Cuộc đối đầu Nga-Mỹ
Tuần này chứng kiến việc Nga lần đầu tiên tham chiến ở Syria. Ngày 30/9, hàng loạt chiến đấu cơ của Nga đã xuất kích, oanh tạc dữ dội một loạt mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trong mấy ngày liên tiếp, máy bay chiến đấu của Nga đã thực hiện hàng chục cuộc xuất kích, nhằm mục tiêu vào ít nhất 17 sào huyệt, căn cứ, kho vũ khí... của IS.
Tuy nhiên, sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria lại châm ngòi cho một cuộc đối đầu mới giữa nước này với phương Tây do Mỹ dẫn đầu.
Phương Tây đang ra sức cáo buộc Nga không nhằm mục tiêu vào IS mà nhằm vào dân thường cũng như lực lượng nổi dậy Syria. Đáp lại, Moscow khẳng định chiến dịch không kích của họ là nhằm để tiêu diệt các mục tiêu IS và họ đã phá hủy được một số cơ sở của nhóm khủng bố khét tiếng này trong mấy ngày qua.
Sở dĩ mâu thuẫn trên nảy sinh là do Nga và Mỹ thiếu tin tưởng nhau một cách trầm trọng. Giới chức Mỹ hoài nghi Nga đưa vũ khí vào tham chiến ở Syria chỉ nhằm mục đích là để giúp đồng minh Bashar al-Assad hạ gục lực lượng nổi dậy, củng cố chính quyền của ông này. Đây là điều đi ngược lại với mục tiêu của phương Tây. Trong cuộc chiến kéo dài suốt 4,5 năm qua ở đất nước Syria, phương Tây do Mỹ luôn theo đuổi chính sách hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy và tìm cách lật đổ chính quyền của ông Assad.
Mỹ lo sợ rằng hành động can thiệp quân sự của Nga sẽ giúp chính quyền Syria đứng vững và lực lượng mà phương Tây hậu thuẫn sẽ sụp đổ. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ đánh mất ảnh hưởng ở một trong những quốc gia quan trọng nhất khu vực Trung Đông vào tay đối thủ Nga.
Ngoài ra, ẩn sau sự phản đối và công kích quyết liệt của Washington nhằm vào chiến dịch không kích IS của Nga ở IS còn là sự mất tự tin của siêu cường số 1 thế giới trước đối thủ hàng đầu là Nga.
Rõ ràng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chơi một nước cờ cao tay, đẩy Mỹ vào thế bị bẽ mặt và có nguy cơ mất đi vị thế lãnh đạo chủ chốt trong “ván cờ” ở Syria. Mỹ vốn đang dẫn dắt một liên minh hùng hậu gồm nhiều nước đồng minh thực hiện chiến dịch không kích tiêu diệt IS. Chiến dịch này kéo dài đã nhiều tháng nhưng đến nay đã cho thấy sự thiếu hiệu quả. Chiến dịch của Mỹ và đồng minh dường như bất lực trong việc làm suy yếu IS chứ chưa nói gì đến việc lật đổ lực lượng khủng bố khét tiếng nhất thế giới này.
Không những thế, những thất bại của phương Tây tại Syria đã gây ra một cuộc khủng hoảng di cư cực kỳ nghiêm trọng mà họ không thể lường tới. Trong thời gian qua, Châu Âu thực sự đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, bối rối khi bất ngờ phải đối phó với cuộc khủng hoảng di cư được cho phần lớn là xuất phát từ tình hình rối ren ở Syria và một số quốc gia Trung Đông khác.
Giữa lúc Mỹ và các đồng minh đang “loay hoay như gà mắc tóc” trong mờ bòng bong ở Syria thì Nga bất ngờ nhảy vào can thiệp. Điều đáng nói là sự can dự của Nga đã buộc Mỹ phải phá vỡ chính sách cô lập Moscow và buộc phải đồng ý ngồi lại bàn chuyện hợp tác với Nga. Thực tế này chính là sự thừa nhận đầy bẽ bàng của Mỹ về việc họ cần Nga trong việc tháo gỡ tình hình ở Syria và nó cũng chính là sự thừa nhận của Mỹ về việc họ đã thất bại trên chiến trường Syria.
Tuy nhiên, Washington chắc chắn không muốn mất vị thế, uy thế trước Moscow ở chiến trường quốc gia Trung Đông. Đây là lý do khiến giới chức Mỹ nhanh chóng lên tiếng chỉ trích, cáo buộc chiến dịch không kích của Nga ở Syria.
Những lời cáo buộc của Mỹ và phương Tây về việc Nga không tấn công IS mà chỉ nhằm vào dân thường và lực lượng nổi dậy cho đến nay chưa được chứng minh hay xác nhận bằng bất kỳ bằng chứng thực tế nào.
Trong khi đó, Nga vẫn tiếp tục cung cấp những video clip hình ảnh họ tấn công các mục tiêu IS. Moscow tin rằng, phương Tây do Mỹ dẫn đầu lại đang lao vào một cuộc chiến tuyên truyền nhằm chống phá nỗ lực tiêu diệt IS của Nga.
Mọi thứ vẫn chưa thể được làm rõ nhưng chỉ có một thực tế dễ nhận thấy nhất là Mỹ tiếp tục đối đầu với Nga ở Syria. Liệu rằng giữa hai nước này có nổ ra một cuộc chiến hay không? Đây là câu hỏi đang được nhiều người đặt ra.
Mỹ “khiêu chiến” với Trung Quốc?
Ngoài việc Nga chính thức tham chiến ở Syria, một trong những sự kiện thu hút sự chú ý lớn của dư luận thế giới trong tuần này chính là sự hiện diện của một trong những chiếc tàu sân bay tối tân nhất, thiện chiến nhất của Mỹ ở Nhật Bản.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan mang theo lực lượng thuỷ thủ đoàn lên tới 5.000 người và khoảng 80 máy bay đã đến neo đậu tại căn cứ hải quân Yokosuka hôm 1/10.
USS Ronald Reagan là siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz đang phục vụ trong Hải quân Mỹ. Con tàu này có trọng lượng 101.400 tấn, chiều dài 332,8m. Tàu sân bay USS Ronald Reagan được trang bị vũ khí gồm 2 hệ thống tên lửa Mk 29 Sea Sparrow, 2 hệ thống tên lửa dẫn đường RIM-116 Rolling.
Tàu sân bay được thiết kế cho khoảng 90 máy bay tiêm kích, cường kích và máy bay trực thăng. Tàu Reagan cũng được trang bị những hệ thống phòng thủ, radar, hệ thống tích hợp vũ khí, hệ thống chỉ huy và công nghệ thông tin tối tân nhất. Tàu USS Ronald Reagan (CVN-76) là thế hệ tàu sân bay hạt nhân đầu tiên có khả năng chiến đấu hiệu quả nhất của Hải quân Mỹ.
Sự kiện triển khai một trong những tàu sân bay tối tân nhất đến Nhật Bản của Hải quân Mỹ là để nhằm mục tiêu củng cố mối quan hệ hợp tác sâu đậm, bền chặt giữa Washington và Tokyo. Động thái này được xem như một thông điệp sắc lạnh mà Mỹ muốn nhắn gửi đến Trung Quốc.
Kiệt Linh theo VnMedia