãi vay thực trả trong kỳ. Trong khi đó, trong 2 năm này, Công ty thực hiện vốn hóa chi phí lãi vay lần lượt là 984,721 tỷ đồng và 1.143 tỷ đồng.

Điều này cho thấy, một lượng khá lớn lãi vay của HAGL phải trả cho các chủ nợ đã bị đọng lại. Đồng thời, dòng tiền phục vụ cho hoạt động kinh doanh của HAGL đang phụ thuộc rất lớn vào vốn vay (năm 2015 vay ròng hơn 8.600 tỷ đồng, 2014 hơn 4.700 tỷ đồng).

Theo BCTC hợp nhất, chủ nợ lớn nhất của nhóm công ty HAGL tại ngày 31/12/2015 là BIDV, với số dư nợ gốc gần 10.665 tỷ đồng, bằng gần 25,2% vốn chủ sở hữu hợp nhất của BIDV tại cùng thời điểm. Tương tự, tại cùng thời điểm trên, dư nợ gốc của nhóm HAGL tại Eximbank 3.955,6 tỷ đồng, bằng 30% vốn chủ sở hữu Eximbank.

Một số ngân hàng khác có quan hệ tín dụng lớn với nhóm HAGL cuối năm 2015 như VPBank, HDBank, Lào Việt, Sacombank có dư nợ của nhóm công ty HAGL cũng lần lượt là 2.800 tỷ đồng, 2.237 tỷ đồng, 2.250 tỷ đồng và 1.208 tỷ đồng.

Với áp lực trả nợ đang lớn như hiện nay, nếu không thực hiện tái cấu trúc, HAGL có thể sẽ rơi vào tình trạng bị nợ xấu. Điều này sẽ làm tăng lãi suất vay vốn của Công ty (hiện nay đã ở mức cao) và dẫn tới việc HAGL gặp khó trong huy động tiếp vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh. Trong khi đó, một tia hy vọng đang xuất hiện với HAGL là sự phục hồi của giá bán mủ cao su, dù ở mức hiện nay, HAGL có thể vẫn chưa có lãi. Không tái cấu trúc nợ, tình trạng của HAGL có thể sẽ tuột dốc nhanh chóng khi nợ xấu xuất hiện.

Trong tình huống HAGL, cứu doanh nghiệp thực chất cũng là cứu chính các ngân hàng, bởi những tài sản mà Công ty đang cầm cố hoặc có thanh khoản kém (nếu cầm cố bằng nhà xưởng, quyền thuê đất, tài sản gắn liền với đất), hoặc đã bị mất giá quá nặng (nếu là cổ phiếu). 

Doanh nghiệp nào kỳ vọng được cứu?

Rất nhiều doanh nghiệp đã hoặc đang rơi vào tình trạng có nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, sự kiện HAGL, dù chưa có phương án cuối cùng, đang mở ra một tia hy vọng cho nhiều DN khác về một cơ hội được hỗ trợ. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào có thể được kỳ vọng?

Trong quá khứ, câu chuyện Vinashin, Vinalines, hay sự kiện Thủy sản Bình An… được tái cấu trúc nợ cho thấy, dường như doanh nghiệp sẽ có lợi thế hơn trong việc tìm kiếm một sự đồng thuận hỗ trợ từ các chủ nợ khi ở vị thế quá lớn. “Too big to fail” (quá lớn để đổ vỡ) dường như rất đúng trong trường hợp này.

Vậy với những doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, điều gì sẽ giúp doanh nghiệp có được sự thông cảm của chủ nợ để tái cấu trúc và hồi sinh?

Trao đổi với Báo ĐTCK, kế toán trưởng một doanh nghiệp niêm yết cho biết, năm 2015, công ty thực hiện tái cấu trúc với sự tham gia của đối tác chiến lược. Một trong những nội dung của tái cấu trúc là làm sạch nợ, với việc các chủ nợ đồng ý chuyển đổi nợ thành vốn cổ phần.

Thế nhưng, khi doanh nghiệp đã hoàn tất chuyển đổi nợ thành vốn cổ phần với quy trình đầy đủ, hợp pháp, thì cũng là lúc chính ngân hàng chủ nợ cũ quay sang… làm khó doanh nghiệp. Ngân hàng vẫn nhận số cổ phiếu mà doanh nghiệp phát hành để cấn trừ nợ, nhưng không chịu xóa tên doanh nghiệp ra khỏi danh sách có nợ xấu nhóm 5, khiến doanh nghiệp bị đóng cửa với vốn vay ngân hàng.

Doanh nghiệp này có cơ hội sống và tìm ra con đường sống, nhưng lại gặp khó bởi chính ngân hàng từng cho doanh nghiệp vay vốn, với lý do... ngân hàng chưa bán cổ phiếu (của doanh nghiệp) thì không xóa nợ cho doanh nghiệp!

Từ hai cách hành xử khác biệt trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần một cơ chế rõ ràng trong việc cho phép tái cấu trúc nợ ngân hàng. Cơ chế này giúp các DN có nền tảng tốt không bị dập tắt đi cơ hội hồi sinh khi trong hành trình kinh doanh, có những lúc họ “sảy chân” thua lỗ, nhưng cũng tránh việc nguồn lực xã hội tập trung ngày một lớn vào những nơi không hiệu quả, do cơ chế hỗ trợ bằng mệnh lệnh hành chính.

Theo ĐTCK