Cuộc nội chiến Lybia lần 2 đã trở thành nơi can dự của các quốc gia trên thế giới

VietTimes -- Đầu tháng 12/2019, từ chiến trường Libya đã truyền đi một số thông tin mới. Cuộc nội chiến cường độ thấp giữa “Quân đội Quốc gia” (LNA) của Nguyên soái Khalifa Haftar và “Chính phủ đoàn kết dân tộc” (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj với máy bay không người lái và tên lửa phòng không của Trung Quốc đã xuất hiện những người chơi mới, là Nga và Mỹ.
Lực lượng GNA và LNA ở Lybia tàn sát lẫn nhau bằng vũ khí do các thế lực bên ngoài hỗ trợ.
Lực lượng GNA và LNA ở Lybia tàn sát lẫn nhau bằng vũ khí do các thế lực bên ngoài hỗ trợ.

Theo trang tin Đa Chiều, giới quan sát quốc tế thừa nhận rằng, bắt đầu từ cuối tháng 11/2019, đã có sự thay đổi mạnh mẽ trên chiến trường Libya, nơi vốn chỉ có tình trạng giằng co cường độ thấp. Điều này không chỉ bao gồm việc Quân đội Quốc gia (Libyan National Army, LNA) của Khalifa Haftar sử dụng máy bay không người lái Wing Loong UAV và tên lửa phòng không vác vai FN-6 của Trung Quốc được Liên hiệp các Tiểu vương Ả rập thống nhất (UAE) cung cấp, cuối cùng đã tiêu diệt tất cả 12 UAV tấn công “Bayraktar” của Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho “Chính phủ đoàn kết dân tộc” (Government of National Accord, GNA) của Fayez al-Sarraj; mà cũng liên quan đến việc mở rộng chiến trường ở Libya.

Nạn nhân của các cuộc tấn công của máy bay không người lái.
Nạn nhân của các cuộc tấn công của máy bay không người lái.

Vào ngày 27/11, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một hiệp định với “Chính phủ đoàn kết dân tộc” Libya đang lâm vào tình cảnh khốn đốn ở cả trong và ngoài nước. Hiệp định này đã hy sinh lợi ích của Hy Lạp và các quốc gia khác. Hy Lạp, Ai Cập và Síp lập tức bày tỏ bất bình. Hy Lạp đã trục xuất đại sứ Libya vào ngày 6/12. Tuy nhiên, cơn sóng gió này vẫn cho phép Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan ngày 9/12 thừa cơ tuyên bố sẽ triển khai quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tới Libya vào lúc thích hợp.

Đến lúc này, thế giới bên ngoài mới bắt đầu tập trung sự quan tâm vào các thế lực nước ngoài đã can dự vào chiến trường Libya. Và sự chú ý đầu tiên của thế giới bên ngoài không ai khác là việc quân đội Mỹ một lần nữa can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Libya thông qua Bộ Tư lệnh Châu Phi (Africom).

Vũ khí Mỹ viện trợ cho lực lượng GNA.
Vũ khí Mỹ viện trợ cho lực lượng GNA.

Không giống như năm 2011, khi quân đội Mỹ ồ ạt can thiệp vào chiến trường với danh nghĩa là NATO, từ năm 2016, nhất là sau khi chính quyền Donald Trump thành lập, Mỹ về cơ bản chỉ can thiệp với các hoạt động quy mô nhỏ như tác chiến của UAV. Trước tháng 11/2019, các hoạt động quân sự của Mỹ giới hạn trong việc gửi máy bay không người lái MQ-9 đến phía tây nam Libya và các thành phố như Murzuq ở phía nam để thực hiện các hoạt động tìm diệt “chống khủng bố”.

Tuy nhiên, trong kiểu hợp tác quy mô nhỏ này, quân đội Mỹ vẫn thiết lập mối quan hệ liên kết hành động với GNA, điều đó có nghĩa là máy bay của Mỹ cũng có khả năng hoạt động lên phía bắc. Đến ngày 23/11/2019, một chiếc MQ-9 Reaper đang bay tới Tripoli đã bất ngờ bị bắn hạ. Ngày 21/11, lực lượng LNA cũng tuyên bố đã bắn hạ một chiếc MQ-9 của quân đội Italy do Mỹ sản xuất. Việc cả hai bên trong cuộc nội chiến Libya đều được trang bị tên lửa phòng không FN-6 do Trung Quốc sản xuất nên có thể hiểu được kết cục này.

UAV MQ-9 Reaper của Mỹ ở Lybia.
UAV MQ-9 Reaper của Mỹ ở Lybia.

Tuy nhiên, biểu hiện của Bộ Tư lệnh Châu Phi quân đội Mỹ (US Africa Command) sau khi biết tin các máy bay không người lái MQ-9 bị bắn hạ đã khiến thế giới bên ngoài ngạc nhiên. Các cơ quan truyền thông quốc tế có uy tín như Tuần báo Quốc phòng Jane's Defence WeeklyReuters đều đã đưa tin, Bộ Tư lệnh Châu Phi của Mỹ đã xác định không phải các quân nhân LNA bình thường đã bắn hạ máy bay của Mỹ, mà là “các nhân viên vũ trang Nga”. Thậm chí còn có tin Mỹ yêu cầu Nga trao trả xác chiếc MQ-9 hiện đang nằm trong tay người Nga.

