Để tìm hiểu về cuộc sống trong tù của các quan tham Trung Quốc, phóng viên Nhật báo Quảng Châu đã đến nhà giam Dương Giang, một trong những nơi tập trung giam giữ các quan chức đã bị kết án tù vì tham nhũng của tỉnh Quảng Đông để tìm hiểu.
Từ tháng 8.2013, nhà giam Dương Giang đã bắt đầu xây riêng một khu giam giữ các tội phạm từng là các quan chức. Hiện nay, khu này đã tiếp nhận hơn 200 người.
Theo tìm hiểu của Nhật báo Quảng Châu, trong số 200 phạm nhân, hầu hết là cán bộ cấp quận và cấp thành phố. Cụ thể, có 50 phạm nhân từng là giữ chức lãnh đạo các sở ngành trở lên và khoảng 100 phạm nhân từng là lãnh đạo các phòng ban.
Nếu xét về tội trạng, 75% bị kết tội nhận hối lộ, 29% tội tham ô và 11% tội chiếm đoạt công quỹ.
Ngoài ra, độ tuổi trung bình của các phạm nhân vào khoảng 52 tuổi, lớn nhất 75 tuổi, 42% bị tuyên án trên 10 năm tù, ngoài ra cũng có trường hợp tù chung thân và tử hình treo bị giam tại đây.
Vẫn nghĩ mình là quan
Ông Hoàng Diệu Quần, giám đốc nhà giam cho biết, “có không ít phạm nhân vẫn mang tư tưởng mình vẫn còn là quan lớn, vẫn muốn bạn tù kính trọng, nhân viên trại giam quan tâm đặc biệt và lãnh đạo trại giam chiếu cố đến”.
Ông Dương Kiến Nam, trưởng trại giam số 6, cho biết, có nhiều quan tham từ trước đến nay đã quen ra lệnh cho cấp dưới, nay vào tù phải chấp hành mệnh lệnh của nhân viên nhà giam liền cảm thấy khó chịu.
Có một lần, trong cuộc trao đổi giữa nhân viên nhà giam và phạm nhân, một người từng giữ chức giám đốc một sở của thành phố Thiều Quan đã thẳng thừng hỏi “tại sao tôi phải nghe lời các anh chứ?”, ông Dương kể lại.
Đặc biệt là trước năm 2013, khi khu riêng giam giữ các tội phạm từng là các quan chức chưa được xây dựng, các quan tham phải ở chung với các tội phạm khác, bao gồm cả tội phạm giết người, tội phạm cướp giật. Vốn vẫn nghĩ mình “thân phận cao quý” nên các quan tham rất xem thường những người này.
Thấy các bạn tù nhiều ngày không tắm, khạc nhổ bừa bãi, không ít quan tham “thấy không quen” nên trong lúc lao động không chịu làm việc cùng, thậm chí còn công khai chỉ trích bạn tù trước mặt mọi người.
Nhận ra ai là quan trọng nhất
Một phạm nhân họ Trần, 61 tuổi, từng là giám đốc một sở ở thành phố Trạm Giang cho biết: “Trước đây chỉ thích được nghe mọi người tung hô, giờ vào tù mới biết tình thân là đáng quý nhất”.
Trần bị kết án 10 năm tù, hiện đã chấp hành hình phạt được 1 năm rưỡi. Trong khoảng thời gian ở tù, rất ít có bạn bè hay cấp dưới đến thăm.
“Trước đây lúc nào cũng có người gọi đến hẹn gặp mặt, ăn cơm, nhưng bây giờ không còn là lãnh đạo nữa, không còn giúp được ai thì thái độ của những người đó cũng thay đổi hoàn toàn rồi”, Trần chia sẻ.
Hiện tại, đến thăm nhiều nhất chính là người nhà, Trần cũng mong sớm mãn hạn tù để được đoàn tụ với gia đình.
Hay như trường hợp của một phạm nhân họ Hoàng từng là trưởng thôn, bị tuyên án 10 năm rưỡi tù vì nhận hối lộ.
Lúc Hoàng bị bắt giam, đứa con trai 12 tuổi của Hoàng vì bị đả kích lớn mà đã nghỉ học, Hoàng phải viết thư động viên và người nhà làm công tác tư tưởng thì cậu bé này mới chịu đi học trở lại.
Sau này mỗi khi cùng mẹ đến thăm Hoàng, cả nhà đều ôm nhau mà khóc.
“Điều hạnh phúc nhất trên đời bây giờ là còn được ôm con trai”, Hoàng chia sẻ.
Trưởng trại giam Dương Giang cho biết, phần lớn các phạm nhân từng là quan chức đều rất nhớ nhà, nhớ người thân.
Theo thống kê của trại giam Dương Giang, trong số 200 phạm nhân là quan tham thì chỉ có 5 trường hợp ly hôn sau bị ngồi tù, thấp hơn nhiều so với các loại tội phạm khác.
Từng muốn tự sát
Theo quy định trong nhà giam, mọi phạm nhân đều phải tham gia lao động, tuy nhiên có không ít quan tham Trung Quốc không quen làm những việc nặng nhọc này nên tâm lý bị ức chế.
Ông Ôn Cẩm Hoàn, Phó trại giam số 6 tiết lộ, có nhiều người thân lo quan tham chịu không nổi khi phải tham gia lao động nên đã tìm nhiều cách nhờ cậy cán bộ trại giam “quan tâm đặc biệt”, thậm chí còn hứa hẹn sẽ giúp cán bộ được chuyển sang công tác tại cơ quan khác tốt hơn.
Không những bị ức chế khi phải lao động nặng nhọc, việc từ một quan chức trở thành phạm nhân cũng đã khiến tâm lý của nhiều người bị suy sụp, đến nỗi muốn tự tử.
Ông Ôn kể lại, có một cán bộ cấp phó của tỉnh Quảng Đông bị tuyên án 20 năm tù vì tham nhũng. Lúc mới vào trại giam, đối tượng này do nhận phải bản án quá nặng, tâm lý bị suy sụp nên suốt ngày cứ nghĩ tới việc tự sát.
Cũng có điểm được ưu tiên
Điểm khác biệt duy nhất giữa quan tham và các phạm nhân khác chính là ở phương thức cải tạo.
Trong phòng giải trí, ngoài các môn thể thao như bóng bàn, khu trại giam số 6 còn có các “phòng văn hóa” riêng cho các quan chức như thư pháp, vẽ tranh…
Sau khi lao động 5 ngày trong tuần, các ngày cuối tuần sẽ có các hoạt động văn hóa cho các phạm nhân, có thể là thi viết thư pháp, tập thái cực, văn nghệ…
Cẩm Bình - Theo Nhật báo Quảng Châu, Một thế giới