Cuộc đời của hacker nguy hiểm nhất IS

Từ một cậu bé thông minh, ham học hỏi, Junaid Hussain đã biến thành người khác, gia nhập IS và trở thành một hacker khủng bố.
Chân dung kẻ khủng bố Hussain.
Chân dung kẻ khủng bố Hussain.

Junaid Hussain sinh năm 1994, sống tại Birmingham (Anh) sau đó trốn sang Syria. Trước khi bị Mỹ tiêu diệt trong một cuộc truy quét bằng máy bay không người lái vào 24/8/2015, người này được đánh giá là mắt xích quan trọng trong Tổ chức Hồi giáo Nhà nước tự xưng (IS). Cái chết của hacker nguy hiểm nhất IS đánh dấu thời kỳ tiêu diệt khủng bố thế hệ mới: khủng bố trên Internet. Và lúc này, các tweet, status (dòng trạng thái) là vũ khí, còn Facebook, Twitter, WhatsApp… là chiến trường.

Theo CNN, Hussain không phải bị giết bởi các hành động bạo lực hay liều chết, cũng không bị truy sát nếu nhờ vào khả năng tấn công mạng, bởi kiến thức an ninh mạng của người này không được đánh giá cao. Tuy nhiên, hắn có một biệt tài, đó là khả năng làm "mê hoặc" người khác trên mạng xã hội.

Theo hàng xóm và bạn học, từ nhỏ, Hussain khá thông minh và tò mò, muốn khám phá mọi thứ bất chấp hậu quả. Bên cạnh đó, cậu bé cũng yêu thích máy tính, có thể ngồi hàng giờ để nghiên cứu một vấn đề.

Nhưng kể từ đây, Hussain bắt đầu tham gia các diễn đàn mạng, đặt câu hỏi, kết bạn, bàn luận các vấn đề chính trị cũng như các ý tưởng tấn công mạng. Anh cũng chú ý đến các diễn đàn hacker và đặc biệt quan tân đến phong trào Palestin tự do.

Jon Nichols, người đã dành 6 năm theo dõi các phần tử khủng bố tuyên truyền trực tuyến, cho biết, ông thường thấy Hussain trong IRC (Internet Relay Chat - một dạng liên lạc cấp tốc qua mạng Internet) với biệt danh là "TriCk". Một số người cũng kết bạn và để trạng thái bạn thân, nhưng đa số chưa gặp ngoài đời thực.

 Thông tin Hussain bị giết trên CNN

Để chứng tỏ mình trong giới hacker, Hussain đã thành lập một nhóm tin tặc có tên là TeaMp0isoN. Khác với LulzSec hay Anonymous, TeaMp0isoN "hành động vì mục đích chính trị", do đó chỉ tập trung tấn công vào các hệ thống website lớn của những cơ quan, tổ chức chính phủ hay các hệ thống của doanh nghiệp lớn. Liên Hợp quốc, NASA, NATO, Facebook… từng bị nhóm này tấn công có chủ đích và nhận trách nhiệm sau đó.

Thậm chí, nhóm này còn công khai đối đầu với Anonymous và từng mỉa mai Anonymous là "ngu ngốc". Nhưng "đi đêm lắm ngày gặp ma", khi đánh cắp danh bạ của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từ tài khoản của cố vấn của ông này, nhiều thành viên nhóm bị bắt, trong đó có Hussain. Hắn bị xử tù 6 tháng.

Sau khi ra tù vào năm 2013, Hussain lập tức trốn sang Syria. Từ đây, hắn chuyển qua quan tâm đến mạng xã hội. Hussain tận dụng triệt để Twitter và thu hút được lượng lớn người theo dõi. Hắn tweet bất cứ khi nào và liên tục, với các nội dung gây sự tò mò. Với kiến thức sâu rộng, hắn áp dụng cả những lĩnh vực khác để tuyên truyền, kêu gọi mọi người hành động, và "phải hành động một mình". Nhờ đó, hắn đã liên lạc, tuyển mộ và thực hiện các hoạt động tuyển quân cho IS, trở thành một mắt xích quan trọng trong tổ chức khủng bố này.

"Cách nói chuyện của Hussain rất lôi cuốn, hấp dẫn. Khi đọc những trạng thái hay nghe anh ta nói, bạn sẽ thích. Dần dần, bạn sẽ nghe theo lời anh ta nói. Đó cũng là chiến thuật giúp việc tuyển mộ thành viên cho tổ chức khủng bố dễ dàng hơn", Nichols nói.

Những câu nói của Hussain sẽ kích động một số người, chủ yếu là các đối tượng có tư tưởng bạo lực. Những người này sau đó có thể nói mình là IS và lập tức được hỗ trợ bởi một cộng đồng khác bao gồm những tên khủng bố chuyên nghiệp, hướng dẫn chi tiết hơn. Bộ phận này hoạt động bí mật, kết cấu cũng vô cùng chặt chẽ, khó bị lộ.

Với tầm ảnh hưởng ngày càng mở rộng, Hussain bị chính phủ Mỹ theo dõi và bị buộc tội "truyền cảm hứng" cho các tay súng tấn công đẫm máu tại Garland, Texas (Mỹ). Biết nguy hiểm, tên này liền rút vào hoạt động bí mật, nhưng vẫn truyền thông điệp cho những phần tử khủng bố và người theo dõi thông qua các ứng dụng được mã hóa. Điều đó khiến việc theo dõi Hussain càng thêm khó khăn bội phần.

"Đây là mối đe dọa phức tạp nhất mà chúng tôi phải đối mặt. Bằng phương tiện truyền thông xã hội, Hussain đã gieo vào đầu không ít người tư tưởng khủng bố, nhất là trẻ em", John Carlin, cựu Tư lệnh An ninh Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, cho biết.

Với sự bành trướng ngày càng lớn, Mỹ biết rõ đây là nguy cơ và mục tiêu là phải giết được Hussain. Sau khi theo dõi hàng tháng trời, một trận không kích bằng máy bay không người lái ngày 25/8/2015 tại thành phố Raqqa (Syria) đã tiêu diệt thành công kẻ khủng bố.

Sau khi Hussain chết, không chỉ Mỹ mà nhiều chính phủ khác trên thế giới đều nhận định IS đã mạnh hơn, khó lường hơn, bởi không biết rõ bao nhiêu kẻ đã được hắn đào tạo kỹ năng. Nhưng quan trọng nhất, họ đã hiểu rõ mức độ quan trọng của phương tiện truyền thông trong việc chống khủng bố là như thế nào.

"Đây là thách thức thực sự cho các chính phủ, bởi môi trường trực tuyến có thể phát hiện và đào tạo nên những kẻ khủng bố từ những người thích bạo lực. Nhiệm vụ của họ là phải tìm ra những ai thích bắn giết, thích dùng vũ khí, tinh thần không ổn định… để ngăn chặn hành động này, giáo dục họ thành người có ích hơn", Carlin nói.

Theo VnExpress

http://sohoa.vnexpress.net/tin-tuc/doi-song-so/bao-mat/cuoc-doi-cua-hacker-nguy-hiem-nhat-is-3565747.html