Tướng Stephen Townsend, người chỉ huy Bộ Tư lệnh Châu Phi nói, ông cho rằng khi người điều khiển hệ thống phòng không khai hỏa vào máy bay không người lái không biết rằng đó là một máy bay không người lái điều khiển từ xa của Mỹ.

Townsend nói với Reuters trong một tuyên bố: “Bây giờ chắc chắn họ phải biết UAV này của ai nhưng vẫn từ chối trả lại. Họ nói rằng họ không biết chiếc máy bay không người lái hiện ở đâu, nhưng tôi không tin”.

Lính đánh thuê Nga của “Wagner Group” .
Lính đánh thuê Nga của “Wagner Group” .

Người phát ngôn US Africa Command Christopher Karns nói, một đánh giá trước đây chưa được công bố của Mỹ đã kết luận rằng vào ngày mất tích của máy bay không người lái 21 tháng 11, người của nhà thầu quân sự tư nhân của Nga hoặc LNA đang vận hành các cơ sở phòng không.

Một quan chức của chính phủ LNA cũng cho rằng việc bắn hạ chiếc máy bay không người lái MQ-9 Reaper này có thể được thực hiện bởi lính đánh thuê Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến khác do tạp chí Foreign Policy (Chính sách đối ngoại) của Mỹ công bố vào ngày 4/12, học giả chuyên gia về Trung Đông Frederic Wehrey, người đã tham gia vào các cuộc tới tiền tuyến đưa tin đã xác nhận rằng Công ty quân sự tư nhân nổi tiếng “Wagner Group” của Nga đã trực tiếp tới Lybia tham chiến.

Frederic Wehrey chỉ ra rằng, hai đội quân ở tiền tuyến Tripoli đã chuyển sang dùng máy bay không người lái và pháo binh để đánh nhau từ sau tháng 7: các UAV Wing Loong của LNA và “Bayraktar” của GNA đã đọ sức quyết liệt với nhau. Nhưng đến tháng 9, độ chính xác trong tấn công của UAV, tên lửa phòng không, pháo binh và súng bắn tỉa bên phía LNA đột nhiên được cải thiện rất nhiều. Người chỉ huy dân quân GNA được Frederic Wehrey phỏng vấn cũng đặc biệt nhấn mạnh đến sự giảm quân số đáng kể và nỗi sợ hãi của những người lính GNA do các “lính bắn tỉa Nga” mang lại trên chiến trường. Sau tháng 11, sức chiến đấu và ý chí chiến đấu của phe GNA giảm dần, hiện tượng đào ngũ và bất tuân lệnh cũng tăng mạnh.

UAV Wing Loong của Trung Quốc được sử dụng nhiều ở Lybia.
UAV Wing Loong của Trung Quốc được sử dụng nhiều ở Lybia.

Tất nhiên, Mỹ và Nga chỉ là những lực lượng nước ngoài nổi bật nhất liên quan đến Libya và “Tập đoàn Wagner” cũng có thể là lực lượng nổi bật nhất trên chiến trường này mà thôi.

Theo thống kê của Phái đoàn Hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại Libya, tính đến cuối tháng 11/2019, các bên tham chiến, với sự hỗ trợ của các lực lượng bên ngoài, đã tiến hành tổng cộng gần 1.040 cuộc không kích bằng máy bay không người lái, trong đó hầu hết các cuộc diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 đều là “không kích chính xác”. Xét thấy trình độ công nghệ của lực lượng dân quân Libya tại địa phương nói chung là thấp kém, rốt cục có bao nhiêu chuyên gia đứng đằng sau tham dự vào cuộc chiến thì có thể đoán biết được.

Thông tin tình báo cho thấy trong cuộc đối đầu hiện nay ở Lybia, các quốc gia bao gồm Nga, Ai Cập, Arab Saudi, Pháp, Các Tiểu vương quốc ArabThống nhất, Sudan, Jordan và thậm chí cả Israel đã lựa chọn hỗ trợ LNA; trong khi Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Italy, Ukraine... đã hỗ trợ GNA.

Bằng cách này, khi cả hai bên đều gửi vũ khí giá rẻ của Trung Quốc mà họ đã mua tới chiến trường Lybia, cuộc nội chiến thứ hai ở Libya kể từ năm 2011 đã được định sẵn để dẫn tới như ngày nay.

Trong vấn đề này, có vẻ Trung Quốc là bên được lợi nhất. Bất kể ai thắng hay thua trong cuộc chiến ở Libya, các bên tham chiến cũng đều chọn vũ khí của Trung Quốc và thanh toán hóa đơn bình thường. Máy bay không người lái, tên lửa phòng không của Trung Quốc trong tay lính đánh thuê các nước đã thể hiện được tác dụng sẽ khiến vũ khí “Made in China” có được danh tiếng tốt hơn trên thị trường vũ khí toàn cầu.